Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tăng học phí, cao nhất 70 triệu đồng

08/06/2020 08:00
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, việc tăng học phí là do chi phí đào tạo.

Trong đề án tuyển sinh năm 2020 vừa được Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh công bố, học phí các ngành học tại trường sẽ từ 13 triệu đồng mỗi năm tăng lên đến từ 30 đến 70 triệu đồng, tùy theo từng ngành nghề đào tạo.

Nhà trường cho biết, kể từ ngày 1/1/2020, trường bắt đầu thực hiện việc tự chủ tài chính.

Học phí ngành Răng Hàm Mặt là mắc nhất, đến 70 triệu đồng/năm học, rẻ nhất là ngành Dinh dưỡng và Y tế công cộng là 30 triệu đồng/năm học.

Những ngành học còn lại của trường dao động từ 38 cho đến 68 triệu đồng/năm học.

Các năm học tiếp theo, mức học phí sẽ tăng hơn khoảng 10% so với năm học trước.

Mức học phí dự kiến của các ngành tại Trường Đại học Y Dược thành phố (ảnh: CTV)

Mức học phí dự kiến của các ngành tại Trường Đại học Y Dược thành phố (ảnh: CTV)

Mức học phí này dự kiến áp dụng bắt đầu từ năm 2020 – 2021, lứa sinh viên bắt đầu tuyển vào học năm đầu tiên.

Như vậy, tính thời gian học là 6 năm, sinh viên muốn trở thành một bác sĩ đa khoa tại trường có thể phải trả tổng mức học phí lên đến khoảng gần nửa tỷ đồng.

Đây là một trường đại học công lập, nằm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Y tế, với 9 khoa đào tạo, quy mô khoảng 9.000 sinh viên chính quy.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam vào sáng ngày 7/6/2020, Phó Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thích: Việc tăng học phí này dựa trên cơ sở các chi phí tính đúng, tính đủ cho việc đào tạo các ngành nghề của trường.

Phó Giáo sư Trần Diệp Tuấn nói tiếp: Học phí dự kiến chỉ tăng từ 30 – 70%, tùy theo từng ngành nghề đào tạo khác nhau, trong đó, ngành Răng Hàm Mặt có mức học phí cao nhất là 70 triệu đồng/năm học.

Việc tăng học phí này có thể chỉ áp dụng với các sinh viên mới tuyển trong năm nay, các sinh viên đang học vẫn tiếp tục được áp dụng mức học phí cũ.

Ngoài ra còn là do bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện việc tự chủ chi thường xuyên.

Trong tổng số 2.100 chỉ tiêu nhà trường dự kiến tuyển năm nay, trường sẽ dành 800 suất học bổng, trị giá mỗi suất học bổng từ 25 – 100% học phí. Tổng kinh phí lên đến 15,4 tỷ đồng.

Với các sinh viên từ năm thứ 2 trở đi, nhà trường có hai loại học bổng là Học bổng khuyến học và Học bổng vượt khó. Trị giá mỗi suất học bổng này dao động cũng từ 25 – 100% học phí 1 năm học, tùy theo từng loại học bổng khác nhau.

Theo thầy Trần Diệp Tuấn, vấn đề làm sao phải để cho dư luận xã hội, người dân hiểu hết được chi phí đào tạo các nhóm ngành trong lĩnh vực y tế, làm sao để nhà trường có thể duy trì đứng ở vị trí số 1 ở khu vực phía Nam về chất lượng giáo dục và đào tạo trong khối sức khỏe.

Ngoài ra, trường không chỉ duy trì, mà còn phải phấn đấu là nơi đào tạo lĩnh vực y tế, khoa học sức khỏe tương đương với các nước trong khu vực.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn: Muốn hội nhập thì phải làm sao để trường không bị tụt hậu.

“Thực tế, có những trường dạy dở hơn, nguồn lực và nhân lực đều kém hơn, chất lượng đào tạo và đầu tư đều kém hơn trường này, mà nó lại giữ vị trí số 1. Còn trường này, nguồn lực đầu tư nhiều, chất lượng giảng viên luôn tốt, chương trình đào tạo là số 1 hiện nay.

Trường không thể để tụt hậu do không có kinh phí đào tạo, kinh phí đầu tư, phải giữ vững vị thể số 1 ở khu vực phía Nam, phải hội nhập để đưa chất lượng đào tạo ngang bằng với trong khu vực, chứ không phải chỉ riêng trong nước, không thể chỉ đào tạo cho lấy lệ” – thầy Trần Diệp Tuấn bày tỏ.

Phó Giáo sư Trần Diệp Tuấn đề xuất: Với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng học giỏi, mong muốn trở thành thầy thuốc hay nhân viên y tế, Nhà nước có thể chi trả kinh phí, đặt hàng nhà trường đào tạo những sinh viên này, còn trường thì chỉ hỗ trợ một phần.

Nhà trường sẵn sàng nhận nhiệm vụ này, nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy Nhà nước đặt hàng gì.

Việt Dũng