Dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền kéo giáo dục giật lùi

17/09/2021 06:28
KIM THU
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy thêm quá nhiều thì đương nhiên không còn tâm sức để dạy trên lớp, không còn thời gian nghiên cứu bài dạy, nghiên cứu công nghệ hỗ trợ giảng dạy,…

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ một trong những hạn chế của ngành giáo dục được đó là vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay.

Thủ tướng cũng đã phát biểu chỉ đạo về dạy thêm như sau: “Tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn phổ biến; học chưa gắn với hành. Chưa đặt đúng tầm công tác giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc…”

Về giải pháp hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó, “học một đằng thi một nẻo”,…” [1]

Đây là một trong nhiều phát biểu chỉ đạo hết sức tâm huyết, đầy trách nhiệm của Thủ tướng đối với vấn đề gây bức xúc lớn trong giáo dục hiện nay là việc dạy thêm, học thêm.

Theo người viết đây là sáu lý do để thấy rằng việc giảm dạy thêm học thêm là cần thiết, hợp lý và chính đáng.

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Thứ nhất, giảm dần dạy thêm để tiến tới cải thiện lương, thu nhập chung cho nhà giáo

Theo quan điểm của người viết thì vấn đề lương, thu nhập của nhà giáo hiện nay so với mặt bằng chung của các nghề còn thấp, chưa tương xứng với vị thế người thầy, một nghề được xem là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề.

Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến đời sống, thu nhập của giáo viên, tuy nhiên việc cải thiện chưa đáng kể, chưa tương xứng.

Khi bàn về vấn đề tăng lương, thu nhập giáo viên thì lại phát sinh nhiều giáo viên có thêm thu nhập lớn ngoài lương là nhờ dạy thêm.

Thực tế vấn đề giáo viên giàu nhờ dạy thêm, thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng không phải là ít nên một số người cho rằng có rất nhiều giáo viên thu nhập cao từ dạy thêm, nên việc tăng lương chưa cần thiết?

Nhưng số lượng giáo viên thu nhập cao từ dạy thêm này chỉ là một số lượng ít giáo viên, còn thực tế nhiều giáo viên khác vẫn chật vật với cuộc sống hàng ngày, nhất là giáo viên trẻ.

Khi mà quá nhiều giáo viên thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống thì khó dẫn đến toàn tâm toàn ý dành hết sức chăm lo cho giáo dục.

Do đó, người viết cho rằng việc giảm tối đa giáo viên dạy thêm để giảm áp lực, gánh nặng xã hội để cả nước cùng nhìn lại thu nhập thực tế của giáo viên để có cơ sở tăng lương, thu nhập giáo viên tương xứng với nghề giáo, “nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề”.

Thứ hai, dạy thêm mất đi giáo viên tâm huyết

Giáo viên tâm huyết với nghề là giáo viên dành hết sự tận tâm, yêu thương với tất cả học sinh mà mình giảng dạy, giáo viên dạy thêm thu tiền thì đương nhiên gần như dành sự quan tâm cho học sinh học thêm, ít quan tâm đối với đối tượng học sinh khác.

Nghề giáo là nghề đặc thù, đặc biệt, giáo viên chỉ chú ý, quan tâm một số lượng ít học sinh học thêm mà bỏ qua, thậm chí o ép, trù dập,… học sinh khác làm méo mó môi trường giáo dục, mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo.

Giáo viên dạy thêm quá nhiều thì đương nhiên không còn tâm sức để dạy trên lớp, không còn thời gian nghiên cứu bài dạy, nghiên cứu công nghệ hỗ trợ giảng dạy,… nên gần như sẽ mất tâm huyết cho giảng dạy trên lớp.

Một nghề mà rất cần sự tâm huyết, chương trình, sách giáo khoa dù đổi mới có hay đến như thế nào mà mất đi giáo viên tâm huyết thì rất khó thành công.

Thứ ba, dạy thêm là tình trạng chính gây mất đoàn kết nội bộ

Mang trên mình sứ mệnh cao cả là giáo viên giảng dạy và giáo dục nhưng vì tình trạng dạy thêm mà làm mất đi tinh thần đoàn kết, vì muốn có nhiều học sinh học thêm để thu được nhiều tiền nên sẵn sàng lôi kéo, dụ dỗ học sinh, nói xấu giáo viên khác gây mất đoàn kết nội bộ.

