Đào tạo "nghề giúp việc gia đình" có 435 giờ lý thuyết và 1.081 giờ thực hành

15/04/2021 09:29
Lê Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xã hội phát triển, người giúp việc cũng cần phải được đào tạo để theo kịp sự tiến bộ của xã hội.

Xuất phát từ nhu cầu đó, ông Ngô Kim Khôi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội cho biết, Trường đã xây dựng chương trình đào tạo ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình”.

“Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển, thu nhập và đời sống của người dân nói chung ngày càng tăng cao, thì càng nhiều chị em phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp, nhiều chị em phụ nữ khẳng định được vai trò và địa vị của mình trong xã hội, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,...

Đối với nhiều phụ nữ, công việc xã hội đã chiếm phần lớn quỹ thời gian và sức lực của họ. Vì thế, họ không còn đủ quỹ thời gian, công sức cho công việc gia đình như: Lau dọn nhà cửa; Nữ công gia chánh; Chợ búa; Cơm nước; Chăm sóc trẻ em, người già, bệnh nhân, người thân; Dạy dỗ con cái;…nên nhu cầu xã hội đặt ra là rất cần những người giúp việc được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Xuất phát từ thực tế và nhu cầu đó, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Dịch vụ chăm sóc gia đình, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, tổ chức tuyển sinh, đào tạo, phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nhân lực (Công ty HaduVietnam), để đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động trong nước cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo ông Khôi, ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình" trang bị cho người học kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành nghề nghiệp, có khả năng làm việc độc lập; Có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ; Tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có khả năng trở thành một nhân viên chuyên nghiệp phục vụ trong các gia đình, trung tâm, công sở hoặc tự tạo việc làm đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đi du học hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Để giúp học viên đạt được mục tiêu trên, chương trình đào tạo ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình” gồm 22 môn học, mô đun với tổng khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa là 60 tín chỉ, trong đó khối lượng các môn học chung/đại cương là 11 tín chỉ theo quy định chung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Khối lượng các môn học, mô đun chuyên môn là 49 tín chỉ, tương đương 435 giờ lý thuyết và 1.081 giờ thực hành, thực tập, đảm bảo tỷ lệ về thời lượng giữa số giờ lý thuyết và số giờ thực hành, thực tập xấp xỉ là 30% : 70%.

Sau khi học xong, học viên cần phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về cả kiến thức và kỹ năng. Trong đó:

Về kiến thức, học viên cần đạt:

Trình bày được các yêu cầu, nguyên tắc và quy trình làm sạch, bài trí sắp xếp nhà cửa, các đồ dùng vật dụng trong gia đình đảm bảo hợp lý, thẩm mỹ, an toàn và vệ sinh;

Vận dụng được những kiến thức về tâm lý học và sinh lý học theo lứa tuổi, giao tiếp để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình một cách phù hợp và hiệu quả;

Áp dụng được những kiến thức về dinh dưỡng và y tế thường thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và xử lý các tình huống cấp cứu;

Mô tả được nguyên tắc hoạt động, tính năng công dụng và qui trình vận hành của một số máy móc, thiết bị, dụng cụ thường dùng trong gia đình;

Trình bày được cơ sở xây dựng thực đơn hợp lý và quy trình thực hiện việc chế biến các món ăn, đồ uống và đồ tráng miệng thông thường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

Nêu được các yêu cầu và nguyên tắc trong chăm sóc cây trồng và vật nuôi trong gia đình;

Phân biệt được các nguyên tắc và các nhiệm vụ chủ yếu trong việc chăm sóc các thành viên đặc biệt trong gia đình: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và người ốm trong gia đình;

Trình bày được các công việc cần làm và các bước thực hiện trong quản lý các công việc gia đình đảm bảo tin cậy và an toàn;

Xác định được một số tình huống bất ngờ và sự cố xẩy ra trong sinh hoạt và đời sống của gia đình; Vận dụng các kiến thức về pháp luật, văn hóa, giáo dục, giao tiếp và khoa học kỹ thuật để xử lý các tình huống.

Về kỹ năng, học viên cần đạt:

Làm sạch được nhà cửa và các đồ dùng vật dụng trong gia đình; bố trí, sắp xếp nhà cửa theo đúng yêu cầu, đảm bảo an toàn và có tính thẩm mỹ bằng phương pháp thủ công hoặc sử dụng các máy móc, thiết bị chuyên dụng và hóa chất phổ biến;

Xử lý được các hỏng hóc thông thường của các máy móc thiết bị và vật dụng trong gia đình;

Xây dựng được thực đơn phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi; Chế biến được các món ăn, đồ uống và đồ tráng miệng thông thường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với khẩu vị;

Thực hiện chăm sóc vệ sinh và giáo dục trẻ sơ sinh và trẻ em trong gia đình đảm bảo an toàn và theo yêu cầu của gia chủ;

Chăm sóc người già và người ốm trong gia đình theo yêu cầu của gia chủ với thái độ hòa nhã và ân cần;

Chăm sóc được vườn cây và vật nuôi trong gia đình đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh, an toàn;

Phát hiện và xử lý được một số sự cố xảy ra trong sinh hoạt và đời sống của gia đình đảm bảo an ninh và an toàn cho gia đình;

Lập được kế hoạch và tổ chức thực hiện các sự kiện đơn giản trong gia đình;

Tính toán và theo dõi chi tiêu thường ngày trong gia đình và tư vấn cho gia chủ khi được yêu cầu.

Ông Khôi cho biết thêm: “Xuất phát từ kết quả khảo sát và đánh giá nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình" trước mắt cũng như lâu dài, thị trường lao động trong nước cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài, Trường cao đẳng Công thương đã xây dựng hồ sơ mở ngành và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình tài liệu, …) trình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Ngày 29 tháng 06 năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cấp phép cho Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đào tạo ngành dịch vụ chăm sóc gia đình".

Lê Đình Hùng