Dạy học trực tuyến ở nông thôn còn bộn bề gian khó

09/04/2020 06:38
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Về phần mình thầy cô giáo đã làm rất tốt, thế nhưng thực tế là muôn ngàn gian khó với dạy trực tuyến ở nông thôn, cái khó thuộc về học trò.

Việc học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài, học sinh đã ngán, phụ huynh đã chán, giáo viên càng chán hơn. Phần lớn giáo viên đều muốn đi dạy lại càng sớm càng tốt. 

Vì vậy khi nhà trường tổ chức tập huấn dạy trực tuyến thầy cô giáo đều ủng hộ, cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện; chỉ một mình thầy cô là không đủ, cần có sự chung tay của cả phụ huynh và học sinh. 

Sau khi gửi thông báo qua Vnedu, hệ thống loa phát thanh địa phương, thế nhưng tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến vẫn không đạt mong muốn của thầy cô giáo. 

Tại sao vậy? Về phần mình thầy cô giáo đã làm rất tốt, thế nhưng thực tế là muôn ngàn gian khó với dạy trực tuyến ở nông thôn, cái khó thuộc về học trò. 

Còn có những địa phương học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: Thainguyentv.vn)
Còn có những địa phương học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: Thainguyentv.vn)

Khó khăn… khó có thể vượt qua!

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là gia đình học sinh không có điện thoại thông minh, có thì không kết nối mạng 3G,4G, Wifi; không có máy tính kết nối mạng internet, không có máy tính bảng… không có thiết bị để học trực tuyến khi giáo viên dạy.

Thực tế tại địa phương xã Bưng Riềng (Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), chưa đầy 40% học sinh có thiết bị học trực tuyến; khó khăn này giáo viên gần như không thể khắc phục được.

Khó khăn thứ hai là tốc độ đường truyền không ổn định. Nhiều học sinh vào học trực tuyến nhưng không thể vào được, hoặc vào rồi đang học lại bị mất kết nối; học trò vừa học bài vừa hát “xoay đều, xoay đều những vòng … xoay”. 

Quảng Trị chỉ còn 17% học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến
Quảng Trị chỉ còn 17% học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến

Chính gián đoạn việc học đã làm học sinh nản chí, tiết dạy và học đều không hiệu quả. 

Em Nguyễn Phương Nam chia sẻ:

“Nghỉ lâu rồi, em rất muốn được đi học, nay học trực tuyến nhìn thấy thầy cô, bạn bè, chúng em vui lắm. 

Ngại nhất là đang học lại mất kết nối, khúc trước không học được, khúc sau chẳng hiểu gì.

Thầy cô dạy trực tuyến rất vui vẻ, tương tác với chúng em cũng tốt, nhưng em vẫn mong hết dịch để đi học trực tiếp hơn”. 

Cô giáo Ng. chia sẻ “Chúng em rất vui khi dạy trực tuyến, nhưng thấy còn nhiều bất cập, khó khăn quá; khó khăn đầu tiên phải nói đến là số học sinh có điều kiện tham gia còn thấp so với mong muốn; thứ hai là mạng chập chờn, đang dạy, đang học lại mất kết nối.

Những khó khăn thuộc về thầy cô giáo, thầy cô giáo khắc phục được; nhưng khó khăn về phía học sinh thì giáo viên đành chịu, khó lòng gỡ khó được cho học trò”.

Dự án Máy tính cho em

Trước thực tế học sinh không có máy tính, điện thoại thông minh để học trực tuyến, nhưng ở thành phố Vũng Tàu cũng có những máy tính, điện thoại thông minh dư, không sử dụng đến; nhóm thầy cô trong cộng đồng MIE - Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện dự án “Máy tính cho em”; mong chia sẻ khó khăn với học trò nông thôn.

Dự án Máy tính cho em được cộng đồng MIE Bà Rịa - Vũng Tàu phát động
Dự án Máy tính cho em được cộng đồng MIE Bà Rịa - Vũng Tàu phát động

Đại diện nhóm MIE - Bà Rịa – Vũng Tàu là cô Dương Thị Diệu (Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu) đã gửi tới quý cơ quan, anh chị; các mạnh thường quân, cô bác:

Anh chị em nào có máy tính, điện thoại, máy tính bảng còn dùng được mà không dùng tới hoặc có điều kiện thay máy mới thì tặng lại cho các em học sinh để hỗ trợ cho các em có phương tiện học tập.

Bước đầu dự án Máy tính cho em đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cộng đồng. 

Học trực tuyến, học qua truyền hình cần nhất là ý thức tự học của học trò.

Học liệu hiện nay có thể nói đáp ứng mọi nhu cầu của bậc học và phần lớn đều miễn phí.

Thực tế lại là một chuyện khác, còn đó rất nhiều khó khăn để học sinh nông thôn học trực tuyến được.

Mong dịch Covid-19 qua mau, bước chân học trò lại rộn rã đến trường; giáo viên ở nhà dạy trực tuyến; học sinh học trực tuyến; học qua truyền hình; tự học qua tài liệu, sách giáo khoa cũng là góp phần mình trong chiến thắng dịch bệnh của cả nước. 

Sơn Quang Huyến