Đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp phù hợp và ưu việt

22/02/2021 05:56
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mô hình nối tiếp là phù hợp và ưu việt với nước ta hiện nay là do nhu cầu cần đào tạo nhanh đội ngũ giáo viên đang thiếu hụt trầm trọng.

LTS: Trong bối cảnh hiện nay đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và toàn cầu, thì việc đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của đất nước và thời đại cần được quan tâm chú ý.

Đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp (A+B) là vấn đề đã được đưa ra bàn thảo gần hai thập niên qua ở nước ta.

Xoay quanh vấn đề này, Tòa soạn đã nhận được bài viết của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ về tính ưu việt của mô hình này.

Trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế của đất nước, năm 1993, Đảng đã xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Tiếp đó, Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, với quan điểm chỉ đạo là: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo...”;

Với tinh thần trên, Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 bắt buộc tất cả giáo viên phổ thông từ cấp 1 đến cấp 2 phải có trình độ đại học, giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng.

Do đó, cả nước cần nâng chuẩn cho 239.000 giáo viên mầm non, Tiểu học và trung học cơ sở. Theo thống kê của Cục Nhà giáo, hiện cả nước cần bổ sung thêm hơn 84.000 giáo viên các cấp đang thiếu.

Đó là chưa kể việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã đưa vào một số môn học mới như: Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh… thì cần phải đào tạo đội ngũ giáo viên này phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đào tạo theo nhiều mô hình

Trước thực tế trên, nhà trường thực hiện đào tạo giáo viên theo nhiều mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên có chất lượng cho các địa phương.

Đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp được xem là phù hợp và ưu việt. Ảnh: AN

Đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp được xem là phù hợp và ưu việt. Ảnh: AN

Cụ thể trường tổ chức đào tạo theo các mô hình sau:

Thứ nhất là duy trì đào tạo giáo viên khép kín truyền thống. Mô hình này sinh viên ngay từ khi vào trường đã xác định theo ngành sư phạm.

Chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm theo mô hình này được xác định theo năng lực của Trường và được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo từng năm.

Thời gian học tập của sinh viên sư phạm ít nhất là 3,5 năm, nhiều nhất là 6 năm (theo học chế tín chỉ); với số tích lũy tín chỉ phải đạt tối thiểu 130 tín chỉ mới được xét tốt nghiệp cấp bằng.

Trong 130 tín chỉ toàn khóa học đó, sinh viên học kiến thức đại cương và chuyên ngành từ 90 - 95 tín chỉ, còn 35 – 40 tín chỉ học về nghiệp vụ sư phạm (bao gồm cả kiến tập và thực tập).

Thứ hai là song song với đào tạo khép kín, nhà trường còn tổ chức đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp, bằng hình thức văn bằng 2, học cùng lúc 2 chương trình, hay bằng hình thức khác...

Với loại hình đào tạo bằng 2 người học đã tốt nghiệp 1 văn bằng mới được đăng kí học, với thời lượng tối đa tích lũy văn bằng 2 là 65 tín chỉ, tùy theo ngành nghề văn bằng 1 phù hợp như thế nào với chương trình học văn bằng 2.

Đối với những học viên đã tốt nghiệp cử nhân khoa học trùng ngành với ngành đào tạo giáo viên muốn học bằng 2 chỉ cần học 35-40 tín chỉ nghiệp vụ sư phạm thì được cấp bằng cử nhân sư phạm.

Những học viên đã học ngành gần với ngành đào tạo giáo viên muốn học thì thời lượng học từ 50 đến 65 tín chỉ (bao gồm những tín chỉ bổ sung kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ sư phạm) sẽ hoàn thành chương trình.

Những học viên tốt nghiệp một bằng đại học bất kì thì hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa chuyên môn xác định số học phần đã học ở bằng đại học đó để công nhận hoặc xét tương đương những học phần nào đó trong chương trình đào tạo giáo viên.

Và học viên sẽ được miễn học những học phần được xét công nhận đó. Tuy vậy, những học viên này có thể sẽ học nhiều hơn 65 tín chỉ mới được cấp văn bằng 2.

