Đại học vùng thành đại học quốc gia: Đừng nóng vội, gượng ép chuyển đổi sứ mệnh

09/04/2022 06:49
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại học vùng và đại học quốc gia có sứ mệnh khác nhau, nhưng không khác về mô hình. Việc chuyển đổi sứ mệnh phải phụ thuộc quy hoạch của Chính phủ.

Hiện nay, một số đại học vùng đang muốn trở thành đại học quốc gia hoặc được hoạt động theo cơ chế đại học quốc gia.

Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường đại học địa phương, đại học vùng và đại học quốc gia đều có sứ mệnh riêng của mình. Việc chuyển đổi sứ mệnh, chuyển đổi mô hình cần được xem xét kỹ, các trường không nên “đua” nhau thành đại học quốc gia chỉ vì cái “danh”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, không thể nóng vội, gượng ép chuyển đổi mô hình, chuyển đổi sứ mệnh của các đại học, trường đại học. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, không thể nóng vội, gượng ép chuyển đổi mô hình, chuyển đổi sứ mệnh của các đại học, trường đại học. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Cụ thể, đại học quốc gia có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc gia, gắn với những ngành nghề, lĩnh vực quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả đất nước. Đại học Quốc gia thường được xây dựng theo định hướng nghiên cứu, đa lĩnh vực, đào tạo bậc đại học và cả sau đại học.

Các đại học vùng lại gắn sứ mệnh của mình với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng vùng cụ thể. Ở mỗi vùng, điều kiện, chiến lược phát triển kinh tế xã hội khác nhau thì hướng đào tạo của các đại học vùng cũng khác nhau.

Ví dụ ở vùng phát triển mạnh về nông nghiệp thì đại học vùng đó đào tạo nguồn nhân lực ưu tiên đảm bảo nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp; với vùng phát triển mạnh về công nghiệp thì mục tiêu trọng tâm của đại học vùng là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp nhiều hơn.

Rõ ràng, hoạt động đào tạo của đại học vùng phải hướng vào vào cơ cấu ngành nghề của từng vùng đó, đào tạo trình độ trình độ đại học, cao đẳng nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế của chính vùng đó.

Còn đại học địa phương là do Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý, phục vụ đào tạo nhân lực cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.

“Rõ ràng hiện nay đang “loạn” chuyển đổi sứ mệnh khi các trường đại học, đại học vùng có xu hướng thành đại học quốc gia để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả quốc gia.

Khi thành lập các đại học vùng như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, quy hoạch đã nêu rõ khu vực miền Trung kinh tế phát triển còn thấp nên cần phải có những đầu tư đặc biệt hơn, cần đào tạo nguồn nhân lực để tập trung thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội miền Trung.

Chỉ khi nào kinh tế, xã hội khu vực miền Trung đã phát triển ngang tầm với miền Bắc và miền Nam thì Nhà nước mới có chủ trương quy hoạch lại. Điều này cần được xem xét kỹ lưỡng, không thể nóng vội, gượng ép chuyển đổi mô hình, chuyển đổi sứ mệnh.

Nếu các trường chỉ vì danh “đại học quốc gia”, không xem xét kỹ điều kiện kinh tế- xã hội của vùng miền, từ bỏ sứ mệnh của mình thì sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực, con đường phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực đó”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần phải lưu tâm về sứ mệnh của từng mô hình đại học, trường đại học.

Ví dụ như ở nước Mỹ, trường cao đẳng cộng đồng đã tồn tại hàng trăm năm nay, không chuyển đổi lên trường đại học, vì nó có sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực ở bậc trung và thấp, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các quận trong một bang.

Rõ ràng, không thể “tùy tiện” chuyển đổi sứ mệnh của các đại học, trường đại học. Việc chuyển đổi sứ mệnh không phải do ý muốn của trường mà phụ thuộc quy hoạch của Chính phủ.

Ngày 18/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 416/VPCP-QHĐP thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý kiến nghị của các địa phương, trong đó có kiến nghị của Đà Nẵng với nội dung: “Đồng ý chủ trương phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan hỗ trợ Đại học Đà Nẵng hoàn thiện các thủ tục liên quan để phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng...”

Theo đó, Đại học Đà Nẵng nghiên cứu chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Đà Nẵng trong mối tương quan với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. [1]

Trước đó, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045", tiếp theo sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 về xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, trong đó, có nhiệm vụ là “Phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia vào năm 2022, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”. [2]

Trường Đại học Cần Thơ cũng định hướng phát triển trường giai đoạn 2020-2025, sẽ xây dựng trường theo mô hình đại học quốc gia. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.udn.vn/tin-tuc/chi-tiet/phat-trien-dai-hoc-da-nang-thanh-dai-hoc-quoc-gia-da-nang

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/pgs-huynh-van-chuong-dai-hoc-hue-da-san-sang-len-dai-hoc-quoc-gia-post224682.gd

[3] https://baocantho.com.vn/-inh-huong-phat-trien-truong-ai-hoc-can-tho-tro-thanh-mo-hinh-dai-hoc-quoc-gia-a134218.html

Linh Trang