Dạy trực tuyến mọi lúc mọi nơi, sao cứ phải đợi đủ sĩ số mới được?

13/09/2021 06:46
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy học trực tuyến cho phép người học chủ động về mặt thời gian, học mọi nơi, mọi thời điểm trong lộ trình, miễn là người học lĩnh hội được kiến thức đã đặt ra.

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến được các nhà trường triển khai để đảm bảo cho học sinh được duy trì học tập, đảm bảo kiến thức, nhưng khi bắt tay vào lại có khá nhiều giáo viên lúng túng về kỹ thuật thực hiện, việc dạy học trực tuyến không phải là công việc tiến hành thường xuyên như ở bậc đại học. Vì thế, kỹ năng các bộ môn nhất là cấp phổ thông gặp khá nhiều khó khăn.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Phạm Thị Bảo Đức (Hà Nội) về vấn đề này.

Cô Đức nói: “Vừa qua, có khá nhiều ý kiến của thầy cô phàn nàn rằng dạy học trực tuyến là việc không thể làm được. Có thầy cô nói tôi đã rất cố gắng nhưng chỉ có ½ học sinh trong lớp tham gia học trực tuyến, vậy tôi phải làm sao…?

Tinh thần của dạy và học trực tuyến cho phép người học chủ động được về mặt thời gian, học mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Miễn sao trong một lộ trình thời gian đặt ra, người học có thể lĩnh hội được kiến thức đó. Vai trò của giáo viên là dẫn dắt cho học sinh đi đúng lộ trình và đảm bảo tương tác hai chiều trong quá trình hướng dẫn, chứ không phải bắt người học phải vào cùng một lúc để hướng dẫn".

Triển khai dạy học trực tuyến đối với các cấp học. Ảnh minh họa: Như Ý.
Triển khai dạy học trực tuyến đối với các cấp học. Ảnh minh họa: Như Ý.

Theo cô Đức: "Hiện nay chúng ta đang “áp” quan điểm là tất cả phải gặp mặt nhau thì mới dạy được, nhưng hình thức học trực tuyến đã xuất hiện trên thế giới từ rất lâu rồi và không nước nào dạy kiểu như vậy. Ví dụ: Cả lớp tham gia một khóa học, tất nhiên vài buổi đầu tiên thầy trò sẽ gặp mặt, giáo viên nói về những quy định của khóa học, rồi những tài liệu phục vụ học tập sẽ lấy ở đâu, cách học và cách kiểm tra sẽ thế nào…

Sau đó giáo viên có thể lên lớp theo kiểu lộ trình, buổi sáng sẽ có một video bài mới được giáo viên đăng lên khoảng dài từ 5 đến 7 phút, trong đó cô đọng tất cả những kiến thức của bài mới mà học sinh cần phải nắm được. Và cái hay ở chỗ học sinh không nhất thiết phải vào xem bài lúc 7 giờ 30 sáng, mà có thể lựa chọn thời gian trong ngày thích hợp, tất nhiên sẽ quy định đúng 17 giờ 30 phút cuối ngày học sinh sẽ phải nộp bài, với học sinh phổ thông có thể cho học một bài đó trong 2 ngày, và với đại học có thể là 3 ngày…

Video đó giáo viên có thể tự làm, hoặc khai thác học liệu có sẵn trên mạng xã hội, miễn là nội dung phù hợp, chất lượng. Kết thúc video, giáo viên gửi một bài test với các câu hỏi để kiểm tra, và học sinh có xem video thì mới làm được bài test đó. Giáo viên sẽ chấm điểm đánh giá bài test, được bao nhiêu điểm và nếu phù hợp với tiêu chí đánh giá được giáo viên đưa ra thì có nghĩa học sinh đó đã chiếm lĩnh được kiến thức.

Một bài học mới nhưng giáo viên này cũng giảng, giáo viên khác cũng nói…Vậy theo tôi, trong một trường, ở khối lớp 6 chẳng hạn, với bài này chỉ cần 1 thầy giảng thôi, hoặc tập hợp kiến thức, trí tuệ các giáo viên môn đó để thống nhất đưa ra một bài giảng chất lượng, phát bài giảng hoặc video đó cho tất cả học sinh khối 6 cùng học. Tiến tới dần hoàn thiện bộ học liệu chuẩn, với mỗi tiết học, môn học sẽ có sẵn học liệu như vậy để áp dụng.

Với bài giảng chuẩn đó, giáo viên trình chiếu cho cả lớp cùng học, sau đó làm bài test kiểm tra các con có nắm được kiến thức hay không, giáo viên có thể tương tác trực tiếp để chữa bài cho từng em. Đó là cách dạy mà theo tôi nó sẽ tiết kiệm được năng lượng của giáo viên, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, học liệu.

Thay vì thầy trò cứ “hò” nhau đúng giờ này là phải đăng nhập vào lớp. Tôi thấy quan điểm này cũng “hơi lạ” bởi không ít giáo viên quan niệm rằng tôi không nói điều này thì học sinh không được “quyền” biết trước điều đó, chỉ tôi mới được “quyền” nói điều này thôi.

Ví dụ: Hôm nay giáo viên dạy bài tập hợp, nếu học sinh nhanh nhạy có thể lên mạng tìm kiếm tất cả thông tin, clip về bài tập hợp đó, các em hoàn toàn có thể biết được qua các kênh, chứ không phải cứ chờ cô nói ra học sinh mới biết. Chúng ta cứ hô hào đổi mới, hướng dẫn học sinh tự học nhưng chính thầy cô vẫn nặng nề tư duy “cũ”, cứ phải chính mình nói ra kiến thức đó mới được”.

Thầy cô, nhà trường cần thay đổi

Cô Đức đề xuất: “Thầy cô nên “mở” hơn trong cách dạy, học sinh có thể xem clip của cô đưa ra, hoặc xem ở đâu đó cũng được, miễn là trả lời được những câu test của giáo viên về bài học đó, trả lời đúng có nghĩa con đã thành công. Nếu trả lời sai có thể xem lại clip của cô, hoặc cô đưa thêm tài liệu để học sinh nghiên cứu.

Tất nhiên không phải giáo viên “tung” một vấn đề ra rồi cho học sinh tự “bơi”, mà thầy cô nên có hướng dẫn cụ thể. Kết quả cuối cùng là chất lượng chứ không phải cứ hình thức “đua nhau” khoe lớp tôi học trực tuyến và các con rất ngoan, nhưng thầy cô lại quên mất rằng chất lượng mới là thước đo đánh giá giờ học đó có hiệu quả hay không? Chứ không phải là “bệnh” thành tích.

Ví dụ: Một học sinh lớp 6 hôm nay có 5 tiết học với 5 chủ đề các thầy cô đưa ra, vậy trong khoảng thời gian một ngày hôm nay con phải biết kiến thức của 5 tiết đó, và phải trả lời được 5 bài test của 5 môn học, như vậy là con đã hoàn thành nhiệm vụ của ngày hôm nay.

Ngày mai lại có những tiết học khác, như vậy mỗi ngày các con đều có nhiệm vụ phải hoàn thành, và học sinh đó có thể làm trong cả 1 ngày, các con sẽ phải chủ động sắp xếp công việc học của mình, chứ không phải nhất thiết cứ đúng giờ là phải ngồi trước màn hình để nghe giáo viên nói thì học sinh mới biết. Chất lượng cuối cùng là học sinh đạt được những gì, chứ không phải là có mặt đầy đủ”.

Phương pháp đưa kiến thức theo kiểu dạy trực tuyến sẽ phải khác với việc đưa kiến thức theo kiểu dạy trực tiếp tại lớp. Ảnh Minh Họa: Giang Huy.

Phương pháp đưa kiến thức theo kiểu dạy trực tuyến sẽ phải khác với việc đưa kiến thức theo kiểu dạy trực tiếp tại lớp. Ảnh Minh Họa: Giang Huy.

Cô Đức nhận định: “Tôi thấy thầy cô tham gia dạy học trực tuyến hiện nay đang quản lý học sinh theo kiểu cơ học, cứ đúng giờ là tất cả vào họp mặt, điểm danh, vắng mặt coi như bỏ học. Thế giới họ không triển khai dạy học trực tuyến theo kiểu như vậy.

Trước đây khi học sinh đến trường, chúng ta quản lý thời gian theo kiểu cơ học, tất cả ở trong một môi trường học tập, lúc này thầy cô bắt buộc phải tổ chức các hoạt động cho học sinh. Một dòng kiến thức trong sách giáo khoa phải “bôi” ra trong 45 phút đồng hồ và học sinh phải học cái đó, còn giờ đây học trực tuyến với cũng một dòng kiến thức đó học sinh chỉ đọc trong 30 giây là xong, vậy tại sao chúng ta lại bắt học sinh ngồi trước màn hình 45 phút để nghe giáo viên giảng một dòng đó được?

