Dạy kỹ năng sống cho học sinh tư thục thuận lợi hơn nhiều công lập

17/11/2019 08:42
Tùng Dương
(GDVN) - Có một sự khác biệt rất lớn về diện tích lớp học giữa các trường tư thục và công lập, việc này sẽ tác động rất nhiều đến chất lượng Giáo dục của các trường.

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với trường tư thục”, cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh), chia sẻ quan điểm:

"Tôi rất may mắn được dự buổi Tọa đàm này của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cơ sở của tôi cũng là một cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư thục.

Qua những ý kiến của các thầy, cô tại buổi Tọa đàm này thì em thấy có rất nhiều vẫn đề trăn trở của chúng em trong 5 năm hoạt động vừa qua, nhân đây em cũng xin chia sẻ thêm một chút ý kiến:

Hiện tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí, bên em với hoạt động chính là cung ứng đội ngũ giáo viên vào các nhà trường cấp 1, cấp 2 và mầm non để dạy môn Kỹ năng sống theo khung chương trình bản quyền."

Video: Dạy kỹ năng sống cho học sinh tư thục thuận lợi hơn nhiều công lập.

"Vấn đề về quỹ đất mà các thầy cô vừa bàn, nhưng bên em là một cơ sở không phải dạy học sinh, mà bên em là cung ứng giáo viên đến các nhà trường công lập cũng như tư thục để thực hiện đề án giảng dạy đó.

Có một sự khác biệt rất là lớn, đó là về diện tích lớp học của các trường tư thục và công lập, nó tác động đến chất lượng Giáo dục rất là lớn và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của bên em.

Khi giáo viên bên em vào dạy tại các lớp trường công lập thì thực tế sĩ số học sinh rất đông, tỷ lệ gần như ở mức từ 35 đến 40 học sinh 1 lớp, ở những trường trong Thành phố Móng Cái có tới 45 học sinh trong 1 lớp.

Sĩ số học sinh đông như vậy thì thời gian các em được tương tác với giáo viên thường rất ít và đa phần là không có, dẫn đến việc triển khai các hoạt động của bài học đó rất hạn chế.

Nhưng đối với các lớp tư thục, hiện nay bên em có liên kết với hai trường là Trường mầm non Ka Long và Trường tiểu học Kim Đồng tại Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, các trường này với tỷ lệ học sinh trên 1 lớp học rất thoáng, chính vì vậy mà nó đã tạo được điều kiện thuận lợi để giáo viên thể hiện được tất cả những bước giảng trong giáo trình hôm đó.

Qua đó em thấy việc đảm bảo diện tích tối thiểu theo yêu cầu là có căn cứ, thay vì mình hạ thấp mức diện tích, thì mình nên cố gắng đáp ứng yêu cầu đó, và em xin giữ quan điểm là để nguyên 6 m2 trên 1 học sinh.

Phần thứ 2 là thuế, hiện nay có 30 thầy cô giáo hoạt động toàn thời gian cho công ty em, và bên em cũng đang thực hiện một số yêu cầu của bên thuế.

Em thấy ý kiến của cô Hiền nói thuế là một nguồn thu chủ yếu của ngân sách, nhà nước sẽ dùng tiền thuế này đầu tư cho an sinh xã hội, vậy thì việc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì cũng là doanh nghiệp, và đều có phần lợi nhuận.

Vậy đã có phần lợi nhuận về sau thì phải đóng thuế cho nhà nước, đó cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp, tiền thuế đó sẽ góp phần xây dựng đất nước.

Quan điểm của em là mình không nên có tư tưởng xin cào bằng, cũng như chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong có nói: Thay vì là 10% thì tới đây sẽ được giảm theo xu thế chung của những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Em đồng ý đóng thuế để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các cơ sở tư thục, cũng như góp phần phát triển đất nước."

Ngày 5/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Góp ý chính sách ưu đãi về thuế đối với trường tư thục”.

Tới dự tọa đàm có chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Anh Tuấn và cô Đàm Thùy Dương - đại diện Trường phổ thông liên cấp Wellspring Hà Nội.

Cô Nguyễn Hồng Nhung - Kế toán trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Cô Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng sống Minh Trí (tỉnh Quảng Ninh).

Tùng Dương