Đại học ưu tiên tuyển thí sinh chuyên có làm cuộc đua vào cấp 3 chuyên khốc liệt

19/04/2021 06:50
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học có phương án ưu tiên xét tuyển với thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông chuyên.

Việc này cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi, trong cuộc chạy đua tuyển sinh nếu các trường đại học tốp đầu cũng có nhiều chính sách ưu tiên với học sinh tốt nghiệp trường chuyên thì liệu có thiệt thòi với những trường tốp dưới hay không khi ai cũng biết rằng, sự lựa chọn số 1 của các học sinh khi vào giảng đường đại học vẫn là dành cho các trường danh tiếng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng, Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng, việc làm này là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh các trường vừa phải tự chủ, vừa phải chạy đua chỉ tiêu tuyển sinh khi mà hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Nếu có sự cạnh tranh thì chính là cuộc cạnh tranh lành mạnh về chất lượng tri thức chứ không phải là cạnh tranh về số lượng học viên.

Thầy Đậu Xuân Thoan nhấn mạnh: “Việc Chính phủ giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng là cơ sở để các trường chủ động hơn trong vấn đề tuyển sinh. Như vậy, đã giao quyền thì buộc mỗi trường phải có những chính sách tuyển sinh riêng, làm sao để thu hút được học viên, từ đó mới đảm bảo được quyền lợi của cán bộ giảng viên, đó cũng là điều đúng đắn và dễ hiểu. Đã là “cơm áo gạo tiền” thì nó không phân biệt đó là trường danh tiếng hay không.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng, Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: Vũ Phương

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng, Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI).

Ảnh: Vũ Phương

Việc các trường đề ra những chính sách hấp dẫn để thu hút học sinh tốt nghiệp ở các trường chuyên vừa đảm bảo yếu tố không máy móc theo quy định của Bộ Giáo dục, nhưng vẫn phù hợp với phần cứng trong các yêu cầu mà Bộ đề ra. Vì trên thực tế, khi đã xác định việc các trường phải tự chủ thì cái cốt lõi là các cơ quan quản lý cấp cao cũng phải từng bước trao cho các trường quyền tự quyết”.

Đề cập đến chuyện tại sao các học sinh tốt nghiệp trường chuyên lại được các trường đại học “săn đón” đến như vậy, thầy Thoan bày tỏ: “Việc này nó chính là cái thương hiệu và uy tín của các trường chuyên. Nói cụ thể là, chất lượng học sinh tốt nghiệp ở các trường chuyên cũng giống như một bước sàng lọc trước giúp các trường đại học bớt đi một khâu khá nặng nề so với hình thức tuyển sinh truyền thống.

Theo tôi được biết, một học sinh trúng tuyển vào trường chuyên cũng đã đánh giá được phần nào năng lực của học sinh đó ở mức độ nào so với các học sinh trường thường. Nhiều phụ huynh còn nhận định rằng, con thi đậu vào trường chuyên còn khó hơn vào đại học thời buổi bây giờ.

Đó là chưa kể đến chất lượng chuyên môn khi đào tạo các học sinh học ở trường chuyên nó cũng có sự khác biệt hoàn toàn. Rồi còn chuyện các học sinh muốn cầm được tấm bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông ở các trường chuyên cũng là cả một quá trình rèn luyện nữa.

Chung quy lại, việc học sinh đã tốt nghiệp ở các trường chuyên cũng giống như việc các trường đại học đỡ mất đi một công đoạn sàng lọc chất lượng tuyển sinh đầu vào. Vì vậy, các trường đại học luôn săn đón và có nhiều chính sách ưu tiên để tuyển được các học sinh diện này cũng là điều dễ hiểu”.

Tuy nhiên, thầy Đậu Xuân Thoan cũng có một sự lưu ý với các trường đại học có ý định tuyển sinh ồ ạt các học sinh học tốt nghiệp từ các trường chuyên. Bởi, giữa lúc các cổng trường đại học rộng mở với các học sinh trường chuyên thì cũng sẽ có nhiều vấn đề xảy ra nếu phụ huynh muốn định hình trước con đường vào đại học của con em mình là phải thông qua trường chuyên.

“Nếu đối chiếu đến việc, một học sinh học 3 năm liên tục ở trường chuyên, và thi tốt nghiệp đạt số điểm cao thì các trường đại học muốn tuyển thẳng những trường hợp này vào trường là hoàn toàn hợp lý. Những kết quả học sinh ấy có được là cả một quá trình rèn luyện và năng lực đào tạo của một môi trường cực kỳ khắt khe.

Và hiển nhiên, dù có không được tuyển thẳng ở đại học đi chăng nữa, nếu đi thi như bao học sinh khác thì với khả năng đó các em cũng dễ dàng đánh bật nhiều thí sinh khác để bước vào một trường đại học mà các em mơ ước.

Nhưng với những trường hợp học sinh từng học ở trường thường đến năm lớp 11, còn năm lớp 12 mới chuyển vào trường chuyên, nhưng khi thi tốt nghiệp vẫn có thành tích cao thì cũng cần các trường phải xem xét. Các trường hợp như vậy số ít sẽ bị các yếu tố ngoại lực chi phối đến kết quả học tập”, Thầy Đậu Xuân Thoan nhấn mạnh.

Khi đặt ra câu hỏi, liệu rằng trong cuộc chạy đua này các trường đại học tốp sau có đang bị thiệt thòi hay không, khi có thể nhìn thấy trước sự lựa chọn ưu tiên số 1 của các học sinh là ở đâu. Về điều này, thầy Đậu Xuân Thoan chia sẻ: “Nói thiệt thòi thì không hẳn, nhưng khi đặt lên bàn cân thì chắc chắn các trường ở tốp sau chỉ là lựa chọn thứ yếu sau khi các em lỡ trượt nguyện vọng vào các trường tốp đầu.

Các trường đại học danh tiếng cũng đang đẩy mạnh thu hút học sinh trường chuyên bằng các chính sách ưu tiên không có nghĩa là các trường đại học khác sẽ mất đi cơ hội. Bởi lẽ, hệ thống các trường chuyên trong cả nước cũng dồi dào nên nguồn thí sinh hàng năm từ các trường chuyên là rất lớn.

Mà chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm Bộ Giáo dục giao cho các trường đại học tốp đầu cũng ở một mức nhất định. Khi ấy, kể cả các học sinh tốt nghiệp trường chuyên cùng đăng ký vào một trường, dù có ưu tiên đi nữa cũng sẽ có một phần bị đẩy ra.

Đó là chưa kể một số trường hợp học sinh, dù là tốt nghiệp điểm cao ở các trường chuyên nhưng đại học danh tiếng không phải là lựa chọn của em đó. Vì thế, số lượng này là rất nhiều và hoàn toàn có thể đáp ứng cho nhu cầu tuyển sinh của các trường ở tốp sau”.

Trung Dũng