Đại dịch Covid là cú hích đẩy nhanh quá trình đổi mới giáo dục đại học

13/11/2021 06:20
Vương Thủy (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại dịch Covid-19 là một cú hích khiến các cơ sở đào tạo, từ các trường phổ thông đến các trường đại học dịch chuyển nhanh sang môi trường số.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy - học nói chung cũng như công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường đại học nói riêng.

Trong hoàn cảnh đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chủ động, linh hoạt, áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang - Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền để tìm hiểu những kinh nghiệm của Nhà trường trong công tác đào tạo báo chí thích nghi với tình hình mới.

Phóng viên: Thưa Phó giáo sư, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những đổi mới như thế nào trong công tác đào tạo nói chung và đào tạo lĩnh vực báo chí nói riêng?

Phó giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang: Từ ngày 8/3/2020 đến nay, ngay từ khi đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên, Học viện chuyển trạng thái từ đào tạo tập trung trực tiếp sang áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến đối với tất cả các hệ lớp, các trình độ đào tạo, các chương trình bồi dưỡng.

Việc áp dụng đào tạo trực tuyến được thực hiện thông suốt từ khi triển khai đến nay với 100% giảng viên giảng dạy trực tuyến.

Nhờ sự chủ động trong triển khai đào tạo trực tuyến, toàn bộ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện không bị gián đoạn vì dịch bệnh, thực hiện đúng kế hoạch, nhìn chung đảm bảo được tiến độ và chất lượng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang - Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang - Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Do dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Từ thực tiễn của Học viện, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà Nhà trường đã và đang thực hiện?

Phó giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang: Nhà trường đã và đang triển khai áp dụng đào tạo trực tuyến đồng bộ bằng cách:

Thứ nhất, phát huy vai trò của bộ phận quản lý đào tạo, chủ động tham mưu tìm hiểu và tham khảo cách thức triển khai ở một số trường đại học để lựa chọn hình thức phù hợp.

Thứ hai, khuyến khích một số giảng viên, cán bộ thông thạo về phần mềm giảng dạy trực tuyến, về công nghệ thông tin tham gia vào hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho toàn bộ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo, giáo vụ các khoa và người học về kỹ năng sử dụng phần mềm Mircrosoft Teams trong giảng dạy và quản lý đào tạo trực tuyến.

Thứ ba, phối hợp với đơn vị công nghệ thông tin triển khai cấp tài khoản cho học viên, sinh viên truy cập vào phần mềm để tham gia học tập; xử lý những sự cố phát sinh trong quá trình giảng dạy; đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho việc triển khai đào tạo trực tuyến.

Thứ tư, điều chỉnh hình thức kiểm tra - đánh giá môn học cho phù hợp với bối cảnh đại dịch.

Tùy thuộc vào đặc thù của mỗi học phần, hình thức thi viết có thể được thay thế bằng bài thu hoạch, tiểu luận, bài tập lớn, thi vấn đáp trực tuyến, thi trắc nghiệm trực tuyến…

Nhiều người cho rằng vì Covid-19 mà quá trình chuyển đổi số của giáo dục (trong đó có giáo dục đại học) diễn ra nhanh hơn, bà nghĩ sao về điều này?

Phó giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang: Tôi cho rằng đại dịch Covid-19 là một cú hích khiến các cơ sở đào tạo, từ các trường phổ thông đến các trường đại học dịch chuyển nhanh sang môi trường số.

Nếu trước đây người học chỉ có thể học một cách thụ động qua các nền tảng như Youtube thì hiện nay các nền tảng như Zoom, Microsoft Teams… ngày càng khiến việc học tập trực tuyến dễ dàng hơn, có tính tương tác cao và trải nghiệm học tập ngày càng được cải thiện.

Trong vài năm tới với sự phát triển của các công nghệ như 5G, AR/VR trải nghiệm học tập sẽ được đẩy lên một cấp độ lớn, thậm chí sẽ tạo ra nhiều hình thái đào tạo mới và trải nghiệm học tập trực tuyến được tái tạo giống như học trên một lớp học trực tiếp.

Việc học tập trên các nền tảng số như Zoom, Microsoft Teams, hay hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) như Canvas, Blackboard càng cho thấy xu hướng flip training là tất yếu, theo đó vai trò của giảng viên đã thay đổi, từ việc giảng dạy trực tiếp và người học là bên tiếp nhận tri thức thụ động sang vai trò hướng dẫn thúc đẩy người học tự học, tự nghiên cứu...

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định và triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực, tạo cơ sở thuận lợi cho chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến triển khai đào tạo, đánh giá từ xa và đảm bảo chất lượng nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Các khía cạnh đánh giá như hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến cũng đã được đề cập.

Đặc biệt, các thông tư mới ban hành trong năm 2021 đã cho phép đào tạo trực tuyến trong đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

100% giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện giảng dạy trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

100% giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện giảng dạy trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

Năm 2021, nhiều trường đại học đã phải điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh do dịch Covid-19, trong đó Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phải hủy bỏ kỳ thi năng khiếu báo chí.

Giờ đây tinh thần của chúng ta là thích nghi, chung sống an toàn với Covid, vậy xin bà cho biết chiến lược tuyển sinh giai đoạn tới của Học viện sẽ có điều chỉnh ra sao để thích ứng với xã hội mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào tốt?

Phó giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang: Môn năng khiếu báo chí đã thành thương hiệu, những năm qua giúp trường chọn được nhiều thí sinh có đam mê, nhưng trong tình hình dịch Covid, dù rất tiếc nhưng nhà trường đành chọn phương án an toàn nhất.

Trước khi quyết định bỏ kỳ thi này, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã mất khá nhiều công sức, thời gian, thậm chí tiền bạc để mua phần mềm, thuê máy chủ, tính toán các phương án tổ chức thi online sao cho hiệu quả...

Tất cả các phương án đều không khả thi khi hạ tầng kỹ thuật công nghệ không thể đáp ứng số thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi này của học viện là khoảng 2.500 em.

Chính vì lẽ đó, Học viện đã sử dụng điểm xét ngành Báo chí thay thế điểm thi Năng khiếu báo chí, Năng khiếu Ảnh báo chí, Năng khiếu Quay phim truyền hình từ năm 2021. Điểm xét ngành Báo chí được tính hệ số 1, xét bằng phương thức học bạ hoặc xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Thực tế vừa qua cho thấy, Học viện vẫn đảm bảo được chất lượng đầu vào tốt, nhiều thí sinh điểm cao, đặc biệt rất đông tân sinh viên đã có sẵn chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để làm lợi thế khi xét tuyển nên các em còn rất giỏi về ngoại ngữ.

Trong mùa tuyển sinh tiếp theo, nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn không có nhiều thay đổi, Học viện sẽ có những phương án tuyển sinh phù hợp, vừa đảm bảo phòng chống dịch và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Chuyển đổi số là yêu cầu và xu hướng tất yếu của thế giới. (Ảnh: NVCC)

Chuyển đổi số là yêu cầu và xu hướng tất yếu của thế giới. (Ảnh: NVCC)

Trong thời gian vừa qua, lĩnh vực báo chí có những điều chỉnh quy hoạch lại gặp khó khăn chung là dịch Covid-19, vậy chủ trương sắp tới của Học viện như thế nào để đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho lĩnh vực này?

Phó giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang: Chuyển đổi số là yêu cầu và xu hướng tất yếu của thế giới, trong đó có giáo dục đào tạo. Với một lĩnh vực đòi hỏi sự thích ứng và chuyển động cao, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông được kỳ vọng là nhanh chóng tiếp cận với xu hướng số hóa, chuyển đổi số của cả nền giáo dục nói chung.

Chủ trương về đào tạo nói chung, chúng tôi tập trung vào 4 yếu tố: Yếu tố đầu vào, quá trình giáo dục đào tạo, kết quả đầu ra và môi trường giáo dục.

Yếu tố đầu vào: Toàn bộ đầu vào của quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu (tài liệu, giáo trình, bài giảng…) và dữ liệu về người học để thực hiện quy trình quản lý và đánh giá quá trình, kết quả học tập.

Quá trình giáo dục đào tạo: Thay đổi từ cách thức thực hiện, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học trên không gian số, đến khai thác công nghệ thông tin để tổ chức và triển khai phương pháp giảng dạy, linh hoạt trong vận dụng và sử dụng các tính năng của thiết bị sao cho việc giảng dạy đạt kết quả kỳ vọng. Các giảng viên và sinh viên sử dụng linh hoạt các nền tảng học tập điện tử tương tác và các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Instagram để việc dạy và học được tốt hơn.

Toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của sinh viên cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường.

Kết quả đầu ra: đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong quá trình giáo dục, dù là trong đại dịch. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá và lưu trữ kết quả cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính.

Môi trường giáo dục: hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; công nhận tính hợp pháp của đào tạo trực tuyến với hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những kế hoạch, chuẩn bị gì để sẵn sàng chào đón sinh viên trở lại trường?

Phó giáo sư Nguyễn Thị Trường Giang: Bên cạnh việc chỉnh trang, nâng cao về cơ sở vật chất, Nhà trường đã có các phương án trong việc đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 như: phun khử khuẩn khuôn viên nhà trường, các phòng học, ký túc xá, trang bị đầy đủ nước rửa tay gắn tường ở những địa điểm chủ chốt, cắt cử cán bộ y tế trực tại các cổng trường để đo thân nhiệt người ra vào, có sổ ghi chép lưu thông tin những người ngoài tới làm việc tại Học viện…

Chúng tôi hi vọng nhanh chóng được đón các em sinh viên yêu quý quay trở lại học tập trực tiếp tại trường khi tình hình dịch được kiểm soát.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Vương Thủy (Thực hiện)