Đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên nhiêu khê vô bổ, cần bỏ

17/05/2022 06:20
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đánh giá chuẩn nhiêu khê, hình thức và mất quá nhiều thời gian của giáo viên, nhà trường nhưng kết quả cuối cùng của công việc này là gì?

Việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở các trường phổ thông trên cả nước từ hơn chục năm nay đang có rất nhiêu khê, phiền toái mà gần như không có tác dụng gì cho ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, dù giáo viên dưới cơ sở đã lên tiếng từ nhiều năm qua nhưng nó vẫn tồn tại bất biến với thời gian và ngày càng phức tạp hơn vì ngoài việc đánh giá, xếp loại, tìm minh chứng để nộp cho nhà trường thì giờ đây còn phải tải lên TEMIS ở phần mềm tập huấn trực tuyến.

Những minh chứng này có ai đọc không? Chúng tôi tin không mấy người ngó ngàng tới đâu - kể cả lãnh đạo nhà trường bởi công sức đâu mà đi xem những tờ giấy photo chứng chỉ, văn bằng từ năm này sang năm khác.

Vậy, việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo có cần thiết phải tồn tại nữa không khi mà nó chẳng có ích gì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên và các nhà trường?

Việc đánh giá, tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp đang mất nhiều thời gian vô bổ (Ảnh: Lê Minh)

Việc đánh giá, tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp đang mất nhiều thời gian vô bổ

(Ảnh: Lê Minh)

Hơn 10 năm qua, không biết Bộ yêu cầu đánh giá chuẩn nghề nghiệp để làm gì?

Việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay về cơ bản yêu cầu các loại chứng chỉ, giấy tờ sau: bản photo bằng chuyên ngành đào tạo, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các kế hoạch của nhà trường (hiệu trưởng), kế hoạch giáo dục, phiếu dự giờ của giáo viên, kết quả giảng dạy, bản đánh giá viên chức hàng năm….

Thế nhưng, chúng ta thử nhìn xem những loại minh chứng này có cần phải… minh chứng nữa hay không?

Bởi lẽ, khi được tuyển dụng thì văn bằng, chứng chỉ của giáo viên đã nộp 1 bộ cho cơ quan tuyển dụng, khi về trường thì nộp thêm một bộ hồ sơ nữa để ký hợp đồng với hiệu trưởng. Trong khi, hồ sơ cá nhân của giáo viên được nhà trường quản lý chặt chẽ và lưu giữ cẩn thận.

Những hồ sơ về chuyên môn như kiểm tra chuyên đề, phiếu dự giờ đánh giá giáo viên thì phó hiệu trưởng lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của giáo viên theo từng năm. Các kế hoạch giáo dục của giáo viên được tổ trưởng và phó hiệu trưởng chuyên môn phê duyệt và đóng dấu đỏ.

Kết quả giáo dục của giáo viên thì nhà trường quản lý qua phần mềm, học bạ của học sinh và bây giờ trường nào cũng sử dụng các phần mềm điện tử nên cuối năm vài cái click chuột là có bảng thống kê chất lượng của nhà trường, của tổ chuyên môn, của từng giáo viên…

Bản đánh giá viên chức cuối năm thì sau khi cá nhân tự đánh giá, tổ chuyên môn nhận xét, xếp loại và cuối cùng là hội đồng thi đua, khen thưởng của nhà trường xếp loại rồi lưu vào hồ sơ cá nhân cho giáo viên.

Vì thế, các loại văn bằng, chứng chỉ, kế hoạch của giáo viên đã được duyệt, lưu giữ cẩn thẩn qua từng năm, từng thời điểm thì hà cớ gì cuối năm lại phải photo để minh chứng cho các tiêu chí, tiêu chuẩn của chuẩn nghề nghiệp?

Thử hỏi từ khi xếp chuẩn giáo viên ở năm học 2009-2010 theo hướng dẫn của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT và kể từ năm học 2018-2019 cho đến nay thực hiện theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì năm nào giáo viên cũng phải photo minh chứng văn bằng, chứng chỉ để làm gì?

Đối với phó hiệu trưởng, hiệu trưởng nhà trường cũng vậy, văn bằng chứng chỉ của họ còn được lưu giữ, quản lý chặt chẽ hơn giáo viên bởi có nhiều cấp quản lý.

Theo quy trình hiện nay, khi bổ nhiệm hay luân chuyển cán bộ nhà trường thì phòng (sở) giáo dục, phòng (sở) nội vụ tham mưu, ra quyết định và trình ủy ban ký nghiêm ngặt. Vậy mà, cuối năm vẫn phải photo nó để minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn hiệu trưởng.

Rõ ràng, việc xếp chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên là không cần thiết, không có hiệu quả nhưng hàng năm đang mất rất nhiều thời gian photo, họp hành của lãnh đạo nhà trường và giáo viên vào thời điểm cuối năm học.

Đồng thời, hàng triệu nhà giáo trên cả nước phải photo minh chứng như vậy chắc cũng tốn không ít tiền bạc cho việc làm vô bổ này.

Bộ hãy lắng nghe giáo viên để bỏ việc xếp chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên

Việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay đang mất rất nhiều thời gian của các nhà trường.

Chỉ riêng việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường thì năm nào cũng mất một buổi đứng mới có thể hoàn tất.

Ngày đánh giá chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ được huy động vào. Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường sẽ nghe từng thành viên trong ban giám hiệu đọc từng tiêu chí, đọc minh chứng từng tiêu chí và xếp loại cho mỗi tiêu chí.

Sau đó, các thầy cô trong ban giám hiệu đọc những ưu điểm, hạn chế của mình và yêu cầu các đại diện các đoàn thể, giáo viên trong trường góp ý cho từng thành viên.

Tiếp theo, từng giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ được phát các phiếu đánh giá chuẩn hiệu trưởng cho từng thành viên của ban giám hiệu và đánh giá từng tiêu chí cụ thể theo hướng dẫn.

Sau khi giáo viên đánh giá cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì ban kiểm phiếu nhà trường sẽ tổng hợp tất cả các phiếu mà giáo viên vừa đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để ra mức xếp loại chung.

Tất nhiên, khi ban kiểm phiếu làm việc thì giáo viên, nhân viên phải chờ đợi để được nghe thông báo về kết quả xếp loại của giáo viên đối với từng thành viên trong ban giám hiệu.

Cuối cùng, nhà trường sẽ tổng hợp phiếu tự đánh giá, kết quả đánh giá của hội đồng sư phạm dành cho hiệu trưởng và phó hiệu trưởng để gửi hồ về sở (phòng) để cấp trên đánh giá, xếp loại các thầy cô trong ban giám hiệu.

Đối với việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng phải trải qua nhiều bước nhiêu khê tương tự. Giáo viên tự đánh giá, mỗi tiêu chí phải đi kèm minh chứng, rồi tổ chuyên môn họp, trường họp để đánh giá giáo viên.

Hai năm học vừa qua, giáo viên còn phải chụp những minh chứng của các tiêu chí để cập nhật lên phần mềm TEMIS và viết lại những ưu điểm, hạn chế, khả năng phát triển nghề nghiệp của mình.

Rồi tiếp theo là tổ trưởng chuyên môn, nhà trường cũng phải làm các bước tương tự để đánh giá, xếp loại giáo viên trên phần mềm TEMIS. Trong khi, nhiều tiêu chí mơ hồ nên giáo viên không biết tìm đâu ra minh chứng!

Việc này quá nhiêu khê, hình thức và mất quá nhiều thời gian của giáo viên, nhà trường nhưng thử hỏi kết quả cuối cùng của công việc này là gì? Tại sao công việc vô bổ này đã, đang và có thể vẫn tiếp tục tồn tại ở ngành giáo dục trong những năm tiếp theo?

Không biết lãnh đạo phòng, lãnh đạo sở và cả lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có phải xếp chuẩn, phải đi tìm minh chứng hay không? Nếu phải xếp chuẩn như hiệu trưởng, giáo viên thì chắc chắn các lãnh đạo ngành cũng sẽ trải qua nhiều bước, nhiều công đoạn “thú vị” lắm!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY