Dạy thêm không xấu, đừng chỉ trích trừ khi giáo viên dùng thủ thuật ép buộc

10/12/2019 06:15
Đỗ Quyên
(GDVN) - Dạy thêm chỉ đáng lên án khi giáo viên dùng thủ thuật để kéo học trò về nhà. Còn dạy theo nhu cầu của phụ huynh thì chẳng việc gì đáng phải nhận điều tiếng.

Câu chuyện dạy thêm học thêm tuy không mới nhưng vẫn chưa bao giờ cũ. Bàn đến đề tài này thì có vô vàn câu chuyện được kể ra.

Người nói thầy cô chèn ép, gây áp lực để học trò đi học thêm lấy tiền. Người lên án thầy cô ém kiến thức trên lớp để về dạy ở nhà…

Học trò tranh thủ từng phút từng giây để học, chẳng phải do chương trình quá nặng hay sao?(Ảnh Phan Tuyết)
Học trò tranh thủ từng phút từng giây để học, chẳng phải do chương trình quá nặng hay sao?(Ảnh Phan Tuyết)

Nhưng vẫn có không ít phụ huynh thừa nhận, nhờ học thêm mà con cái họ đã học tốt hơn. Nhiều người phản đối việc dạy thêm học thêm nhưng vẫn có không ít người lại ủng hộ.

Với góc nhìn của một nhà giáo (không coi dạy thêm là nguồn thu nhập) dạy thêm chỉ đáng lên án khi giáo viên dùng thủ thuật để kéo học trò về nhà dạy. Còn dạy theo nhu cầu của phụ huynh một cách quang minh thì chẳng có điều gì xấu hổ để phải chịu bao điều tiếng không hay.

Vì sao học sinh các cấp phải đi học thêm?

Học sinh nào cũng chẳng thích đi học thêm, cứ học một buổi trên lớp và về nhà tự học là thoải mái nhất. Thế nhưng các em vẫn phải đi học thêm vì kiến thức trên trường nắm không đủ.

Khoan hãy đổ tội cho thầy cô ém kiến thức để về nhà dạy, những giáo viên dạy nhiệt tình, tận tâm thì trong 45 phút có truyền tải nỗi, có quan tâm hết đến hơn 50 em học sinh trong lớp với đủ thứ trình độ khác nhau?

Dạy thêm không xấu, đừng chỉ trích trừ khi giáo viên dùng thủ thuật ép buộc ảnh 2
Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, ai cấm, cấm ai?

Chắc chắn điều đó là không thể!

Hơn 50 học sinh này nếu đi học thêm cũng phải chia ra nhiều nhóm học như nhóm học kiến thức nâng cao, nhóm học kiến thức căn bản, nhóm học phụ đạo những kiến thức còn hổng ở cấp dưới…

Mỗi nhóm học cỡ dăm em đến chục em là nhiều. Học như thế, các em mới học được những kiến thức mình cần.

Chúng tôi đã trò chuyện với nhiều học sinh có lực học nổi trội, học sinh giỏi xuất sắc và được biết:

“Chúng con thi trường Đại học Y, Dược mà không học nâng cao sao có thể đỗ vào được? Đề thi năm nào cũng có nhiều câu hỏi không có trong chương trình sách giáo khoa học ở trường”.

Một số học sinh yếu, kém cũng nói rằng nếu không đi học thêm, thầy cô dạy ở lớp chỉ truyền đạt kiến thức chung đã hết giờ, sao có thời gian kèm riêng cho mình được?

Đối tượng đi học thêm ở bậc tiểu học còn là những học sinh yếu kém, ngồi nhầm lớp. Nguyên nhân cũng vì việc lùa lên lớp cho đủ chỉ tiêu. Bởi thế, có em học lớp 3 nhưng trình độ chưa bằng học sinh lớp 1. Nếu dạy trên lớp, giáo viên lấy thời gian nào để kèm các em đây?

Cũng nhờ được kèm cặp thêm ở những tiết học thêm mà nhiều em đã tiến bộ lên trông thấy.

Với học sinh tiểu học đã được học 2 buổi/ngày thì lẽ ra sẽ không còn phải đi học thêm nữa.

Thế nhưng tại sao nhu cầu được gửi con trọn gói của phụ huynh vẫn lớn?

Dạy thêm không xấu, đừng chỉ trích trừ khi giáo viên dùng thủ thuật ép buộc ảnh 3
Mỗi nơi, mỗi kiểu khác nhau về dạy thêm, học thêm

Đó là xuất phát từ công việc làm ăn của cha mẹ không thể đón và đưa con đi học đúng giờ nên nhiều gia đình phải chọn giải pháp này.

Ở Biên Hòa Đồng Nai, ở Bình Dương…nơi có nhiều công nhân đang làm việc. Khi cha mẹ vào ca làm việc, sao có thể chạy về đón con buổi sáng và chở con đi học vào đầu giờ chiều?

Chỉ đưa đón một em đi học cũng cần phải có một người ở nhà làm việc đó. Nếu nhà có ông bà còn đỡ, chỉ hai vợ chồng con cái nếu không gửi được con nhiều gia đình nói mình chẳng biết phải làm sao?

Nhiều trường học nơi đây lại chưa có bán trú. Bên ngoài cũng có những dịch vụ đưa đón, lo ăn cho các em nhưng chẳng đâu an toàn bằng việc gửi chính các thầy cô giáo đang dạy con mình.

Thế là mô hình thầy cô bao trọn gói từ việc chở về, lo ăn uống, tắm giặt, soạn bài. Đã phát sinh trên nhu cầu khá lớn của phụ huynh.

Nhiều giáo viên cho biết mình không muốn nhận nhiều vì khá mệt nhưng phụ huynh cứ năn nỉ sao có thể từ chối?

Nói thẳng ra rằng, nhờ có mô hình này, đời sống nhiều giáo viên cũng được cải thiện và chính nhiều gia đình học sinh cũng giải quyết được mối lo an toàn cho con.

Vì thế, đừng lên án việc dạy thêm học thêm, hãy hiểu rõ ngọn ngành vì sao các em phải đi học thêm.

Khi chương trình học một đường mà đề thi lại ra một nẻo, khi sĩ số lớp học luôn quá tải, khi nhu cầu cho con học bán trú nhưng nhiều nơi vẫn không thể đáp ứng…thì việc dạy thêm học thêm sẽ khó mà chấm dứt.

Đừng nhìn thấy việc học sinh đi học thêm nhiều mà lên án giáo viên. Họ chỉ đáng lên án khi vì đồng tiền mà bất chấp quy định dùng uy quyền ép buộc các em phải đi học.

Dạy theo nhu cầu của phụ huynh, của học sinh cũng là đang giúp mình và giúp chính họ đấy.

Đỗ Quyên