Đại học Sao Đỏ sản xuất thần tốc robot phục vụ chống dịch COVID-19

25/02/2021 08:45
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm nghiên cứu đã làm việc liên tục 32 giờ để chế tạo robot phục vụ phòng chống dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm giữa những bệnh nhân, người cách ly tập trung với nhân viên y tế và người phục vụ trong bệnh viện dã chiến và khu cách ly, nhóm giảng viên Trường Đại học Sao Đỏ đã đề xuất ý tưởng và bắt tay vào chế tạo robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ phòng, chống Covid-19.

Sau 32 giờ làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm, các cán bộ, giảng viên thuộc nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sao Đỏ, Hải Dương đã chế tạo thành công robot vận chuyển thực phẩm để phục vụ phòng chống đại dịch COVID-19.

Sáng 21/2, Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết robot vận chuyển nhu yếu phẩm phòng chống dịch COVID-19 đã được hoàn thiện.

Robot phục vụ chống covid-19 được chế tạo thần tốc. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Robot phục vụ chống covid-19 được chế tạo thần tốc. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Lãnh đạo trường Đại học Sao Đỏ cũng cho biết, kể từ khi đợt dịch thứ 3 bùng phát tại Chí Linh, Trường Đại học Sao Đỏ cử 15 cán bộ, giảng viên tham gia hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu làm công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và phục vụ người trong Bệnh viện Dã chiến số 1, các khu cách ly tập trung.

Nhận thấy việc tiếp xúc thường xuyên với F1 có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, nhóm cán bộ, giảng viên này đã đề xuất lên Ban Giám hiệu nhà trường nghiên cứu, chế tạo một robot chuyên thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm.

Tối 18/2, chủ trương nghiên cứu, chế tạo “Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phòng chống dịch COVID-19” đã được Ban Giám hiệu Trường Đại học Sao Đỏ phê duyệt.

Công đoạn hoàn thành được diễn ra nhanh chóng. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Công đoạn hoàn thành được diễn ra nhanh chóng. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Sáng sớm hôm sau, “Nhóm nghiên cứu” do Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh và 5 cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm của 2 khoa Điện và Cơ khí bắt đầu nhóm họp, bàn bạc, lên bản vẽ thiết kế…

Chỉ sau khoảng 3 giờ, nhóm đã hoàn thành nghiên cứu và lên bản vẽ thiết kế.

Tuy nhiên để bắt đầu chế tạo nhóm phải đợi nguyên liệu từ Hà Nội chuyển về.

Suốt từ sáng 19 đến trưa 20/2, các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã làm việc liên tục, với quyết tâm hoàn thành chế tạo robot sớm phút nào hay phút ấy.

Sau 32 giờ thần tốc, robot đã được hoàn thành và đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Chí Linh).

Kết quả cho thấy robot hoạt động hiệu quả, di chuyển linh hoạt, chỉ cần nâng cấp một vài chi tiết là hoàn thiện.

Robot hoạt động có hiệu quả ngay khi đưa vào sử dụng. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Robot hoạt động có hiệu quả ngay khi đưa vào sử dụng. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Robot sử dụng nguồn điện 1 chiều (12V, có thể chạy 4 ngày liên tục mới phải nạp thêm), robot được thiết kế theo kết cấu với 3 tầng giá đựng, khung được chế tạo bằng thép, bánh xe mô phỏng hình dáng của xe tăng tạo sự vững chắc khi di chuyển và giảm thiểu độ sóc đảm bảo đưa các nhu yếu phẩm và hàng hóa không bị rơi, đổ vỡ.

Với mỗi lượt làm việc, robot có thể vận chuyển được trọng lượng hàng trăm kg nhu yếu phẩm như: quần áo, nước sát khuẩn và các vật dụng y tế phục vụ trong bệnh viện hoặc có thể vận chuyển trên 60 suất cơm cho các bệnh nhân.

Việc sử dụng robot sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa người với người trong khu cách ly tập trung hoặc trong các bệnh viện dã chiến.

Với bộ điều khiển bằng tay, người sử dụng có thể điều khiển robot di chuyển tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái tùy ý trong bán kính 200m. Robot này có thể di chuyển trên bề mặt có độ dốc, nghiêng.

Đội ngũ các cán bộ giáo viên trường Đại học Sao Đỏ khẩn trương pha chế nước sát khuẩn cung cấp miễn phí tại tâm dịch Chí Linh. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Đội ngũ các cán bộ giáo viên trường Đại học Sao Đỏ khẩn trương pha chế nước sát khuẩn cung cấp miễn phí tại tâm dịch Chí Linh. Ảnh: Đại học Sao Đỏ

Việc sử dụng robot sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa người với người trong khu cách ly tập trung hoặc trong các bệnh viện dã chiến. Điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2..

Được biết, đến nay, Nhà trường đã nghiên cứu và sản xuất 3 "robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống dịch covid-19" tặng cho Bệnh viện Dã chiến số 1 và các khu cách ly.

Cũng trong đợt dịch diễn ra tại Chí Linh, Trường Đại học Sao Đỏ đã phát huy vai trò tích cực trong công cuộc phòng chống dịch hiệu quả với hàng loạt hành động thiết thực như Nghiên cứu lắp dặt buồng khử khuẩn tại cơ sở 1

Đội ngũ giáo viên, nhà khoa học Trường Đại học Sao Đỏ đã ủng hộ hàng nghìn lít nước sát khuẩn với hàng trăm bình xịt cho 19 đơn vị xã phường của thành phố Chí Linh, cho dân cư trên địa bàn phường Sao Đỏ, các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố Chí Linh….

Ban giám hiệu, cán bộ công nhân viên nhà trường đã có các hoạt động phối hợp cùng chính quyền địa phương chống dịch có hiệu quả. Hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục có những hành động thiết thực góp phần chung tay với chính quyền địa phương chống dịch tại các điểm nóng cách ly.

Lại Cường