Dạy học trực tuyến căng thẳng được nghỉ 1 tuần, giáo viên có phải dạy bù?

28/11/2021 06:45
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên và học sinh sợ nhất là được nghỉ học nhưng sau đó phải dạy bù, học bù rất mệt mỏi.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang ra công văn về việc tạm nghỉ dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình từ ngày 29/11 đến ngày 5/12/2021 với bậc tiểu học.

Thông tin này nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên. Giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng mong lãnh đạo cho học sinh được nghỉ 1 tuần vì nhiều địa phương có dịch Covid-19 đang dạy học online dài ngày, quá căng thẳng.

Thế nhưng, điều khiến giáo viên chúng tôi lo lắng nhất là, được nghỉ 1 tuần thì có phải dạy bù hay không, vì liên quan đến quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên các cấp.

Giáo viên nghỉ tiết nào thì phải dạy bù tiết đó

Theo quy định hiện hành, giáo viên được nghỉ dạy trong những trường hợp như sau:

Điều 4 của Quyết định 167-HĐBT ngày 28/9/1982 quy định: “Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương”.

Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20/11/2014 nêu rõ, lao động nam đang đóng bảo hiểm khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản:

“a) 05 ngày làm việc; b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc”.

Điều 115 Bộ luật Lao động ngày 20/11/2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

“a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày”.

Theo Điều 112 Bộ luật Lao động, giáo viên được nghỉ hưởng nguyên lương vào các dịp sau đây: “Tết Dương lịch nghỉ 01 ngày (01/01 dương lịch); Tết Âm lịch nghỉ 05 ngày; Ngày 30/4 nghỉ 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động nghỉ 01 ngày (01/5); Ngày Quốc khánh nghỉ 02 ngày; ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nghỉ 01 ngày (10/3 âm lịch)”.

Thế nhưng, thực tế nhiều năm nay lãnh đạo nhiều trường học quy định, giáo viên nghỉ bao nhiêu tiết thì phải bù bấy nhiêu tiết (nếu không có đồng nghiệp dạy thay). Chỉ có ngày nghỉ Tết Nguyên đán là không phải dạy bù nhưng oái oăm thay, lãnh đạo nhiều trường vẫn phân công giáo viên chia nhau trực trường, thậm chỉ trực cả vào ban đêm.

Vậy nên, giáo viên và học sinh sợ nhất là được nghỉ học nhưng sau đó phải dạy bù, học bù rất mệt mỏi. Việc dạy bù, học bù có khi rơi vào Chủ nhật khiến thầy trò không được nghỉ ngơi, không còn thời gian giải trí.

Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Nghỉ 1 tuần không dạy bù có được không?

Ngày 21/10/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Điều 5 quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:

“Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó: a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó: a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học”.

Quy định thời gian làm việc của giáo viên phổ thông là thế, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, lãnh đạo trường học có thể cho thầy trò được nghỉ 1 tuần mà không phải dạy bù vì những lí do sau đây:

Ngày 27/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học.

Nhiều bài học được Bộ Giáo dục hướng dẫn: “Không dạy; Đọc thêm; Không làm; Không thực hiện; Không yêu cầu; Khuyến khích học sinh tự đọc; Khuyến khích học sinh tự học; Khuyến khích học sinh tự làm; Khuyến khích học sinh tự thực hiện”.

Ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

Công văn 4040 hướng dẫn một số bài học chuyển sang “tự đọc”, “tự học”. “Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm”.

Như thế, theo khung phân phối chương trình thì tổng số tiết/môn học/năm học được giảm, cho dù nghỉ 1 tuần thì cũng không ảnh hưởng đến số tiết dạy. Chẳng hạn, nghỉ 1 tuần thì môn Ngữ văn 10 chỉ mất 3 tiết, chẳng đáng là bao.

Hơn nữa, giáo viên dạy online rất nhọc nhằn so với thời gian dạy trực tiếp ở trên lớp. Cụ thể, để dạy 1 tiết online có khi giáo viên phải mất từ 3-5 tiết để soạn giáo án điện tử. Thực tế, nhiều trường vẫn không quy đổi tiết dạy từ trực tuyến ra trực tiếp nên giáo viên bị thiệt thòi về thời gian làm việc.

Tôi thấy rằng, riêng học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở, phụ huynh đang rất vất vả vì phải giúp đỡ và theo sát việc học online của con cái. Thiết nghĩ, lãnh đạo các nhà trường nên mạnh dạn cho thầy và trò được nghỉ 1 tuần để giảm căng thẳng. Học sinh các cấp suốt ngày phải “ôm” điện thoại (đa số) học bài khiến các em rất nhức mắt, đau đầu.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/an-giang-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-tam-nghi-hoc-truc-tuyen-de-giam-cang-thang-post222657.gd

https://thukyluat.vn/news/diem-tin-van-ban/20-11-giao-vien-duoc-nghi-day-de-tham-du-ngay-nha-giao-viet-nam-68414.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bao-hiem/Luat-Bao-hiem-xa-hoi-2014-259700.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx

https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-3280-bgddt-gdtrh-209533-d6.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-4040-bgddt-gdtrh-2021-huong-dan-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-cap-thcs-thpt-209532-d6.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Cao Nguyên