Dạy học trực tuyến mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục Việt Nam

22/06/2021 06:06
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Vũ Kim Ngân, COVID-19 đang mở ra cơ hội, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành nhằm thích ứng với thời đại 4.0.

Việc chuyển sang hình thức trực tuyến trước hết là biện pháp tức thời nhằm đối phó với thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng hiện tại nó đã và đang trở thành xu hướng nổi bật của ngành giáo dục trong bối cảnh “bình thường mới”.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 khiến cho nhiều hoạt động bị ngưng trệ, đặc biệt là trong ngành giáo dục do liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội. Để khắc phục khó khăn giai đoạn đầu, ngành giáo dục đã đề xuất giải pháp lùi thời gian kết thúc năm học. Tuy vậy, do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều trường học đẩy mạnh triển khai áp dụng phương pháp dạy và học trực tuyến để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, sinh viên.

Qua quá trình triển khai, nhiều chuyên gia, thầy cô đánh giá việc dạy và học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh COVID-19 là một giải pháp phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh “bình thường mới”. Việc làm này không chỉ giúp người học tiếp cận được kiến thức trong thời gian giãn cách xã hội mà còn tạo điều kiện cho giảng viên tự trau dồi và phát triển những kỹ năng dạy học mới. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, với nhiều ưu thế vượt trội, dạy và học trực tuyến đang cạnh tranh quyết liệt và hoàn toàn có khả năng thay thế phương pháp dạy và học truyền thống.

Để có thêm góc nhìn về thực tiễn dạy và học trực tuyến ở các trường đại học trong và ngoài nước, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Kim Ngân – giảng viên bộ môn Pháp luật thương mại quốc tế thuộc Khoa luật, trường Đại học Ngoại thương và là giảng viên thỉnh giảng môn Luật kinh doanh so sánh và Luật châu Âu, trường Đại học Thương mại Bocconi, Milan, Ý để lắng nghe ý kiến về vấn đề này.

Phóng viên: Được biết, trong thời gian nghỉ COVID-19, Tiến sĩ Vũ Kim Ngân có tham gia giảng dạy và tham dự nhiều cuộc họp, hội thảo trực tuyến được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cô có cho rằng đây là xu thế mới của giáo dục hay chỉ là biện pháp tức thời?

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân: Đúng là dịch COVID-19 đã khiến cho việc học trực tuyến trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học khi học sinh, sinh viên không thể đến trường.

Có thể nói, việc chuyển sang hình thức trực tuyến trước hết là biện pháp tức thời nhằm đối phó với thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng hiện tại nó đã và đang trở thành xu hướng nổi bật của ngành giáo dục trong bối cảnh “bình thường mới” và điều này được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì, ít nhất là cho đến khi dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn.

Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, COVID-19 hiện mới chỉ làm cho việc dạy và học trực tuyến trở nên phổ biến hơn, chứ chưa thể thay thế được phương pháp giảng dạy truyền thống, do các điều kiện về nhận thức, thị hiếu, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, hành lang pháp lý… chưa đầy đủ để có thể chuyển đổi hoàn toàn.

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân – giảng viên bộ môn Pháp luật thương mại quốc tế thuộc Khoa luật, trường Đại học Ngoại thương và là giảng viên thỉnh giảng môn Luật kinh doanh so sánh và Luật châu Âu, trường Đại học Thương mại Bocconi, Milan, Ý (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân – giảng viên bộ môn Pháp luật thương mại quốc tế thuộc Khoa luật, trường Đại học Ngoại thương và là giảng viên thỉnh giảng môn Luật kinh doanh so sánh và Luật châu Âu, trường Đại học Thương mại Bocconi, Milan, Ý (ảnh: NVCC)

Trên thực tế, bất cứ khi nào tình hình COVID-19 được kiểm soát, các cơ sở đào tạo lại có xu hướng chuyển sang giảng dạy và tổ chức hội thảo trực tiếp thay vì tiếp tục duy trì hình thức trực tuyến.

Không chỉ với các trường ở Việt Nam, tại Milan, Ý, trường Đại học Thương mại Bocconi cũng thường xuyên điều chỉnh phương pháp giảng dạy tuỳ vào mức độ kiểm soát được dịch COVID-19, cụ thể: khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và có yêu cầu giãn cách xã hội thì sẽ dạy – học trực tuyến, nhưng khi tình hình dần ổn định, kiểm soát tốt và yêu cầu giãn cách được dỡ bỏ thì trường ngay lập tức chuyển sang phương pháp học tập trực tiếp hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp (Blended Learning).

Đối với các đơn vị tổ chức hội thảo khoa học quốc tế mà tôi từng tham dự, trong năm 2021, ban tổ chức chuẩn bị sẵn sàng cả hai phương án: trực tuyến hoàn toàn hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp, và sẽ triển khai tuỳ vào tình hình dịch bệnh cụ thể tại quốc gia đó.

Tuy vậy, điều khó có thể phủ nhận là những ưu điểm của hình thức trực tuyến khiến cho mọi khoảng cách gần lại hơn, việc giảng dạy, giao tiếp, trao đổi, tham dự hội, họp, nêu ý kiến, quan điểm trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn, bởi về nguyên tắc, các hoạt động như vậy có thể được tổ chức ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào. Do đó, xu thế này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển ngay cả khi đại dịch kết thúc.

Theo Tiến sĩ, trong bối cảnh toàn cầu như vậy, cơ hội cho giáo dục Việt Nam như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân: Tình hình dịch bệnh COVID-19 tạo ra nhiều rào cản, gây khó khăn và thiệt hại không nhỏ cho ngành giáo dục của Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, COVID-19 cũng đang mở ra cơ hội, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành để hướng đến việc thay đổi phương thức thực hiện giáo dục nhằm thích ứng với thời đại 4.0.

Tuy vậy, như đã chia sẻ, công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục cần có sự đầu tư toàn diện để đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau (từ vấn đề nhận thức đến cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, hành lang pháp lý…). COVID-19 bước đầu chủ yếu tác động đến nhận thức và thói quen của các đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục về hình thức dạy và học trực tuyến. Trên cơ sở đó, các điều kiện còn lại của chuyển đổi số trong giáo dục sẽ có cơ hội được đẩy nhanh hơn.

Cũng trong bối cảnh hiện tại, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên có thể tận dụng cơ hội khi các chương trình giảng dạy, hội thảo nghiên cứu được tổ chức trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Ngay cả khi ở Việt Nam, chúng ta vẫn có rất nhiều cơ hội học hỏi, cập nhật xu hướng tiên tiến nhất, tiếp cận tinh hoa tri thức mới nhất của nhân loại mà không tốn công sức – thời gian cho việc di chuyển. Về khía cạnh này, hình thức trực tuyến thực sự rất thuận lợi và hữu hiệu.

Nhưng ngược lại, với những sinh viên có mong muốn được đi học trao đổi ở trường nước ngoài để có thêm trải nghiệm ở một nền văn hoá mới cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân, COVID-19 và sự bùng nổ của hoạt động dạy và học trực tuyến lại là những rào cản, bởi học kỳ trao đổi chỉ thực sự hiệu quả khi sinh viên được đến đất nước đó để cảm nhận.

Với cá nhân tôi, việc giảng dạy hay tham dự hội thảo trực tuyến vừa mang lại những cơ hội mới, vừa tạo điều kiện thuận lợi để tôi duy trì được cả công việc trong nước, đồng thời vẫn tham gia các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy với đối tác nước ngoài.

Với cá nhân Tiến sĩ Vũ Kim Ngân việc giảng dạy hay tham dự hội thảo trực tuyến vừa mang lại những cơ hội mới (ảnh: NVCC)

Với cá nhân Tiến sĩ Vũ Kim Ngân việc giảng dạy hay tham dự hội thảo trực tuyến vừa mang lại những cơ hội mới (ảnh: NVCC)

Ví dụ như, trước đây, với mỗi lần đi thỉnh giảng tại trường Đại học Bocconi, Milan, tôi phải sắp xếp công việc tại Trường Đại học Ngoại thương để ra nước ngoài trong khoảng hai tháng. Đây là một hạn chế bởi gần như các công việc ở Việt Nam sẽ phải dừng lại, và điều này không phải lúc nào cũng đáp ứng được.

Nhưng khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, cùng lúc tôi vẫn đáp ứng được công tác giảng dạy, nghiên cứu cả trường ở Việt Nam và trường ở Ý một cách thuận lợi. Vì lệch múi giờ nên tôi có thể làm cả ngày ở trường Việt Nam và buổi tối (tức buổi chiều của Ý) dạy cho sinh viên Ý mà không lo trùng lịch.

Tiến sĩ có thể kể thêm cho bạn đọc những câu chuyện thực tiễn của bản thân khi phải chuyển đổi sang hình thức giảng dạy trực tuyến dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19?

Tiến sĩ Vũ Kim Ngân: Giảng dạy trực tuyến không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng việc phải chuyển đổi sang hình thức trực tuyến một cách bị động khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ đã gây không ít khó khăn cho cả giảng viên và sinh viên.

Thực tế là, ở giai đoạn đầu khi dạy trực tuyến, một số giảng viên gặp áp lực không nhỏ khi phải vừa giảng vừa ghi hình lại, chủ yếu giảng “một mình” do không “nhìn” thấy sinh viên trong khi tương tác với các em rất hạn chế. Nếu yêu cầu tất cả sinh viên đều bật camera, đường truyền internet nhiều khi không đáp ứng được, còn nếu khuyến khích thì gần như các em không bật camera.

Đối với việc thỉnh giảng tại trường Đại học Thương mại Bocconi, Milan, học phần Luật kinh doanh so sánh và Luật Châu Âu mà tôi tham gia giảng dạy do nhóm từ 5-6 giảng viên đảm nhiệm. Khi giảng dạy trực tiếp trên lớp, nhóm giảng viên thường chỉ cần họp chuyên môn 1-2 lần trong kỳ. Nhưng khi phải chuyển sang hình thức trực tuyến, các cuộc họp diễn ra thường xuyên hơn, giảng viên chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn nhằm tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhất và để đảm bảo sinh viên sẽ có những trải nghiệm tương đồng trong các lớp học khác nhau của cùng một môn.

Một số điểm thay đổi nổi bật như việc xây dựng slides bài giảng chi tiết hơn, cụ thể hơn, các ví dụ được minh hoạ rõ nét hơn, nhiều bài tập tình huống dạng nhóm hơn cho sinh viên; phần học liệu cũng đảm bảo được số hoá hoàn toàn, đồng thời bổ sung thêm nhiều bài báo, bản tin để cập nhật và liên hệ thực tế.

Ngoài ra, giảng viên còn sử dụng thêm nhiều ứng dụng khác nhau để tăng khả năng tương tác với toàn bộ sinh viên (ví dụ: giảng viên đặt câu hỏi và tất cả sinh viên có thể trả lời trực tiếp trên polls, mentimeter, wordclouds…). Tất cả bài giảng đều được ghi hình lại để sinh viên có thể truy cập vào xem lại. Sau mỗi tuần, chúng tôi lại tiếp tục họp để đánh giá về phương pháp giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Bên cạnh đó, tôi cũng tận dụng cơ hội để tham dự càng nhiều hội thảo quốc tế trực tuyến càng tốt. Ngày trước nhiều hội thảo dù có hay đến mấy nhưng nếu tổ chức ở các nước xa xôi như Nam Phi hay ở Châu Mỹ thì bản thân tôi sẽ không chủ động đăng ký hoặc không nộp hồ sơ, bởi có được chấp nhận thì cũng khó bố trí được thời gian đi.

Nhưng giờ cứ thấy hội thảo nào phù hợp chuyên môn, tôi sẽ gửi hồ sơ, gửi bài để có cơ hội trình bày ở hội thảo đó mà không cần nghĩ đến khoảng cách xa hay gần, dù có lệch múi giờ nhưng điều này có thể khắc phục được. Ngoài ra, các chi phí ăn, ở, đi lại cũng không còn là mối lo nữa, chỉ cần một không gian yên tĩnh với đường truyền wifi đảm bảo là sẽ tham dự được.

Do đã tổ chức thành công trong năm 2020 và bối cảnh đại dịch còn tiếp diễn, phần lớn các hội thảo khoa học vẫn sẽ triển khai theo hình thức trực tuyến trong năm 2021 hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Tôi hi vọng rằng cách thức kết hợp này sẽ còn được duy trì ngay cả khi đại dịch kết thúc để tạo điều kiện cho nhiều học giả trên thế giới được tham gia, từ đó mức độ chia sẻ tri thức sẽ hiệu quả và lan rộng hơn.

Tôi giảng dạy chuyên ngành về Luật thương mại quốc tế nên việc cập nhật tri thức quốc tế là rất quan trọng. Tham gia hội thảo chuyên môn là việc làm cần thiết để vừa học hỏi, vừa chia sẻ quan điểm, cách nhìn đối với các vấn đề của luật quốc tế nói chung và luật thương mại quốc tế nói riêng.

Đó cũng là dịp để chia sẻ những nghiên cứu của bản thân, ví dụ về tình hình, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc vận dụng các cam kết quốc tế về thương mại, để thảo luận và nhận được các góp ý, đánh giá khách quan của chuyên gia nước ngoài. Thông qua đó, mình có thêm nhiều kiến thức thực tiễn để đưa vào bài giảng, trao đổi với sinh viên hoặc phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Kim Ngân.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Thùy Linh (thực hiện)