Phương pháp đưa kiến thức theo kiểu dạy trực tuyến sẽ phải khác với việc đưa kiến thức theo kiểu dạy trực tiếp tại lớp. Với cấp học nào cũng vậy, mỗi bài chỉ 1 đến 2 câu trọng tâm, và để lĩnh hội được trọng tâm đó chỉ cần nghe giáo viên nói 5 phút là các con đã hiểu hết rồi, còn đâu nên để dành thời gian cho học sinh tự nghiên cứu, hoặc đưa ra những bài test để học sinh luyện. Học trực tuyến mà cứ cố “bôi” ra 45 phút đó để làm gì? Dạy học trực tuyến phải khác với dạy trực tiếp về hình thức giao tiếp, thầy cô không nên “bê” nguyên mô hình dạy học trực tiếp sang để dạy trực tuyến.

Trách nhiệm của giáo viên, ngoài việc đưa ra ngữ liệu bài mới và hướng dẫn học sinh thực hiện, còn phải luôn duy trì kênh trao đổi với học sinh, quy định sẵn giờ này trong ngày sẽ trao đổi, hướng dẫn trực tiếp và các con có thể trao đổi qua các nền tảng học trực tuyến của Microsoft Team, của VNPT hoặc của Viettel đang cung cấp cho các trường để có thể lưu lại dữ liệu.

Đó là những nền tảng có hệ thống, mỗi học sinh có 1 file riêng được lưu lại quá trình hỏi và trao đổi trong khi học, mỗi tiết học, mỗi bài dạy sẽ được lưu lại 1 Profile riêng và có luôn phần trao đổi của giáo viên với học sinh ngay dưới bài học đó. Chỉ cần 1 học sinh đưa ra câu hỏi, giáo viên trả lời ở dưới và những học sinh khác gặp vấn đề tương tự có thể vào xem, tránh việc một câu được hỏi và trả lời quá nhiều lần.

Hiện nay nhiều thầy cô dùng Zoom để dạy học là chưa đúng, bởi nó không có những chức năng hệ thống thích hợp lưu lại quá trình hỏi và trao đổi trong quá trình dạy học, Zoom chỉ thích hợp với việc tất cả gặp mặt trực tiếp, bắt nhau ngồi trình diện trước màn hình, thích hợp với họp hơn là dạy học. Hơn nữa không nên sử dụng nhắn tin hoặc Zalo vì những ứng dụng này không thích hợp với việc học trực tuyến”.

Cần thay đổi quan điểm trong dạy học trực tuyến

Cô Đức chia sẻ: “Để thay đổi quan điểm trong việc dạy học trực tuyến sẽ mất thời gian khá lâu, không thể một sớm một chiều. Ngay như việc giáo viên thường đưa PowerPoint vào dạy học trực tuyến, và tư tưởng này đã “ăn” khá sâu là dạy học là phải dạy bằng bài giảng PowerPoint. Đây là việc sai và nó đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống và suy nghĩ của giáo viên.

Ở nước ngoài, giáo viên họ không dùng PowerPoint để dạy học. Nếu hiểu đúng, PowerPoint là một phần mềm để trình bày, cho diễn giả thuyết trình một vấn đề nào đó và chỉ phục vụ cho người nói, hoàn toàn một chiều không có tương tác.

Khi giáo viên dùng PowerPoint để minh họa vào bài dạy của mình, như vậy chỉ tương tác một chiều, có nghĩa chỉ đưa lên những vấn đề mà giáo viên muốn. Trong khi dạy học là phải có tương tác hai chiều, không phải giáo viên nói thoải mái, ở dưới học sinh nghe hay không cô không biết, nó phải có sự hỏi đáp trong giờ học.

Học sinh tự đưa ra câu hỏi, phản biện, được nói lên suy nghĩ, chứ không phải chỉ được hỏi theo “kịch bản” có sẵn của cô, nếu hỏi lệch ý cô sẽ không chuẩn bị file PowerPoint kịp”. Theo tôi, nếu cứ triển khai theo tư tưởng “cũ” thì việc dạy học trực tuyến còn lâu mới có hiệu quả thực chất”.

Tùng Dương