Bên cạnh đó, cũng có giáo viên dạy thêm vì lợi nhuận mà ra đề kiểm tra, cho điểm thấp với học sinh không học thêm, gây bức xúc cho giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh gây mất đoàn kết,..

Thứ tư, dạy thêm làm giảm học sinh xuất sắc

Một thức tế được khoa học chỉ ra rằng học sinh chỉ học tốt khi trí não còn “khoảng trống” để tiếp thu kiến thức nhờ tự học, tự nghiên cứu, học thêm kiểu nhồi nhét, học trước bài,… chỉ khiến học sinh mất đi khả năng tự học, nghiên cứu và mất đi việc rất quan trọng là kỹ năng sống, đạo đức và những việc cần thiết khác cho cuộc sống.

Nhiều em học sinh ở lớp học nhỏ học rất xuất sắc, giỏi nhưng vì áp lực điểm số nên tham gia nhiều lớp học thêm, rồi khả năng tự học giảm sút, càng lớn càng học không đạt và thi không đạt lớp 10 hay thi đại học là điều vô cùng đáng buồn.

Nhiều em học sinh thi đạt thủ khoa hay học sinh giỏi các cấp đa số nhờ tự học.

Thứ năm, giảm dạy thêm là cơ hội đổi mới và thi cử

Một trong những vấn đề cần đổi mới là đánh giá học sinh theo năng lực và phẩm chất người học không còn chú trọng nặng kiến thức hàn lâm, xa rời thực tiễn nên việc học sinh chú trọng vào học thêm cũng không còn cần thiết.

Giảm và tiến đến chấm dứt dạy thêm sẽ là cơ hội đổi mới thi cử theo hướng mới gắn với thực tiễn, đánh giá người học thực chất.

Đây là yếu tố quan trọng, đổi mới thi cử theo hướng gắn với thực tế, tăng nội dung đánh giá phẩm chất, năng lực,…sẽ một trong những giải pháp để hạn chế dạy thêm tràn lan gây bức xúc hiện nay, việc này xuất phát từ những văn bản chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như lãnh đạo các địa phương.

Thứ sáu, giáo dục sẽ vô cùng tốt đẹp nếu không dạy thêm

Nếu trường học chấm dứt được dạy thêm, học thêm là một điều vô cùng tích cực khi đó hầu như tất cả giáo viên sẽ làm việc hết mình, dạy thật, học thật sẽ được thực hiện.

Khi đó trường học sẽ đoàn kết, giáo viên không còn việc “chân trong, chân ngoài”, “chạy sô” để kiếm tiền, nói xấu nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, không có lý do gì để o ép, “đì” học sinh.

Khi đó giáo viên sẽ yêu thương học sinh thật lòng, không có việc phân biệt đối xử giữa người học thêm và người không học.

Khi đó bất công giữa các học sinh sẽ mất đi, mọi học sinh đều được đối xử bình đẳng, công bằng.

Khi đó, mọi học sinh đều sẽ cố gắng học tập, tự học, có thời gian tham gia các khóa học thể dục thể thao, thẩm mỹ, kỹ năng sống, đạo đức,…

Bản thân người viết là giáo viên nhận thấy việc Thủ tướng chỉ đạo giảm dần dạy thêm là điều vô cùng hợp lý được nhân dân cả nước mong đợi từng ngày.

Nhiều nội dung của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm đã được công bố hết hiệu lực sau Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện nay chưa có văn bản nào về dạy thêm được ban hành thay thế Thông tư 17.

Hy vọng trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành quy định mới thay thế Thông tư 17 về dạy thêm học thêm cần ban hành cụ thể và chi tiết tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://mpm.chinhphu.vn/hoat-dong/thu-tuong-pham-minh-chinh-phai-co-gang-cao-nhat-quan-tam-sau-sac-nhat-den-hoc-sinh-va-giao-vien-trong-thoi-khac-kho-khan-20927.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM THU