Học 2 chương trình là mô hình tuy yêu cầu sinh viên phải học được ít nhất là 1 học kì năm thứ nhất, đạt kết quả khá giỏi mới được đăng kí học.

Nhưng mô hình này rất có sức hút sinh viên của trường và sinh viên các trường thành viên Đại học Đà Nẵng đăng kí học.

Mỗi năm có khoảng 300-400 sinh viên đăng kí học. Các ngành đào tạo giáo viên sinh viên đăng kí học bằng 2 nhiều nhất như: Tiểu học, Toán, Ngữ văn, Mầm non…

Ngoài 2 hình thức nối tiếp đào tạo giáo viên nêu trên, Trường còn thiết kế và tổ chức các lớp học đào tạo giáo viên theo hình thức nối tiếp đặc thù theo yêu cầu của các địa phương.

Ví dụ như đào tạo cấp giấy chứng nhận đủ năng lực giảng dạy bậc Tiểu học cho gần 500 học viên tốt nghiệp sư phạm các ngành Toán, Văn, Lí, Hóa… nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên Tiểu học thiếu trầm trọng ở Đà Nẵng trong những năm qua.

Tính phù hợp, ưu việt của mô hình nối tiếp đào tạo giáo viên

Việc đào tạo giáo viên của Trường được thực hiện đa mô hình, bên cạnh đào tạo song song truyền thống, đào tạo nối tiếp đa dạng, mở rộng.

Giáo viên giảng dạy online trong đợt dịch covid-19 vừa qua tại Đà Nẵng. Ảnh: AN

Giáo viên giảng dạy online trong đợt dịch covid-19 vừa qua tại Đà Nẵng. Ảnh: AN

Điều này khẳng định đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp với nhiều hình thức khác nhau là phù hợp, ưu việt hơn mô hình khép kín truyền thống.

Sở dĩ khẳng định mô hình nối tiếp đào tạo giáo viên là phù hợp và ưu việt với nước ta hiện nay là do nhu cầu cần đào tạo nhanh đội ngũ giáo viên đang thiếu hụt trầm trọng như đã nêu trên.

Người học còn có thể thay đổi nghề nghiệp dễ dàng do sự thay đổi không ngừng của xã hội. Cơ sở đào tạo giáo viên hoàn toàn có thể thích ứng được với sự thay đổi và phát triển của xã hội, đồng thời có thể chủ động thu hút được người giỏi vào học.

Sinh viên sư phạm cũng có khả năng thích ứng cao với nhu cầu xã hội, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng hay sử dụng nhân lực ngành sư phạm.

Với thế giới thì phù hợp, bởi nhiều nước tiên tiến như Anh, Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Canada… đều áp dụng mô hình nối tiếp này để đào tạo giáo viên.

Tuy mô hình nối tiếp đào tạo giáo viên phù hợp và ưu việt, nhưng để thực hiện đồng loạt ngay trong toàn hệ thống đào tạo giáo viên thì chưa thích hợp.

Bởi sự hấp dẫn của nghề giáo viên trong xã hội hiện nay thấp. Nguồn tuyển sinh vào học nối tiếp giáo viên hạn chế, do chủ yếu từ nguồn sinh viên các trường đại học khoa học (hiện nhiều trường đại học khoa học đang rất khó tuyển sinh).

Do đó, giai đoạn này chỉ có thể thực hiện đào tạo nối tiếp giáo viên ở những những cơ sở giáo dục đa ngành có quy mô lớn như đại học vùng hay đại học quốc gia, hay ở những đô thị lớn có nhiều trường đại học hợp tác công nhận sản phẩm đào tạo lẫn nhau.

Và để phát triển mô hình nối tiếp đào tạo giáo viên một cách có hiệu quả thì Chính phủ và ngành cần có chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết 29 là giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo bằng các nghị định, thông tư, quy chế, quy định… về đào tạo giáo viên, trong đó chú trọng đặc biệt đến nâng cao đời sống của giáo viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang