Đào tạo theo đơn đặt hàng, ai là người được hưởng lợi?

17/07/2017 12:29
Thùy Linh
(GDVN) - Mô hình đào tạo này đã và đang rất thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, nhất là ở Châu Âu... Tại sao lại vậy?

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (hay còn gọi là “điểm sàn”) thì Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là trường đại học đầu tiên khu vực phía Bắc công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào trường.

Theo đó, hai cơ sở đào tạo tại Thái Nguyên và Vĩnh Phúc mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 15,5 điểm. Còn tại cơ sở Hà Nội, mức điểm nhận hồ sơ từ 16 điểm đến 18 điểm.

Giải thích về lý do có độ chênh lệch điểm giữa các cơ sở đào tạo, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đào Văn Đông – Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, xu hướng chung phụ huynh và thí sinh đều muốn học tại Hà Nội nên số lượng đăng ký vào hai cơ sở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên chưa nhiều.

Do đó, Nhà trường chỉ để mức nhận hồ sơ tại hai cơ sở này bằng đúng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp phụ huynh, thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng ngành nghề để vừa phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân mà vừa lựa chọn địa điểm cơ sở học tập thuận tiện nhất.

Từ ngày 15/7-23/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Phó giáo sư Đào Văn Đông khuyên thí sinh nên tìm hiểu tình hình thị trường lao động để lựa chọn ngành nghiệp, tránh xu hướng đám đông.

Thuộc nhóm cơ sở đào tạo chuyên về lĩnh vực công nghệ, đặc biệt khi gần đây khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” không còn quá xa lạ với người Việt, nên Nhà trường chọn hướng phát triển là “đào tạo gắn với doanh nghiệp” vừa để giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường đáp ứng nhu cầu xã hội vừa là cơ hội hội nhập quốc tế. 

Mô hình đào tạo này đã và đang rất thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới, nhất là ở Châu Âu và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan….

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, những năm gần đây, Nhà trường chủ yếu phối hợp cùng với một số doanh nghiệp Nhật Bản để kỹ sư sau khi ra trường có đủ năng lực, trình độ, sức khỏe sang làm việc tại quốc gia này. 

Sinh viên Đại học Công nghệ Giao thông vận tải thực tập tại dự án xây dựng đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn, Quảng Ninh của Công ty Licogi 16 (Ảnh: Ngô Trinh)
Sinh viên Đại học Công nghệ Giao thông vận tải thực tập tại dự án xây dựng đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn, Quảng Ninh của Công ty Licogi 16 (Ảnh: Ngô Trinh)

Theo lời ông Đông, doanh nghiệp Nhật Bản không đặt nặng vấn đề bằng cấp xuất sắc hay giỏi, khá… mà yêu cầu khắt khe họ cần ở một kỹ sư chính là tính kỷ luật, ý thức đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc, tinh thần nỗ lực và ý chí vươn lên. Với người Nhật, đó là những yếu tố tạo nên sự thành công. 

Bạn có thể là một sinh viên xuất sắc nhưng nếu ý thức không tốt thì cũng không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật Bản”, Phó giáo sư Đông nhấn mạnh. 

Để đào tạo được một kỹ sư đáp ứng yêu cầu đó thì bên cạnh việc học tập, Nhà trường tổ chức lớp bổ trợ văn hóa, kỷ luật lao động, kỹ năng cần thiết cho sinh viên để các em bắt kịp những yêu cầu của doanh nghiệp. 

Kết thúc năm học 2016-2017 đã có 20 kỹ sư sang làm việc tại Nhật Bản, theo phản hồi từ kỹ sư thì thu nhập đạt khoảng 50-60 triệu đồng/tháng. 

Vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra dự thảo đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 -2020 và định hướng đến 2025 trong đó đề án đặc biệt đề cao vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề.

