Dạy thật, học thật, thi thật vẫn là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục

20/06/2021 07:06
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi mọi người cùng chung tay, biết nhìn thẳng vào thực tế giáo dục, nhìn vào những hạn chế, bất cập để khắc phục thì chất lượng giáo dục mới có thể thay đổi được.

Chưa bao giờ chủ đề dạy thật, học thật được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều như thời gian gần đây. Học sinh giỏi nhiều, hạnh kiểm tốt nhiều, học sinh lên lớp ở đâu cũng gần như 100% nhưng vẫn còn rất nhiều chuyện đáng nghi ngại.

Vẫn còn tình trạng học sinh lên đến cấp trung học cơ sở mà chưa đọc thông, viết thạo, vẫn còn tình trạng học sinh đánh nhau, ẩu đả với nhau ở nhiều nơi, vẫn còn tình trạng học sinh vô lễ với thầy cô, thậm chí còn có trường hợp lén đặt camera trong nhà vệ sinh để quay hình ảnh giáo viên nữ đi vệ sinh để tống tiền…

Chỉ tiêu giáo dục đặt ra cho các nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên chưa sát với thực tế. Bệnh hình thức, bệnh thành tích vẫn xảy ra trong ngành giáo dục…Những chỉ đạo của cấp trên nhiều khi cứng nhắc, máy móc, chưa phù hợp với thực tiễn, những đổi mới giáo dục đôi lúc còn manh mún...

Bao giờ mới dạy thật, học thật, thi thật để có nhân tài thật vẫn là một thách thức lớn với ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại và nếu trong những năm tới đây chưa có được những thay đổi phù hợp thì chuyện dạy thật, học thật vẫn còn xa vời vợi.

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều ở một số trường học (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều ở một số trường học

(Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Nếu chỉ nhìn qua những hội thi, những con số báo cáo …

Nếu thống kê các hội thi, cuộc thi, phong trào thi đua của ngành giáo dục hiện nay thì nhiều vô kể. Sau mỗi hội thi, cuộc thi, phong trào thi đua của cả thầy và trò thì bao giờ cũng có rất nhiều giải thưởng.

Cuối năm học, đa phần học sinh các cấp được xếp hạnh kiểm loại tốt, học sinh tiểu học thì đa phần đạt danh hiệu “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì đạt danh hiệu “học sinh giỏi” nhiều vô kể.

Dù là trường chuyên hay đại trà thì số lượng học sinh được khen thưởng về học lực hàng năm cũng nhiều hơn học sinh không được khen thưởng. Trong lớp học thì thầy cô chỉ dùng lời khen, động viên, khích lệ để giúp học sinh tiến bộ, không có ai dám trách phạt học trò.

Trong phiếu nhận xét về học tập của mỗi môn học thì không có thầy cô nào dám chê trách học trò. Trong lời phê về hạnh kiểm vào học bạ của giáo viên chủ nhiệm cũng đều là những lời tốt đẹp. Thỉnh thoảng mới có em bị phê là “cần cố gắng hơn”; cần “tu dưỡng nhiều hơn”…là nặng nhất.

Gần như học sinh đủ điều kiện để được lên lớp 100% và đa số là học sinh khá giỏi, có những lớp đại trà mà chỉ một vài em có học lực trung bình. Nhiều môn học thì điểm giỏi là chủ yếu, chỉ có một tỉ lệ nhỏ là học sinh loại khá và trung bình.

Giáo viên thì đa phần được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, nhiều thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…Sáng kiến kinh nghiệm thì nhiều vô kể, những sáng kiến đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh mới khó chứ đạt giải cấp trường thì nhiều lắm.

Thành quả ấy đáng để tự hào lắm chứ nhưng phía sau những con số, những thành tích ấy thì giáo dục phổ thông đang còn rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi, phải khắc phục.

Rất nhiều việc cần khắc phục, cần thay đổi

Thực ra, ẩn sau những con số ấy “rất đẹp” mà các nhà trường, các địa phương tổng kết, báo cáo hàng năm sẽ có vô vàn điều phải khắc phục, phải chấn chỉnh lại.

Thứ nhất: chính sách vĩ mô cần có sự điều chỉnh phù hợp, nhất quán trong việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại học trò và thi tuyển vào đầu cấp.

Đối với cấp tiểu học không nhất thiết phải khen thưởng danh hiệu “xuất sắc” về học tập đại trà như hiện nay. Chính vì hướng dẫn của ngành là phải đạt 9 điểm, 10 điểm và các môn đánh giá bằng nhận xét phải xếp loại “hoàn thành tốt” mới được khen thưởng danh hiệu xuất sắc nên nhiều giáo viên họ “nâng” học trò lên cao để được khen thưởng.

Thứ hai: Bộ nên đồng nhất cách đánh giá và khen thưởng học trò ở các cấp học phổ thông. Không thể học sinh tiểu học phải đạt 9 điểm, 10 điểm và các môn đánh giá phải xếp loại “hoàn thành tốt” thì đạt danh hiệu “xuất sắc” nhưng lên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì lại khác.

Cũng là các môn đánh giá bằng nhận xét như môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật nhưng cấp tiểu học thì đánh giá “hoàn thành tốt”; “hoàn thành” và “chưa hoàn thành” nhưng đối với các lớp từ trung học cơ sở trở lên thì chỉ xếp 2 mức là “đạt” và “không đạt”.

Tất cả các môn đánh giá bằng điểm ở tiểu học thì phải đạt từ 9 điểm trở lên mới được khen thưởng ở mức cao nhất thì ở 2 cấp học còn lại chỉ cần điểm trung bình các môn đạt từ 8.0 điểm trở lên, không có môn nào dưới 6,5 điểm và có 1 trong 3 môn Toán, Anh, Văn được 8 điểm trở lên là được khen thưởng danh hiệu cao nhất…

Thứ ba: kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ nên giao hẳn cho địa phương, tổ chức, thực hiện kỳ thi này. Nhưng, đối với các trường đại học cần phải tổ chức thi tuyển nghiêm túc, hạn chế tối đa việc xét học bạ để tránh tình trạng nhiều trường phổ thông dễ dàng cho học sinh điểm cao ngất ngưởng nhằm thuận lợi cho việc xét tuyển đại học.

Thứ tư: ngành giáo dục cần chắt lọc các hội thi, cuộc thi của cả giáo viên và học sinh để hướng tới chất lượng hơn số lượng. Những người ra đề, tham gia ban giám khảo các cuộc thi phải là những người công tâm, có chuyên môn tốt, không nhất thiết phải là lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành.

Thứ năm: cấp trên không ấn định chỉ tiêu, thành tích “theo truyền thống” là năm sau phải cao hơn năm trước. Trường mình, địa phương mình phải ít nhất là bằng chỉ tiêu chung của huyện của tỉnh.

Chỉ tiêu phải bắt nguồn từ thực tế của từng đơn vị, của từng địa phương thì sẽ giảm đi áp lực thành tích cho giáo viên đứng lớp. Họ không phải bận tâm nhiều về chỉ tiêu để đánh giá đúng chất lượng dạy và học.

Thứ sáu: nhà trường, giáo viên phải đánh giá thật chất lượng học trò. Không cả nể, không chịu tác động chi phối, xin xỏ từ người nọ, người kia, cũng không phải vì thành tích cá nhân của giáo viên mà nâng điểm lên cao một cách bất ngờ.

Dạy thật, học thật, thi thật phải bắt đầu từ chính sách vĩ mô tốt, phù hợp. Giáo viên tận tâm, nhà trường tạo điều kiện, môi trường thuận lợi. Bên cạnh đó, học sinh phải có sự quan tâm sâu sát từ phụ huynh, phải tạo cho học sinh động lực phấn đấu, rèn luyện, biết lo lắng tương lai.

Khi mọi người cùng chung tay, biết nhìn thẳng vào thực tế giáo dục, nhìn vào những hạn chế, bất cập để khắc phục thì chất lượng giảng dạy, học tập mới nâng cao được và mới có nhân tài thật. Nếu không, thật giả vẫn mãi đan cài với nhau. Học sinh giỏi, người tài vẫn có nhiều nhưng cũng có những người không giỏi, không tài vẫn được khen thưởng, vẫn được khen là…giỏi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI