Đại học nào đủ điều kiện hãy tự chủ, chớ nên làm hàng loạt

21/06/2020 08:24
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo có trí tuệ (tức Hội đồng trường), không thể trao cho cá nhân Hiệu trưởng.

(Tiếp theo phần 2)

V. Một số kiến nghị

1. Đối với trường đại học công lập

Từ những phân tích trên chúng tôi đề nghị xây dựng hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo các định hướng sau:

1.1. Chưa nên thực hiện tự chủ đại học đồng thời ở tất cả các trường đại học công lập mà cần phải có lộ trình cụ thể, không nóng vội.

Qua một số cuộc điều tra gần đây có thể thấy nhiều trường đại học, kể cả không ít trường đại học lớn và đã làm thí điểm tự chủ, còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ.

Do đó trước mắt cần chia các trường đại học công lập thành 3 nhóm: trường tự chủ, trường bán tự chủ và trường chưa tự chủ. Chỉ 2 nhóm trường đầu mới cần có Hội đồng trường.

1.2. Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện sau:

- Đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.

Để giúp các trường tự đánh giá năng lực của mình Bộ Giáo dục và đào tạo cần sớm ban hành Bộ chuẩn giáo dục đại học.

- Đã được giải phóng khỏi cơ chế cơ quan/bộ chủ quản. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường (nếu có) được thực hiện qua ý kiến và lá phiếu của các đại diện của mình trong Hội đồng trường (thậm chí chấp nhận có số lượng tham gia chiếm tỷ lệ cao).

Cơ cấu thành viên của Hội đồng trường nên hướng tới thể hiện tính “cộng đồng” thật sự của chủ sở hữu.

Do đó số lượng các thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường phải chiếm tỷ lệ cao (khoảng trên 50%).

Ngoài ra để đảm bảo cho Hội đồng luôn có được sự khách quan, các thành viên ngoài trường không nên hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hoặc lương của nhà trường. Không hạn chế tuổi tác của thành viên Hội đồng trường.

1.3. Nhà nước không nên cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học, xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên, giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

1.4. Phải phân định rạch ròi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và của Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu.

Về vấn đề này nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ cũng như theo định hướng tại Nghị quyết Trung ương 19:

“…Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng: hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường…”.

1.5. Cơ cấu và nhân sự của Hội đồng trường ban đầu không nên do tập thể lãnh đạo trường và cơ quan chủ quản đề xuất/quyết định (như trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật) mà nên được chỉ định bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Chính phủ đối với đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính quyền địa phương được phân cấp quản lý đối với trường đại học, học viện) dựa trên đề xuất (bằng nghị quyết) của Đảng ủy trường.

1.6. Để bảo đảm Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học công lập tự chủ và đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội đối với nhà trường thành phần của hội đồng trường ở các trường công lập nên được xác lập như sau:

+ Đối với các trường đại học tự chủ: Hội đồng trường bao gồm các thành viên trong trường (đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Thanh niên, giảng viên và cán bộ quản lý) và các thành viên ngoài trường (đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, các cựu lãnh đạo Đảng và nhà nước có uy tín, các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, các doanh nhân tiêu biểu, vừa có tâm vừa có tầm, các cựu sinh viên thành đạt,…).

Để bảo đảm tính khách quan của các quyết nghị của Hội đồng trường (không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ) thành phần ngoài trường phải chiếm đa số.

+ Đối với các trường đại học bán tự chủ: Hội đồng trường vẫn bao gồm các thành viên với thành phần như ở các trường đại học tự chủ nhưng tỉ lệ thành viên đại diện cho cơ quan quản lý trực tiếp (chủ quản) ban đầu có thể tương đối cao.

Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường (nếu có) chỉ được thực hiện qua ý kiến và lá phiếu của các đại diện của mình trong Hội đồng trường.

Có một số nhận xét rút ra từ các định hướng chỉ đạo trên:

- Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo có trí tuệ (tức Hội đồng trường), không thể trao cho cá nhân Hiệu trưởng.

Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó chỉ các trường đại học công lập tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.

- Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện thực sự cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của Hiệu trưởng).

- Cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình (theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền) đối với cơ sở giáo dục đại học.

Nếu còn chưa xóa bỏ được cơ chế này thì kiên quyết không vội chuyển trường qua cơ chế tự chủ.

Đại học nào đủ điều kiện hãy tự chủ, chớ nên làm hàng loạt ảnh 2Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. (Ảnh: TT)

2. Đối với trường đại học tư thục

Những minh chứng nêu ở trên cho thấy Nhà nước cần phải tách bạch rõ hơn hai loại trường tư thục hoạt động có lợi nhuận và hoạt động không vì lợi nhuận kèm theo các định chế về tổ chức và tài chính, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi chuyển loại hình, chứ không nên xem trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận chỉ là một dạng đặc biệt của trường đại học tư thục (như quan niệm hiện tại ở Luật 34/2018/QH14). Ngoài ra cũng cần phân biệt rõ các khái niệm nhà đầu tư và người góp vốn.

2.1. Đối với trường đại học tư thục (hoạt động có lợi nhuận).

Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục một thời gian dài chỉ áp dụng được đối với loại trường tư thục hoạt động có lợi nhuận.

Ở loại trường này Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường; các cổ đông (tức là người góp vốn) không chỉ được hưởng lợi tức không giới hạn mà còn có quyền được can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường; còn các cán bộ, nhân viên của trường (từ Hiệu trưởng trở xuống) thực chất chỉ là những người được các cổ đông (nhất là những cổ đông có cổ phần lớn) tuyển dụng.

Do đó các nhà giáo dục, các nhà quản lý nếu không có vốn góp thì đương nhiên phải chấp nhận đứng ở vị trí bị điều hành.

Đối với loại trường này, sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra (nếu có), giữa các cổ đông lớn, thông qua hình thức mua bán, chuyển nhượng cổ phần (như đang xảy ra tại một số trường đại học tư thục hiện nay).

Về cơ bản, đối với trường vì lợi nhuận có thể giữ hầu hết những gì đã ban hành trong các quy chế tổ chức, hoạt động trường đại học tư thục trước đây và chỉ loại bỏ đi những gì không phù hợp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên (hoặc công ty cổ phần) được quy định ở Luật Doanh nghiệp.

2.2. Đối với trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Những quy định cho loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, mặc dù đã được ban hành tại Điều lệ trường đại học hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh tiếp với các định hướng như sau:

- Phải làm rõ khái niệm Cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận: là cơ sở giáo dục đại học do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động chủ yếu bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước; được chuyển giao cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội quản trị.

- Đại hội toàn trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đối với trường dân lập kiểu cũ (sở hữu tập thể).

Trong trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận Đại hội toàn trường, nếu được thành lập, chỉ được xem như một tổ chức tham vấn rộng rãi, giống như ở các trường đại học công lập.

- Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu đã chấp nhận trao quyền đại diện cho cộng đồng xã hội, trong đó có cả các nhà đầu tư, người góp vốn.

Hội đồng trường không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.

Thành phần của Hội đồng trường cũng giống như Hội đồng trường của các trường đại học công lập tự chủ, nhưng có thêm đại diện của các nhà đầu tư.

Với tính chất và cơ cấu hội đồng như vậy, trên thực tế có sự tiếp cận rất gần giữa trường công lập tự chủ và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Các thành viên góp vốn được cộng đồng vinh danh, được cử đại diện vào hội đồng trường, được hưởng lãi suất không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ (nhưng ở đây không nên gọi là lãi suất mà nên gọi là tiền thưởng cho những người có công xây dựng trường ban đầu) và được ưu tiên bảo toàn vốn góp.

KẾT LUẬN

1. Tính chất sở hữu (xác định theo Bộ Luật Dân sự 2015) của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học cần được Nhà nước định rõ trong các văn bản pháp quy về giáo dục.

Chính thuộc tính này quyết định thành phần và cơ cấu của Hội đồng trường ở các loại hình trường đại học khác nhau (xem Phụ lục).

2. Để bảo đảm cho các loại hình cơ sở giáo dục đại học kiểu mới (Trường đại học công lập tự chủ, Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận,…) hoạt động thuận lợi và đi đúng hướng Nhà nước cần sớm ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động cụ thể hơn cho chúng, không nên quan niệm giản đơn rằng giữa chúng chỉ có sự khác nhau về việc có nhận ngân sách nhà nước hoặc có chia lợi tức hay không.

3. Việc chuyển đổi loại hình trường phải mềm dẻo, phải căn cứ vào tính chất sở hữu của từng trường cụ thể (không như các thông tư 20 và 45 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyển đổi trường).

4. Không lẫn lộn chức năng của các đơn vị quản lý: Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học.

Không dùng khái niệm mập mờ “Cơ quan quản lý có thẩm quyền”.

Trong mọi trường hợp trách nhiệm công nhận Hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học (cả công lập lẫn tư thục) chỉ thuộc về Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không như Nghị định 99/NĐ-CP).

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm quản lý của mình thông qua hệ thống các chuẩn giáo dục đại học (như Điều 68 Luật Giáo dục đại học 2018).

5. Các quy định đã ban hành của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan Nhà nước cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với tinh thần của các Nghị quyết 29 và 19 của BCHTW và Luật Giáo duc đại học 2018 (Luật 34/2018/H14).

Cần có các quy định riêng đồng bộ cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ để các trường tự chủ hoạt động thuận lợi và chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước sớm đi vào cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Luật Dân sự 2005, 2015.

2. Luật Giáo dục năm 2005, 2009.

3. Luật Giáo dục đại học 2012, 2018 và các Nghị định hướng dẫn thực hiện.

4. Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987-1997; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; 2017.

5. Các Nghị quyêt của Chính Phủ 05/2005, 14/2005, 89/2016.

6. Các Nghị quyết 29 (2015),19 (2017) của Ban Chấp hành Trung ương

7. Phạm Phụ – Về cơ chế Hội đồng trường ở trường đại học – tài liệu Hội thảo “Quản lý trường đại học: những nhận thức mới, kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới” Hà Nội, 2006.

8. Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục năm 2005.

9. Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học.

10. Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học.

11. Thông tư số 18/2004/TT-BGD&ĐT ngày 21/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều của Điều lệ trường đại học

12. Đặng Văn Định—Phân loại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam theo sở hữu- Trong: Tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học và GDNN của Việt Nam cho các thập niên đầu của thế kỷ XXI- Tập 2, t.23. Hà Nội, 2019.

13. Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.

14. Điều lệ trường đại học của Liên Xô (1989)

15. Quy chế Viện đại học Quốc gia của Chính quyền Sài Gòn (1970)

16. Về Hội đồng quản trị của Viện đại học bang Wayne (Hoa Kỳ)

17. Đạo luật Viện đại học Hoàng tử vùng Songkla – Thái Lan (1979)

18. M.P.Lenn – Towards a Quarlity Assurance Infrastructure in Vietnamese Higher Education (2002 - 2003)

PHỤ LỤC : PHÂN LOẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THEO THUỘC TÍNH SỞ HỮU (THEO BỌ LUẬT DÂN SỰ 2015)

TT

Loại hình trường

Thuộc tính sở hữu

Chủ sở hữu

Đại diện chủ sở hữu

Thành phần hội đồng trường

Ghi chú

1

Trường công lập (chưa tự chủ)

Sở hữu toàn dân

Cộng đồng xã hội

Cơ quan chủ quản

Hiệu trưởng

Theo định chế tập quyền. Không có hội đồng trường. Cơ quan chủ quản bổ nhiệm / phân quyền cho Hiệu trưởng, Chỉ có các hội đồng tư vấn cho Hiệu trưởng.

Duy trì cơ chế cơ quan chủ quản

2

Trường công lập bán tự chủ

Sở hữu toàn dân

Cộng đồng xã hội

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Cơ quan chủ quản cử đại diện tham gia hội đồng (có thể giữ tỉ lệ quá bán trong hội đồng trường, tùy thuộc mức độ Nhà nước trao quyền tự chủ cho nhà trường). Biểu quyết theo cơ chế đối nhân

Xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản

3

Trường công lập tự chủ

Sở hữu toàn dân

Cộng đồng xã hội

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Hội đồng trường bao gồm các đại diện ưu tú từ các bên liên quan cả trong trường lẫn bên ngoài trường. Tỉ lệ tham gia hội đồng trường của phía ngoài nhà trường phải chiếm quá bán. Biểu quyết theo cơ chế đối nhân.

Bỏ cơ quan chủ quản. Chỉ còn cơ quan quản lý nhà nước

4

Trường dân lập

Sở hữu chung hợp nhất

Cộng đồng nhà trường

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Hội đồng trường bao gồm đại diện của tất cả các thành phần trong trường, thể hiện quyền làm chủ của tập thể nhà trường. Biểu quyết theo cơ chế đối nhân.

Không có cơ quan chủ quản, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước

5

Trường tư thục một thành viên

Sở hữu riêng

Nhà đầu tư

Không có hội đồng trường. Nhà đầu tư trực tiếp điều hành hoạt động của trường

Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước

6

Trường tư thục (có lợi nhuận)

Sở hữu chung theo phần

Nhà đầu tư

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Các thành viên đại diện cho các nhà đầu tư trong hội đồng trường thường chiếm đa số. Biểu quyết theo cơ chế đối vốn. Chia lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước

7

Trường tư thục HĐ KVLN

Sở hữu riêng/Sở hữu chung

Nhà đầu tư

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Các thành viên trong hội đồng trường chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội (bên ngoài nhà trường). Biểu quyết theo cơ chế đối nhân.Không chia lợi nhuận.

Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước

8

Trường bán công

Sở hữu chung

theo phần

Nhà nước và tư nhân (hợp tác công tư)

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Cơ cấu thành viên trong hội đồng trường được xác lập dựa trên thỏa thuận. Biểu quyết thường theo cơ chế đối vốn. Có/không chia lợi nhuận.

Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước

9

Trường Cộng đồng

Sở hữu chung của cộng đồng

Cộng đồng dân cư tại địa phương

Hội đồng trường

Theo định chế hội đồng. Cộng đồng dân cư cử đại diện tham gia Hội đồng trường. Cơ cấu thành phần Hội đồng trường xác định trên cơ sở thỏa thuận nhưng đại diện ngoài nhà trường phải có tỷ lệ quá bán. Biểu quyết theo cơ chế đối nhân

Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến