Dạy thêm chỉ đáng lên án khi người dạy chăm chăm moi tiền học sinh chính khoá

27/01/2021 06:43
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu dạy thêm học thêm không chấn chỉnh được để giúp học sinh yếu, nâng đỡ học sinh tốt thì hội chứng “môn phụ”, “môn chính” đầu độc toàn bộ nền giáo dục.

Xung quanh vấn đề dạy thêm học thêm tràn lan, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

“Trước tiên, tôi phải khẳng định rằng, dạy thêm, học thêm bản chất không xấu cho nên việc đầu tiên chúng ta không ca ngợi nhưng cũng không nên kết án, không chụp mũ tất cả các loại hình học thêm dạy thêm như nhau".

Theo Giáo sư Phạm Hồng Tung, cái chúng ta cần lên án, buộc phải triệt để chấm dứt, nếu ai vi phạm phải trừng phạt rất nặng đó là việc thầy cô, nhà trường nào đó bớt xén chương trình chính khóa, lúc dạy chính khóa không hết trách nhiệm để đem nội dung tinh túy, mang kiến thức thuộc về ở lớp học chính khóa về để dạy thêm, nhằm mục đích kiếm tiền tức, là thương mại hóa giáo dục.

Để rồi sinh ra chuyện nếu không thực hiện được mục đích thương mại hóa thông qua dạy thêm học thêm thì định kiến trù dập học sinh, áp đặt cha mẹ, học sinh không thích học thêm cũng phải học thêm. Thây cô chỉ chăm chăm moi tiền thì không còn là thầy cô nữa.

Dạy thêm kiểu đó không giúp học sinh giỏi hơn trong phẩm chất năng lực mà đang hủy hoại hình ảnh người thầy, bóc lột học sinh, bán rẻ danh dự nhà giáo và thực chất là không thực hiện đúng yêu cầu của chương trình giáo dục. Đó là cái chúng ta phải lên án.

Giáo sư Phạm Hồng Tung- Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Phạm Hồng Tung- Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Thậm chí, Giáo sư Phạm Hồng Tung còn biết nhiều giáo viên có biện pháp tinh vi để ép buộc học sinh phải đi học thêm, ví như nếu không học thêm thì thầy cô ra đề kiểm tra vào đúng phần kiến thức học thêm, học trò nào không đi học thêm thì không làm được hoặc nếu có làm được thì hôm trả bài cô giáo vừa trả bài vừa châm chọc xúc phạm kiểu “bạn A, bạn B thì giỏi rồi, chả cần học thêm cũng giỏi nhỉ…”.

Cái chúng ta phải chống, phải chấm dứt bằng mọi cách đó là hình thức dạy thêm trá hình để thương mại hóa giáo dục một cách trắng trợn.

“Tôi nói như vậy để thấy rằng, dạy thêm học thêm cũng có mặt tốt, từng tham gia phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến chương trình môn học sau đó là cùng đồng nghiệp biên soạn sách giáo khoa, các học liệu thì chúng tôi nhằm vào phổ học sinh có học lực trung bình đến khá để làm nhóm hướng đích (target group). Đó là cái đích, tuy nhiên thực tế có nhiều học sinh dưới hoặc trên mức trung bình khá”, thầy Tung nói.

Bởi thực tế là, có học sinh giỏi Văn nhưng không giỏi Âm nhạc, có học sinh giỏi Toán nhưng không giỏi Ngoại ngữ… do đó dạy thêm, học thêm để bù đắp những phần kiến thức, những hợp phần năng lực còn khuyết thiếu của các con hoặc có những học sinh ưu trội ở một hoặc một số bộ môn nào đó thì nhà trường, thầy cô bổ trợ để các em phát triển, đạt tới đỉnh cao.

Bởi có những loại hình tài năng chỉ phát triển ở độ tuổi rất sớm, ví dụ Toán học, Ngoại ngữ nếu đợi sau 30 tuổi thì đã đi qua bên kia đỉnh dốc mất rồi.

Cũng theo đánh giá của Giáo sư Phạm Hồng Tung: “Nền giáo dục của chúng ta từ lâu rơi vào căn bệnh mà trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông chúng tôi ra sức để tìm cách loại bỏ nó, giảm thiểu nó nhưng bây giờ pải nói rằng chỉ thành công ở mức độ nhất định. Đó là hội chứng môn chính – môn phụ”.