Đào tạo theo đơn đặt hàng, ai là người được hưởng lợi? ảnh 2

Học trò cần biết "liệu cơm gắp mắm" khi chọn nghề

Theo đó, miễn thuế các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp thực hiện đối với người lao động của chính doanh nghiệp hoặc cho xã hội. Có chính sách để doanh nghiệp tham gia đào tạo theo đặt hàng của nhà nước, tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo.

Doanh nghiệp nào không tham gia đào tạo phải đóng kinh phí khi tuyển dụng lao động có bằng cấp chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp theo hình thức quỹ phát triển giáo dục nghề nghiệp. 

Nhận thức rõ điều này, dù là cơ sở giáo dục đại học công lập nhưng ông Đông cũng thừa nhận rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp và Nhà trường là một yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ một cơ sở giáo dục nào nhằm tạo cơ hội tốt để sinh viên được thực tập và tiếp cận sớm với ngành nghề mà sinh viên đang theo học, giảm tỷ lệ thất nghiệp. 

Và khi tham gia vào quá trình đào tạo thì doanh nghiệp vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí tiền bạc mà lại có cơ hội lựa chọn được nguồn nhân lực đạt chất lượng cao. 

Vì sao các cơ sở giáo dục nên “đào tạo theo đơn đặt hàng”?

Được biết, trong năm học 2017-2018 tới đây, mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” này sẽ được áp dụng chặt chẽ hơn khi Nhà trường đào tạo theo đặt hàng của 02 công ty hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là Công ty Cổ phần Fecon và Công ty Cổ phần Licogi 16, với mục tiêu sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu của doanh nghiệp và thực tiễn sản xuất mà doanh nghiệp không cần phải đào tạo lại.

Với mô hình này, năm 2017, Nhà trường sẽ tuyển sinh 02 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Máy xây dựng; 01 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Xây dựng Cầu đường bộ; 01 lớp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng Cầu- hầm, mỗi lớp 30-40 sinh viên. 

Đào tạo theo đơn đặt hàng, ai là người được hưởng lợi? ảnh 3

Doanh nghiệp đặt hàng nhà trường đào tạo theo nhu cầu

Thuận lợi cho thí sinh khi học tập tại các ngành này là “1 không, 2 có”: Sinh viên KHÔNG phải đóng học phí nhưng lại CÓ học bổng khuyến khích hỗ trợ học tập và CÓ việc làm tại doanh nghiệp đặt hàng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Vị Hiệu trưởng này thông tin, theo cam kết giữa doanh nghiệp và Nhà trường, để có thể nhận kỹ sư ngay sau khi ra trường thì doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Nhà trường trong việc cải tiến chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo và đánh giá sinh viên như cử chuyên gia để tham gia giảng dạy một số nội dung chuyên môn, tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập, dạy kỹ năng mềm và văn hóa doanh nghiệp cho sinh viên và tham gia chấm đồ án tốt nghiệp của sinh viên.

Còn sinh viên sẽ được học tập lý thuyết, thí nghiệm tại Trường; học thực hành, thực tập tại các công trường trong và ngoài nước và trên các thiết bị máy móc hiện đại của doanh nghiệp. 

Và sinh viên được doanh nghiệp cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường nếu đáp ứng một số tiêu chí doanh nghiệp đưa ra, đồng thời được hoàn trả toàn bộ học phí trong suốt khóa học, được hỗ trợ kinh phí đi lại, tiền ăn, ở trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp hoặc công trường; được cấp học bổng bổng khuyến khích học tập trong từng năm học.

Như vậy, theo ông Đông, mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” giúp cho doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Nhà trường được tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhập các công nghệ tiên tiến hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp. 

Còn sinh viên không phải lo lắng về tài chính, được học tập kiến thức sát thực tế của chính doanh nghiệp nơi họ sẽ gắn bó lâu dài, được đào tạo kỹ năng mềm, văn hóa doanh nghiệp và được đảm bảo chắc chắn có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. 

Thùy Linh