Dạy học trên truyền hình, phát thanh thế nào cho hiệu quả?

22/02/2020 07:05
Thùy Linh
(GDVN) - Chúng ta đã có kênh phát thanh, truyền hình dành cho giáo dục nhưng sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh chưa đúng mức.

Hiện nay, học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, nhiều trường ở các tỉnh thành đã tiến hành học online nhưng học trò vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi không có internet, không có máy tính xách tay, iPad, không có điện thoại thông minh thì các em gần như không học gì trong thời gian này dẫn đến việc học bị gián đoạn.

Hiện nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc toàn xã hội cần phải chung sức với ngành giáo dục tìm giải pháp, theo đó, chúng ta nên dạy học trên các đài truyền hình, phát thanh từ trung ương, địa phương.

Trước thực tế này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội bởi ông đã có nhiều năm quản lý cơ sở giáo dục tiên phong với loại hình đào tạo từ xa và Trường đại học Mở Hà Nội hiện là thành viên chính thức của Hiệp hội trường đại học mở Châu Á (AAOU).

Phóng viên: Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng nên trưng dụng để dạy học trên các đài truyền hình, phát thanh từ trung ương, địa phương trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch Covid-19. Lâu nay chúng ta chỉ thực hiện đào tạo từ xa đối với sinh viên, người lớn, ông nghĩ việc đào tạo từ xa đối với học sinh có khả thi không?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng: Phải khẳng định, chủ trương tạm thời không học tập trung là hoàn toàn đúng đắn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh do Covid-19. Trong thời gian đó, việc “không ngừng học” là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với học sinh.

Tận dụng tối đa cơ sở vật chất đã được trang bị là một trong những phương án hay, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là cách làm mà Trường đại học Mở Hà Nội đã triển khai trong suốt 26 năm qua.

Ngày nay, cùng với sự đầu tư của công nghệ phát thanh, truyền hình, nhiều nền tảng ứng dụng miễn phí hoặc phải trả phí được phát triển, điều này hỗ trợ rất tốt cho việc trang bị kiến thức cho học sinh. 

Dạy học trên truyền hình, phát thanh thế nào cho hiệu quả? ảnh 1
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Đại học Mở Hà Nội (Ảnh nhà trường cung cấp)

Tuy nhiên, việc đào tạo từ xa đối với học sinh có nhiều điểm khác so với đối tượng sinh viên bởi đa phần học sinh chưa thể tự nghiên cứu tài liệu, cần được giáo viên giảng giải kiến thức, tương tác (trao đổi) với giáo viên và bạn học để tăng cường các kỹ năng khác.

Đào tạo từ xa sẽ khả thi nếu chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng cùng sự đầu tư có chiều sâu trong việc xây dựng học liệu, công nghệ hỗ trợ và trên hết là đội ngũ giáo viên.

Nếu địa phương thực hiện việc dạy học trên truyền hình, phát thanh, với kinh nghiệm quản lý nhiều năm ở Trường đại học Mở Hà Nội, theo thầy, địa phương cần chuẩn bị những gì từ cơ sở hạ tầng đến nguồn dữ liệu bài giảng bởi đây là phương thức đào tạo mới hoàn toàn đối với trẻ em?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng: Thực chất việc đào tạo từ xa đã được áp dụng từ rất lâu, Ví dụ khi chưa có công nghệ truyền hình chúng ta vẫn có dạy hát, dạy các kiến thức khác trên đài phát thanh, những thế hệ lớn lên trong thập nên 60, 70 việc này khá quen.

Như vậy có thể nói học tập từ xa cũng đã được thực hiện cho trẻ em, chỉ có điều chúng ta chưa chú trọng. Trẻ tiếp thu kiến thức qua truyền hình (phim hoạt hoạ), radio (chuyện kể …).

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho dạy học đại trà qua kênh truyền hình

Trường đại học Mở Hà nội khi mới bắt đầu sự nghiệp (năm 1993) cũng phải sử dụng phát thanh, truyền hình là công cụ, môi trường để tổ chức đào tạo.

Phương pháp đào tạo từ xa (ở đây tôi muốn đề cập đến đào tạo trực tuyến) có 3 cấp độ khác nhau. Cấp độ 1 mà nhiều cơ sở giáo dục đang triển khai hiện nay là chỉ đưa bài giảng lên hệ thống, người học dựa vào đó để học tập (tự học). Cấp độ thứ 2 là có thể hỏi đáp, tương tác giữa giảng viên và người học.

Theo tôi, đào tạo qua truyền hình, phát thanh đang ở cấp độ 2 – cấp độ mà Trường đại học Mở Hà Nội đã từng đạt tới và sử dụng phương pháp này từ năm 1996. Để dạy – học qua truyền hình, phát thanh đạt hiệu quả, theo tôi, cần phải giải quyết được các vấn đề sau:

Thứ nhất phải có bài giảng (buổi phát sóng) phù hợp, vì tiếp thu kiến thức qua kênh thông tin đại chúng khó tập trung sự chú ý của người học, ví dụ xem phim về một vấn đề dễ tiếp thu hơn nghe giảng về vấn đề đó.

Như vậy xây dựng nội dung hết sức quan trọng vì đảm bảo sinh động, dễ hiểu và gắn với thực tiễn mà điều này công nghệ truyền hình là lợi thế.

Thứ hai phải nói đó chính là đội ngũ. Thầy, cô giáo phải được tập huấn phương pháp giảng dạy trực tuyến, từ kỹ năng đứng trước ống kính, từ giọng nói qua micro và sự tương tác với hệ thống. Nó khác rất nhiều so với giảng dạy với công cụ bảng đen và phấn trắng. 

Thứ ba là các em học sinh cũng cần có thời gian để tiếp cận và bồi dưỡng các kỹ năng cần có để thao kịp phương pháp học mới. Đặc biệt nhà trường cần phối hợp với gia đình nâng cao tính tự giác cho học sinh. Bởi một hạn chế của đào tạo qua truyền hình, phát thanh là sự kiểm soát sự biến động trong giờ học. 

Về lâu dài, đề phòng cho các tình huống học sinh phải nghỉ học kéo dài, theo thầy chúng ta cần có kế hoạch như thế nào với phương thức đào tạo từ xa đối với học sinh?

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng: Vấn đề này thật sự chúng ta chưa thực hiện đúng chủ trương của Đảng và chưa nghiêm túc trong dạy và học.

Chúng ta đã có kênh phát thanh, truyền hình dành cho giáo dục nhưng sự quan tâm của giáo viên và phụ huynh chưa đúng mức, nếu kiến thức được dậy trên phát thanh, truyền hình thì giáo viên, phụ huynh phải quan tâm để sử dụng như bài giảng cấp quốc gia.

Nông thôn, thành thị đều cần dạy học trên truyền hình lúc này

Về phía Chính phủ cần yêu cầu mỗi đài đều phải có chương trình học tập giành cho học sinh, điều này rất cần như để giảng dạy Lịch sử, Địa lý, phong tục, tập quán của địa phương. Khi huy động vào giảng dạy cho các bậc học đều dễ dàng.

Về phía các sở, cơ sở đào tạo phải bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên để cung cấp nguồn nhân lực sản xuất nội dung cho các chương trình sao cho phù hợp với học sinh. Đặc biệt giáo viên cũng phải theo dõi chương trình để cập nhật và hỗ trợ học sinh khi tham gia học trực tuyến (chúng tôi hay gọi một người giảng nhiều người trợ giảng).

Với học sinh và phụ huynh thi cần có quan niệm phát thanh, truyền hình là giáo viên đặc biệt và khuyến khích con nghe đài, xem vô tuyến là học.

Chúng ta nên mạnh dạn triển khai, khi kết quả học tập của học sinh có tiến triển tốt thì phương pháp này mới mong được xã hội chấp nhận và phụ huynh ủng hộ.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Trương Tiến Tùng. 

Thùy Linh