Đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra kiến thức

14/12/2017 09:07
Lại Cường
(GDVN) - Chiều 13/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ với các cán bộ, giảng viên Đại học Thái Nguyên.

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp trao đổi với các giảng viên, cán bộ Đại học Thái Nguyên về một số kiến nghị, băn khoăn, vướng mắc như: Quy hoạch mạng lưới các trường đại học; hoạt động của hội đồng trường; cơ chế tự chủ; đổi mới đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm; đầu tư cơ sở vật chất…

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết của cán bộ, giảng viên Đại học Thái Nguyên, Phó Thủ tướng cho rằng các thầy cô đã đề cập đến những vấn đề cốt tử tháo gỡ cho đại học đó là phải đổi mới căn bản phương thức quản trị đại học theo xu hướng thế giới.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương Đại học Thái Nguyên nỗ lực vươn lên nằm trong tốp đầu các trường đại học cả nước cả quy mô về sinh viên, giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó là sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của tỉnh Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các trường đại học là nơi tập trung tinh hoa trí tuệ của xã hội phải là nơi đi đầu trong quản trị công việc của mình. Đại học không chỉ truyền bá kiến thức mà còn phải tạo ra kiến thức, tạo ra những giá trị mới, năng lực sáng tạo của các thầy cô giáo được tôn vinh, bừng nở.

Muốn vậy phải có tự chủ đại học, không để cho các cấp hành chính, dù là trong và ngoài trường ảnh hưởng đến sáng tạo khoa học của các giảng viên và sinh viên.

Cụ thể là hạn chế mọi sự can thiệp hành chính không cần thiết của bộ chủ quản đối với trường, từ trường xuống các trường thành viên, đến từng bộ môn, giáo sư, thầy cô giáo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ giảng viên đại học Thái Nguyên (Ảnh: VPCP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ giảng viên đại học Thái Nguyên (Ảnh: VPCP)

“Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ đề xuất của Đại học Đà Nẵng được vận dụng cơ chế như đại học quốc gia là chuyển biến rất tốt với những đại học vùng khác như Đại học Thái Nguyên”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn nhà trường chủ động xây dựng mô hình quản trị tiên tiến về cấu trúc, cơ chế điều hành “có như vậy mới có thể tiên phong trong tự chủ”.

Về định hướng ngân sách đầu tư cho đại học tự chủ theo phương thức đặt hàng, Phó Thủ tướng đề nghị Đại học Thái Nguyên chủ động nghiên cứu, đề xuất cụ thể.

“Các đồng chí nói cần đầu tư của nhà nước nhưng đầu tư như thế nào, đặt hàng ra sao, từ đó ra câu chuyện cấp hỗ trợ học bổng, nghiên cứu khoa học…”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Đặt câu hỏi làm sao để rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng đề nghị Đại học Thái Nguyên tập trung nguồn lực tốt nhất, có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành đào tạo phấn đấu thuộc tốp đầu, thậm chí là số 1 cả nước, trong thời gian ngắn nhất.

“Không được để tồn tại suy nghĩ cứ Đại học Thái Nguyên là không bằng đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra kiến thức ảnh 2

Luật hóa lương giáo viên cao nhất khó khả thi

“Đây là mong muốn và cả đòi hỏi của nhân dân, của xã hội, của Chính phủ đối với các thầy cô giáo ở Đại học Thái Nguyên.

Và khi từng trường đại học tập trung vào những ngành khác nhau thì sẽ cùng nâng chất lượng đào tạo đại học lên”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn với điều kiện cơ sở vật chất đã thuận lợi hơn, Đại học Thái Nguyên có những cơ chế phân giờ giảng dạy, đánh giá đề tài khoa học nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, nhất là những thầy cô trẻ được nghiên cứu, học tập nhiều hơn.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của Đại học Thái Nguyên về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giảng đường, phòng thí nghiệm…

Lại Cường