Từ lâu rồi giáo dục Việt Nam đã coi Toán, Văn, Ngoại ngữ là môn chính, còn lại các môn khác trở thành môn phụ.

Hội chứng này bóp chết các môn phụ và sinh ra học thêm tràn lan những môn chính. Và điều này làm hại nền giáo dục vì thầy Tung biết, từ bậc trung học cơ sở có những thầy cô dạy rất giỏi và dạy thêm chạy xô không hết, thu nhập rất lớn. Mà bây giờ học trò khi lên lớp chúng tinh lắm, nhìn cái quần áo, giày dép, điện thoại, xe cộ mà thầy cô dùng là các em biết cùng là giáo viên mà thu nhập và mức sống khác nhau một trời một vực.

Từ những thứ hiện hữu như vậy sẽ khiến bản thân học trò coi thường thầy cô thu nhập thấp, coi thường các “môn phụ” mà các thầy cô đó đứng lớp. Chỉ các “môn chính” mới là thầy cô dạy tốt, nên thầy cô mà các em coi là dạy môn phụ dù có giỏi đến đâu cũng không thể có học sinh đi học thêm.

Chưa kể vì mục đích bệnh thành tích nên nhiều thầy cô, nhà trường cưỡng chế cắt giảm giờ, số tiết của những “môn phụ” để dành ôn thi học sinh giỏi Toán, Văn, Ngoại ngữ, vì thi học sinh giỏi hay thi đại học cũng trước hết chỉ tập trung hơn vào những môn đó thôi.

“Nếu dạy thêm học thêm không chấn chỉnh được để giúp học sinh yếu, nâng đỡ học sinh tốt thì hội chứng “môn phụ”, “môn chính” đầu độc toàn bộ nền giáo dục, ở đó không phải giáo dục mà đó là cái chợ, người nào buôn may bán đắt thì giàu, người nào không buôn may bán đắt thì tủi hổ.

Trong trường hợp này, thầy cô của những “môn phụ” tủi hổ vì dạy “môn phụ” nên nên mỗi khi học sinh học môn của mình mà mắc lỗi, đi muộn thì bị kỉ luật rất nặng so với các môn khác. Lúc đó thầy cô là những phù thủy hung ác trong lớp.

Do đó, chúng ta cần đồng bộ đổi mới bằng cách trường đại học cần đổi mới tổ hợp tuyển sinh, có rất nhiều tổ hợp khác nhau đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội đất nước thì cần có cả Giáo dục công dân, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý chứ không chỉ tập trung vào Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ.

Giả sử cứ giữ nguyên tổ hợp thì không tuyển sinh được hoặc đào tạo ra không có việc làm thì tự khắc các môn học đều trở nên quan trọng, dẹp được tâm lý “môn chính – môn phụ” thì từ đó sẽ không còn chuyện dạy thêm học thêm tràn lan.

Muốn thầy cô dạy theo nhóm học sinh, cho phù hợp với năng lực, sở trường của từng nhóm được thì phải đảm bảo sĩ số học sinh theo chuẩn, chứ 60-70 học sinh/ lớp thì chẳng khác nào đánh đố thầy cô.

Ngoài ra cần tận dụng tối đa tiến bộ khoa học công nghệ của hôm nay, đó là những khóa bồi dưỡng kiến thức song hành với chương trình chính khóa nhưng dạy trên mạng, trên truyền hình, các con cần gì thì mở ra xem giống như cứ mở tivi, điện thoại là nghe được nhạc Hàn Quốc.

Thay vì bỏ nhiều tiền học thêm thì lên mạng ai cũng có thầy dạy rồi, học sinh không phải chạy đua đi học thêm như con tin của nạn dạy thêm, xã hội không ồ ạt chạy đua tìm thầy cho con học thêm nữa. Và nhà nước đứng ra trả phí, người dùng chỉ phải chi trả tiền vào mạng.

Đó là những vấn đề mà Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng cần giải quyết tổng thể, nếu không cứ chặt đứt chỗ dạy thêm học thêm này thì sẽ lòi ra chỗ khác.

Thùy Linh