Đại học Hạ Long liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo ngành du lịch

03/04/2022 07:04
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên nền tảng sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, Đại học Hạ Long vừa nâng cao chất lượng đào tạo vừa tạo điều kiện thực tập, tuyển dụng cho sinh viên.

Dịch Covid-19 bùng phát, thực trạng nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh rơi vào tình trạng phải dừng hoạt động kinh doanh trong thời gian dài, chỉ hoạt động cầm chừng.

Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản kéo theo việc người lao động không có cơ hội bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ thường xuyên, giảm chất lượng chuyên môn.

Trong khi đó, công tác đào tạo của một số cơ sở đào tạo nghề du lịch trên địa bàn tỉnh còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Đội ngũ sinh viên ra trường chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực để đào tạo lại.

Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Văn Viện – Trưởng Khoa Du Lịch, Trường Đại học Hạ Long đã có những chia sẻ về chiến lược đào tạo của nhà trường nhằm khắc phục thực trạng trên.

Tiến sĩ Vũ Văn Viện - Trưởng Khoa Du Lịch, Trường Đại học Hạ Long tại Lễ trao bằng Tốt nghiệp năm 2021 (Ảnh: Phạm Linh)

Tiến sĩ Vũ Văn Viện - Trưởng Khoa Du Lịch, Trường Đại học Hạ Long tại Lễ trao bằng Tốt nghiệp năm 2021 (Ảnh: Phạm Linh)

Thưa Ông! Trước thực trạng đào tạo ngành du lịch còn tồn tại nhiều hạn chế, Trường Đại học Hạ Long đã có chiến lược, kế hoạch dài hơi như thế nào để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của từng doanh nghiệp?

Chiến lược của Trường Đại học Hạ Long là hợp tác tích cực với các doanh nghiệp du lịch trong thẩm định, đánh giá chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo.

Mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo nhằm sát thực với yêu cầu thực tế, mời tham gia trực tiếp giảng dạy, truyền đạt những kinh nghiệm thực tế.

Đề nghị doanh nghiệp du lịch phản hồi thông tin về chất lượng lao động của cán bộ, nhân viên đã và đang làm việc do nhà trường đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường chủ động giới thiệu chương trình đào tạo với các doanh nghiệp du lịch, hợp tác đào tạo liên thông, liên kết, bồi dưỡng nâng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp (chiến lược Đào tạo theo địa chỉ). Đồng thời, ký kết thỏa thuận cung cấp lực lượng lao động.

Nhà trường cũng hợp tác liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tiếp nhận, hướng dẫn sinh viên thực tập.

Từ đó, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tế, bổ sung kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp và cơ hội về việc làm sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên ngành Du lịch Trường Đại học Hạ Long được tiếp cận thực tế, bổ sung kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Sinh viên ngành Du lịch Trường Đại học Hạ Long được tiếp cận thực tế, bổ sung kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp (Ảnh: Phạm Linh)

Mặc dù thời gian qua, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên trong thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại, nhà trường sẽ tiếp tục tăng cường mối liên kết với các doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác đào tạo theo hướng ứng dụng của nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhà trường đã từng bước tạo sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp như thế nào?

Hiện tại, Trường Đại học Hạ Long đã ký kết hợp tác với 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Sungroup, Vingroup, FLC Hạ Long, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài gòn Hạ Long, Khách sạn Hoàng Gia Hạ Long, Sài Gòn tourist, Việt travel, tập đoàn Bim, nhà hàng buffet Sen Á Đông, hệ thống các tàu du lịch…trong việc cử sinh viên thực tập, thực hành, mời doanh nghiệp sang giảng dạy chuyên đề.

Trong đó, nhà trường phối kết hợp với Khách sạn Vinpearl tổ chức cho sinh viên thăm quan, thực tập, tiếp nhận sinh viên thử việc có lương và trao học bổng cho sinh viên.

Qua đó, sinh viên có cơ hội được tiếp cận với thực tiễn, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Nhà trường cũng tổ chức tham quan, tìm hiểu tập đoàn FLC, Sungroup và doanh nghiệp hỗ trợ, trao học bổng cho 10 sinh viên.

Tổ chức cho sinh viên gặp gỡ, giao lưu với các cựu sinh viên hiện tại làm việc tại các khách sạn nhà hàng, tìm hiểu sâu hơn nữa về nghề nghiệp phục vụ nhà hàng và chế biến món ăn.

Không gian văn hoá của Trường Đại học Hạ Long (Ảnh: Phạm Linh)

Không gian văn hoá của Trường Đại học Hạ Long (Ảnh: Phạm Linh)

Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường mời các chuyên gia bên doanh nghiệp về giảng dạy gồm: Lãnh đạo công ty du lịch Saigontourist, Chi hội đầu bếp tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, mời các chuyên gia bên doanh nghiệp tham gia thẩm định các chương trình đào tạo, các hội đồng khoa học của giảng viên và sinh viên.

Sinh viên đang học tập tại Đại học Hạ Long và đã tốt nghiệp cũng được nhà trường tạo điều kiện giới thiệu việc làm.

Chiến lược liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả như thế nào trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao?

Hiệu quả trông thấy đầu tiên là Trường Đại học Hạ Long đã đào tạo được đội ngũ lao động giỏi kỹ năng nghiệp vụ, tin học ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng như toàn xã hội.

Trình đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường được hoàn thiện và nâng cao từng ngày.

Vị thế của Trường Đại học Hạ Long theo đó được nâng lên, tạo tính cạnh tranh mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo về du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tạo uy tín và thương hiệu cho trường và tỉnh Quảng Ninh, thuận lợi cho công tác tuyển sinh của nhà trường.

Sinh viên Đại học Hạ Long tham gia thi tay nghề (Ảnh: Phạm Linh)

Sinh viên Đại học Hạ Long tham gia thi tay nghề (Ảnh: Phạm Linh)

Trong thời gian sắp tới, nhà trường sẽ triển khai kế hoạch nào để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành du lịch?

Trường Đại học Hạ Long triển khai kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao dựa trên 5 nền tảng chính.

Thứ nhất là Xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường xây dựng đội ngũ giảng viên Du lịch với quy mô hợp lý, phù hợp với cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, quản lý.

Xây dựng đội ngũ giảng viên cốt cán ở từng lĩnh vực chuyên môn, có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập

Thứ hai, trường Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Cụ thể, trường tiếp tục triển khai Dự án đầu tư giai đoạn II của trường tại cơ sở 1, thành phố Uông Bí theo hướng đồng bộ, hiện đại để bảo đảm phục vụ quy mô phát triển của trường.

Trong đó, có việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo khối ngành du lịch đạt chuẩn khu vực, hướng chuẩn quốc tế, bao gồm khách sạn phục vụ thực hành nghiệp vụ khách sạn, hệ thống phòng thực hành chuyên ngành du lịch (hướng dẫn du lịch, pha chế đồ uống, chế biến món ăn, phục vụ buồng, bar, bếp,...).

Thứ ba, trường nâng cao chất lượng sinh hoạt ngoại khóa cho sinh viên như việc tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về kiến thức lịch sử văn hóa, hùng biện ngoại ngữ, Ẩm thực, nghiệp vụ Du lịch.. giúp sinh viên có điều kiện rèn tính chủ động tự tin.

Tăng cường bồi dưỡng kĩ năng mềm như: Văn hóa kinh doanh, kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và đàm phán.

Tăng cường giao lưu với sinh viên các Trường đào tạo du lịch trong nước và quốc tế qua đó giúp sinh viên cập nhật kiến thức mới, tăng động lực học tập và có tầm nhìn toàn diện về cách thức học tập, nghiên cứu khoa học và cống hiến cho cộng đồng.

Duy trì và có cơ chế cụ thể cho các câu lạc bộ như: Tiếng anh du lịch, hướng dẫn, Bartender, nghiệp vụ khách sạn…giúp sinh viên có sân chơi lành mạnh, tăng cường giao lưu học hỏi, tăng khả năng giao tiếp ngoại ngữ và khắc sâu hơn nữa kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

Sinh viên Đại học Hạ Long tốt nghiệp năm 2021 (Ảnh: Phạm Linh)

Sinh viên Đại học Hạ Long tốt nghiệp năm 2021 (Ảnh: Phạm Linh)

Thứ tư, trường tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực du lịch.

Từ đó, giảm bớt tình trạng học sinh- sinh viên du lịch sau khi tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc, xóa bớt khoảng cách giữa kiến thức được đào tạo trong trường và thực tiễn.

Hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp du lịch là mô hình đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhằm đáp ứng được nguồn lao động đảm bảo được yêu cầu người sử dụng lao động.

Cuối cùng, trường tăng cường đổi mới công tác đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Xây dựng quy trình tổ chức đào tạo tiếng Anh theo Đề án Đào tạo tiếng Anh, căn cứ mức độ năng lực tiếng Anh đạt được theo lộ trình, tính điểm thi đua trong các đợt xét điểm rèn luyện của sinh viên; chương trình giảng dạy nên tập trung tiếng anh chuyên ngành.

Tạo môi trường giao tiếp đa văn hóa thông qua các chuyên gia, giảng viên tình nguyện đến từ nhiều nước, chương trình giao lưu với sinh viên nước ngoài, trại hè sinh viên tình nguyện.

Trân trọng cảm ơn thầy.

Phạm Linh