Đang có sự bất công về học phí giữa sinh viên học công lập và dân lập

18/04/2012 12:08
NQ
(GDVN) - GS.Trần Hồng Quân: “Các sinh viên đều là công dân của đất nước này, họ được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật chung, nhưng sinh viên học trường tư thục, dân lập lại bị thiệt thòi so với sinh viên học trường công lập”.

Tại cuộc họp báo sáng qua (17/4) để chuẩn bị cho đại hội II của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội cho biết, sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT nên bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH CĐ 2012.

Các sinh viên đều là công dân của đất nước, họ cần được đối sử công bằng
Các sinh viên đều là công dân của đất nước, họ cần được đối sử công bằng
GS.Trần Hồng Quân nhận định: “Điểm sàn không phải là yếu tố duy nhất để chứng tỏ được chất lượng đào tạo do chúng ta vẫn đang áp dụng tư duy cũ, chưa có nhiều đổi mới. Thí dụ một ngành đào tạo công nghệ thực phẩm, thí sinh có thể giỏi hóa, sinh nhưng không giỏi toán, và vẫn có thể trượt vì điểm môn toán thấp. Hoặc những thí sinh muốn học ngành công nghệ thông tin, họ cần giỏi Toán, nhưng không nhất thiết giỏi Hóa mà có khi lại trượt vì môn Hóa”.
Cũng theo GS.Quân, chất lượng đầu vào không phải ánh thực chất được chất lượng nguồn nhân lực, mà phải là đầu ra. “Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ kiến thức quyết định tất cả, nhưng thực chất kiến thức không phải là yếu tố quyết định, mà lại là kỹ năng. Kiến thức chỉ giúp cho thí sinh có được đầu vào, còn sự thành công trong công việc phụ thuộc phần nhiều vào kỹ năng”.
Ngoài ra, GS.Trần Hồng Quân cũng cho biết, Hiệp hội đã thành lập tổ chức có chức năng kiểm định chất lượng giáo dục gồm những chuyên gia có chuyên môn cao về công tác kiểm định, được đào tạo ở nước ngoài. “Công tác kiểm định có tất cả các tiêu chí với đầy đủ tính khoa học giống như của các trường nước ngoài. Tuy nhiên, công tác đánh giá kiểm định mang tính nội bộ, vì hiện nay Bộ GD&ĐT chưa chấp nhận đánh giá của các tổ chức kiểm định độc lập, mọi hoạt động đánh giá mang tính chính thống đều do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ tiến hành. Dù sao thì việc đánh giá này cũng hết sức cần thiết, bởi qua đó các trường ngoài công lập sẽ nghiêm túc đánh giá lại chất lượng đào tạo của mình để điều chỉnh cho tốt hơn”, GS.Quân chia sẻ.
GS. Trần Hồng Quân một lần nữa đề cập tới vấn đề các trường ĐH, CĐ ngoài công lập chưa được đối sử công bằng như hệ thống công lập, mà cụ thể là vấn đề đóng học phí. “Hiện nay, Nhà nước đang chi trả tới 70% học phí cho các trường công lập, vì vậy sự lựa chọn đầu tiên của thí sinh sẽ là nhóm trường này, trong khi đó các trường ngoài công lập phải bỏ mọi chi phí xây dựng, đào tạo thì không hề được hỗ trợ điều này. Như vậy, chúng ta thấy có sự không công bằng ở đây. Các sinh viên đều là công dân của đất nước này, họ được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật chung, nhưng sinh viên học trường tư thục, dân lập lại bị thiệt thòi so với sinh viên học trường công lập. Mà suy cho cùng, các sinh viên ấy khi tốt nghiệp cũng là làm việc cống hiến cho xã hội này, không có chỗ nào thua kém sinh viên tốt nghiệp từ trường công lập cả. Theo tôi, nhà nước chỉ nên đầu tư tập trung vào một số trường nhất định, còn lại các trường khác sẽ không được hỗ trợ học phí như vậy nữa mà phải tạo ra cuộc chơi công bằng với các trường dân lập, tư thục. Trước kia, chúng ta cứ lo ngại các trường ngoài công lập yếu kém, điều này trong quá khứ quả thật có xảy ra, nhưng hiện tại tôi khẳng định đại đa số các trường đều tốt, cả về vật chất lẫn chất lượng đào tạo, thậm chí có những trường hiện đại hơn hẳn tất cả các trường thuộc hệ thống công lập”, GS. Quân nhấn mạnh.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

NQ