Dạy học từ xa mới mang tính định nghĩa, Bộ chưa hề có chỉ đạo

07/04/2020 06:08
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ cần chỉ đạo để cụ thể hóa việc dạy học qua truyền hình, online ra sao, quy định bao nhiêu kênh tham gia chứ không thể hướng dẫn chung chung như hiện nay.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19, ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn dạy học qua hai hình thức này đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020.

Theo đó, hướng dẫn của Bộ hướng tới 4 mục tiêu là: giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng chống Covid-19;

Phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập;

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là những mục tiêu tiếp theo.

Sau khi nghiên cứu hướng dẫn này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: 

“Hiện nay nhiều người băn khoăn đến việc có nên dừng tổ chức kỳ thi quốc gia mà thay vào đó là giao quyền xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho các cơ sở giáo dục hay không.

Tuy nhiên, theo tôi, giờ mới là tháng 4 mà tháng 7 mới kết thúc năm học 2019-2020. Rõ ràng thời gian còn lại bằng cả 1 kỳ học do đó chưa nên tính đến việc không tổ chức kỳ thi quốc gia. 

Hơn nữa, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng có muốn xét tốt nghiệp thì học sinh cũng phải có kết quả học tập thì mới xét được”.  

Theo phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Bộ cần chỉ đạo để cụ thể hóa việc dạy học qua truyền hình, online ra sao, quy định bao nhiêu kênh tham gia chứ không thể hướng dẫn chung chung như hiện nay. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Bộ cần chỉ đạo để cụ thể hóa việc dạy học qua truyền hình, online ra sao, quy định bao nhiêu kênh tham gia chứ không thể hướng dẫn chung chung như hiện nay. (Ảnh: Thùy Linh)

Chính vì vậy, thầy Nhĩ cho rằng, thời gian này cần tập trung dạy truyền hình, dạy học online cho thật tốt, đạt hiệu quả. Đó mới là nhiệm vụ quan trọng nhất. 

Thừa nhận với phóng viên, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, hướng dẫn dạy học qua truyền hình, online đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020 của Bộ vừa qua chỉ mang tính chất định nghĩa, chung chung chứ không mang tính chỉ đạo địa phương thực hiện như thế nào. 

“Muốn hình thức dạy học trên truyền hình, online thực sự có hiệu quả thì Bộ phải có chỉ đạo để cụ thể hóa việc dạy học của hai hình thức này ra sao, quy định bao nhiêu kênh tham gia vào giảng dạy nếu mỗi địa phương chỉ dùng 1-2 kênh như hiện nay phát sóng cả ngày thì vẫn không tạo nên nề nếp học tập cho học sinh cả nước”, thầy Nhĩ nêu quan điểm.  

Bức thư ngỏ nhiều thông điệp của thầy Nguyễn Xuân Khang
Bức thư ngỏ nhiều thông điệp của thầy Nguyễn Xuân Khang

Do vậy, thầy Nhĩ đề xuất, tốt nhất là nên có 12 kênh, mỗi kênh cho một khối lớp. Muốn làm được như vậy thì Bộ phải có kế hoạch giao 12 kênh cho 12 tỉnh phát triển mạnh nhất phụ trách, xây dựng và chia sẻ với các địa phương khác. 

Ví như ngày 30/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre yêu cầu các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch hướng dẫn học sinh học tập; phân công giáo viên (bộ môn, chủ nhiệm lớp) theo dõi lịch phát sóng để xây dựng kế hoạch hướng dẫn học sinh tham gia học tập.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cũng giới thiệu lịch phát sóng các tiết dạy trên kênh 1, kênh 2 của Đài truyền hình Hà Nội để học sinh, giáo viên theo dõi, tham gia dạy-học. (1)

"Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và cần được nhân rộng", thầy Nhĩ nói. 

Cũng theo vị này, khi học trực tiếp thì từng giáo viên, từng nhà trường đều có kế hoạch dạy học cho lớp, trường mình, còn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay Bộ cần ra kế hoạch chung cho thầy cô, học sinh cả nước, lớp 1 phát sóng kênh nào, lớp 2, lớp 3,… rồi đến lớp 12 phát sóng kênh nào để nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo tới học sinh, cha mẹ học sinh. 

Theo đó cứ 7h sáng và 14h là bắt đầu vào học, tùy vào từng khối lớp thì tiết học diễn ra trong bao nhiêu phút cho phù hợp, làm được như vậy thì có nề nếp và chắc chắn kết quả học tập sẽ hiệu quả. 

Chống dịch Covid-19, Quảng Ninh đi đầu thí điểm dạy học trực tuyến
Chống dịch Covid-19, Quảng Ninh đi đầu thí điểm dạy học trực tuyến

Trước đó, hướng dẫn của Bộ quy định rõ các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bài học và học liệu, việc tổ chức hoạt động dạy học.

Trong đối tượng tham gia vào hoạt động này và có liên quan, như: cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, học sinh, phụ huynh, Sở/phòng đều được phân vai, phân nhiệm rõ ràng.

Theo đó, để tổ chức dạy học trên internet, cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ.

Tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua internet.

Ngoài yêu cầu phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học theo hình thức này của giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục còn có trách nhiệm phối hợp với gia đình trong việc tổ chức thực hiện.

Giáo viên khi dạy học trên internet cho học sinh cần tổ chức các hoạt động như: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên.

Đối với dạy học trên truyền hình, ngoài xây dựng kế hoạch dạy học chung cho nhà trường, cơ sở giáo dục cần thông báo thời khoá biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, phụ huynh, để phối hợp tổ chức cho các em học tập.

Cơ sở có trách nhiệm quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học theo hình thức này.

Các giáo viên, ngoài xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, cần gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho các em theo các bài học trước khi được phát trên truyền hình.

Quá trình học sinh học trên truyền hình, giáo viên phối hợp với gia đình để hướng dẫn, giám sát các em nhằm đảm bảo chất lượng.

Đối với cả hai hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình, khi học sinh đi học trở lại, giáo viên có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức học sinh đã học qua các hình thức này. Từ đó, giáo viên tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo.

Học sinh tham gia học tập qua internet, trên truyền hình cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao, nộp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập để thầy cô nhận xét, đánh giá.

Tài liệu tham khảo: 

(1) https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-ben-tre-duoc-huong-dan-hoc-tren-truyen-hinh-ha-noi-20200330153317250.html

Thùy Linh