Đầu Xuân gặp nữ hiệu trưởng đưa ca trù vào trường học

06/02/2019 11:57
LÃ TIẾN
(GDVN) - Từ chỗ không hiểu gì về ca trù, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ca trù vào Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (Hải Phòng).

Yêu ca trù từ việc ngưỡng mộ danh nhân

Tháng 4/2015, cô giáo Nguyễn Thị Thắm về nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng), giữ chức vụ hiệu trưởng.

Ngoài công tác chuyên môn, nữ hiệu trưởng dành nhiều thời gian tìm hiểu về “một bậc vĩ nhân” - Nguyễn Công Trứ.

Đã nhiều lần cô giáo Thắm cùng gia đình về quê cụ (ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của cụ.

Đào nương Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng) - Ảnh: Lã Tiến
Đào nương Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân, Hải Phòng) - Ảnh: Lã Tiến

Theo cô giáo Thắm, qua tìm hiểu, cô dành sự ngưỡng một đặc biệt cho danh nhân Nguyễn Công Trứ và biết được chính cụ là người mở ra một thể cách hát mới của ca trù, đó là hát nói.

“Khi mới về trường, chị thực sự không hiểu gì về ca trù. Từ khi đọc các tài liệu về cụ Nguyễn Công Trứ, biết được thân thế, sự nghiệp của cụ, chị quyết tâm tìm hiểu về ca trù.

Đó cũng là cái duyên để chị theo đuổi một môn nghệ thuật đặc sắc và thứ âm nhạc rất sang trọng này”, cô giáo Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.

Sau thời gian ngắn tìm hiểu, tháng 6/2015, nữ hiệu trưởng ngôi trường mang tên danh nhân Nguyễn Công Trứ quyết định thành lập Câu lạc bộ ca trù để tri ân cụ.

Đồng thời, nữ hiệu trưởng thuyết phục Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên dành thời gian giảng dạy ca trù cho học sinh.

Nữ hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm cùng học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ biểu diễn một tiết mục hát ca trù (Ảnh: Lã Tiến)
Nữ hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm cùng học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ biểu diễn một tiết mục hát ca trù (Ảnh: Lã Tiến)

Câu lạc bộ ca trù khóa 1 của trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ có 12 học sinh, trong đó có 1 học sinh “đặc biệt” là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thắm.

Để có thể truyền đạt bài bản về một nghệ thật đặc sắc này, Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên đã mời Nghệ nhân dân gian Thu Hằng cùng kép đoàn Tô Tuyên về trực tiếp giảng dạy.

“Một tuần, câu lạc bộ ca trù học 3 buổi. Khi học sinh học ca trù, chị phải sắp xếp thời gian để theo học cùng cả lớp.

Nhưng chị tiếp thu môn học chậm hơn các em học sinh. Thời gian đầu, chị phải mất 5 tháng để học phách.

Để có thể theo kịp các em học sinh trong câu lạc bộ, chị phải nhờ Nghệ nhân dân gian Thu Hằng bồi dưỡng thêm”, cô giáo Thắm cho biết.

Đầu Xuân gặp nữ hiệu trưởng đưa ca trù vào trường học ảnh 3

Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ truyền dạy ca trù tới học sinh

Theo nữ hiệu trưởng, khi cô và trò nhà trường học và hát được 2 tác phẩm đầu tiên của cụ Nguyễn Công Trứ, là “Công danh” và “Ca trù bổ bộ, cô thống nhất trong Ban giám hiệu cho các em học sinh biểu diễn tiết mục văn nghệ ca trù trong ngày khai giảng năm học mới.

Nhưng đến ngày khai giảng, nhiều phụ huynh ngơ ngác không biết các cháu hát cái gì nghe lạ, buồn cười và bình luận, bàn tán xôn xao.

“Phụ huynh thấy lạ cũng đúng bởi vì khi câu lạc bộ ca trù nhà trường tổ chức học rất âm thầm, ít phụ huynh biết.

Sau nhiều đêm trăn trở, chị chợt nhận ra phải làm cuộc tuyên truyền lớn để phụ huynh hiểu được ý nghĩa của việc đưa ca trù vào trường học”, cô giáo Thắm nói.

Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 158 năm Ngày mất của cụ Nguyễn Công Trứ, nữ hiệu trưởng đã đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân, Sở Giáo dục và Đào tạo để làm chuyên đề “Đưa di sản văn hóa cổ truyền vào trường học”.

Chuyên đề cũng là một hoạt động tham gia vào chương trình bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Hôm tổ chức chuyên đề, phụ huynh đến rất đông để xem con em mình biểu diễn về ca trù. Đồng thời được nghe các nghệ nhân, nghệ sĩ, các đại biểu chia sẻ về những giá trị văn hóa của một nghệ thuật này.

Sau khi chuyên đề kết thúc, nhiều phụ huynh hiểu ra ý nghĩa của việc đưa ca trù vào trường học, góp phần sâu sắc vào việc bảo tồn di sản.

Tri ân tiền nhân, bảo tồn di sản

Từ đó, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con em mình theo học câu lạc bộ ca trù do Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ tổ chức.

Từ khóa 2 đến nay, số học sinh đăng ký học ca trù ngày càng tăng lên, đông nhất là khóa 4 có 50 cháu đăng ký học.

Câu lạc bộ ca trù của nhà trường được sự hỗ trợ giảng dạy rất tích cực của các nghệ nhân dân gian và học sinh đăng ký học miễn phí.

Tiết mục hát ca trù của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ luôn được các phụ huynh chờ đón (Ảnh: Lã Tiến)
Tiết mục hát ca trù của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ luôn được các phụ huynh chờ đón (Ảnh: Lã Tiến)

Suốt 4 năm qua, tiết mục hát ca trù của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ được các bậc phụ huynh, đại biểu và lãnh đạo, giáo viên nhà trường chào đón nồng nhiệt trong dịp khai giảng năm học mới.

Ngoài ra, tiết mục ca trù của học sinh nhà trường còn đem biểu diễn tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, ngày hội tôn vinh các nghệ nhân dân gian do thành phố Hải Phòng tổ chức.

Đặc biệt, cứ vào ngày giỗ của cụ Nguyễn Công Trứ, nữ hiệu trưởng Thắm cùng các em học sinh trong câu lạc bộ ca trù tổ chức dâng hương và hát một tiết mục để tri ân bậc tiền nhân.

Đầu Xuân gặp nữ hiệu trưởng đưa ca trù vào trường học ảnh 5

Nỗi niềm "báu vật dân gian" Hà Thị Cầu

Chi sẻ về mục tiêu đưa ca trù vào trường học, cô giáo Nguyễn Thị Thắm cho biết: “Chị đưa ca trù vào giảng dạy cho học sinh không phải để đào tạo ca nương hát ca trù chuyên nghiệp mà mục tiêu là tri ân tiền nhân, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Đồng thời đưa ca trù vào trường học giúp học sinh phát triển toàn diện hơn, có tâm hồn phong phú, yêu giá trị cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường”.

Cũng theo cô giáo Thắm, hàng tuần cô vẫn dành nhiều thời gian học ca trù để hiểu sâu về môn nghệ thuật này và để phụ huynh thấy được ý tưởng của mình vô cùng nghiêm túc trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản.

Câu lạc bộ ca trù của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (Ảnh: Lã Tiến)
Câu lạc bộ ca trù của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (Ảnh: Lã Tiến)

Đến nay, nữ hiệu trưởng đã học và hát thành thạo 3/14 thể cách gồm: hát bỏ bộ, hát nói và hát bắc phản.

“Vừa phải hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo nhà trường, vừa phải dành thời gian học hát ca trù, chị rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía gia đình, nhất là chồng chị.

Cứ đều đặn chủ nhật hàng tuần, chị được chồng chở đi học hát tại nhà nghệ nhân dân gian Thu Hằng, chị cảm thấy vui và hạnh phúc lắm.

Đó cũng là lý do để chị thêm gắn bó và dành nhiều tâm huyết với môn nghệ thuật này”, chị Thắm phấn khởi nói.

Thời gian tới, nữ hiệu trưởng mong muốn đưa các tiết mục hát ca trù vào các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật dân gian các cấp, góp phần duy trì, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù.

LÃ TIẾN