Đáp án các bài thi quốc gia sẽ được mã hóa và chỉ có thể giải mã bằng phần mềm

28/06/2019 07:01
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, đáp án các bài thi trắc nghiệm Trung học phổ thông quốc gia sẽ được mã hóa.

Chia sẻ tại buổi họp báo ngày 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, đáp án các bài thi trắc nghiệm Trung học phổ thông quốc gia 2019sẽ được mã hóa và chỉ có thể giải mã bằng phần mềm chấm thi.

Theo ông Trinh, việc mã hóa đáp án thi là một trong những giải pháp để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Cũng nhằm mục tiêu đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không công bố đáp án ngay sau khi kỳ thi kết thúc như mọi năm mà sẽ công bố vào một thời điểm khác.

Ngày 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, đáp án các bài thi trắc nghiệm Trung học phổ thông quốc gia sẽ được mã hóa. (Ảnh: Trinh Phúc)
Ngày 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, đáp án các bài thi trắc nghiệm Trung học phổ thông quốc gia sẽ được mã hóa. (Ảnh: Trinh Phúc)

Bên cạnh việc mã hóa đáp án thi, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới với việc chấm thi trắc nghiệm, nhằm đảm bảo chấm thi nghiêm túc, kết quả thi chính xác.

Cụ thể, việc chấm thi sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chủ trì và do các trường đại học, cao đẳng thực hiện, không giao cho các sở giáo dục và đào tạo như năm 2018.

Không chỉ đổi đơn vị chủ trì, việc chấm trắc nghiệm năm 2019 còn được siết chặt hơn bằng việc mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm, từ dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và cả kết quả chấm. Chỉ có những người được cấp phép mới có thể giải mã để đọc được các thông tin.

Mù mờ quy chế thi, giám thị khiến 4 thí sinh phải thi lại môn Ngữ văn
Mù mờ quy chế thi, giám thị khiến 4 thí sinh phải thi lại môn Ngữ văn

Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử để khi xử lý bài thi không thấy được đồng thời mối liên hệ giữa thông tin cá nhân và phần bài làm của thí sinh, cán bộ chấm thi không thể biết bài làm này của thí sinh nào.

Việc sửa lỗi không thể thực hiện tùy tiện trên cả bài thi như các năm trước mà phần mềm phát hiện lỗi ở chỗ nào thì chỉ khoanh vùng khu vực đó. Cán bộ chấm thi chỉ có thể sửa trên phần được khoanh vùng.

Mọi thao tác trên phần mềm chấm thi đều được lưu vết và chỉ người có trách nhiệm mới mở để xem/đọc (không sửa được) các thông tin này nhằm hỗ trợ phát hiện các can thiệp trái phép hay gian lận khi sử dụng phần mềm chấm thi.

Nói riêng về chấm thi tự luận, ông Trinh cho biết ở khâu đánh phách sẽ thực hiện triệt để việc cách ly đánh phách, thực hiện chấm thi 2 vòng độc lập. Việc chấm môn tự luận sẽ có tối thiếu là 5% số bài thi có điểm cao được đưa ra để chấm thẩm định.

Mục đích của việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% là nhằm xem liệu việc chấm vòng 1 và vòng 2 có đều tay hay không, qua đó có hướng xử lý.

Thùy Linh