Đại biểu Quốc hội lo nguy cơ thiếu giáo viên nhiều bậc học trong thời gian tới

05/02/2022 07:24
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực trạng cho thấy, những năm gần đây, các trường cao đẳng sư phạm đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh và thu hút người học.

LTS: Trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, nhiều có trường đại học đào tạo ngành sư phạm lấy mức điểm chuẩn kịch trần thậm chí vượt trần, song cũng có không ít các trường cao đẳng sư phạm tại các địa phương đang mòn mỏi đợi chờ sinh viên.

Lãnh đạo nhiều trường cao đẳng sư phạm cho biết, các trường đang gặp khó khăn về nguồn tuyển, bị cắt hệ đào tạo sư phạm tiểu học và trung học cơ sở kể từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, còn duy nhất ngành giáo dục mầm non. Điều này cũng dẫn đến nhiều giảng viên tại các trường cao đẳng thiếu việc làm.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương về các vấn đề xung quanh thực trạng trên.

Phóng viên: Những năm gần đây, các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang rất khó khăn, song hiện nay đang gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi chỉ được đào tạo duy nhất ngành sư phạm mầm non. Bà có đánh giá ra sao về thực trạng này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Thực trạng cho thấy, những năm gần đây, các trường cao đẳng sư phạm đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh và thu hút người học. Điều này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, mà theo tôi, có thể nói đến những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, khoảng 10 năm trở lại đây, với sự bùng nổ của các trường đại học (cả công lập và ngoài công lập) dẫn đến sự cạnh tranh tuyển sinh giữa các trường; bao gồm sự cạnh tranh giữa các trường đại học đào tạo cùng ngành nghề, có sự tương đương về điểm tuyển sinh; sự cạnh tranh giữa các trường đại học với trường cao đẳng và cả sự cạnh tranh giữa các trường cao đẳng với nhau.

Nhiều trường đại học chỉ có điểm trúng tuyển bằng hoặc trên mức điểm sàn không đáng kể, bên cạnh đó có những trường chỉ thực hiện xét tuyển bằng học bạ. Do vậy, cơ hội trúng tuyển đại học mở rộng hơn rất nhiều so với thời kỳ trước. Với tâm lý, truyền thống hiếu học của người Việt Nam, đề cao lập thân bằng con đường khoa cử, nên khi các trường đại học ồ ạt tuyển sinh thì hầu hết phụ huynh hay chính bản thân các học sinh đều mong muốn và lựa chọn học đại học, thay vì học cao đẳng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh: Như Ý)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh: Như Ý)

Thứ hai, đối với tâm lý xã hội hiện nay, ngành giáo dục không phải là một ngành có nhiều cơ hội về nghề nghiệp. Với tấm bằng sư phạm, để tìm kiếm một việc làm ổn định, có mức thu nhập tốt là khá khó khăn. Nếu như với một tấm bằng về kinh tế, công nghệ thông tin… sinh viên ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, thậm chí là công việc có mức thu nhập cao thì với tấm bằng sư phạm, sinh viên rất mong mỏi, chờ đợi vào các đợt thi tuyển, xét tuyển viên chức tại các trường công lập.

Và quả thực, việc thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo viên cũng rất chật vật, không phải là điều đơn giản. Còn đối với hệ thống các trường học tư nhân, lại hầu hết chỉ tập trung ở các thành phố lớn, hơn nữa, thu nhập cũng không quá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát vừa qua, có những giai đoạn, giáo viên tại các trường tư thục của chúng ta không được trả lương, không có thu nhập.

Riêng đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, Luật Giáo dục 2019 được ban hành đã làm tăng thêm thách thức trong tuyển sinh đối với các trường cao đẳng sư phạm. Một trong những điểm mới so với Luật Giáo dục 2005, đó là quy định nâng chuẩn giáo viên tại Điều 72. Theo Luật mới, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở đã thay đổi, yêu cầu bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học và bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở.

Thực hiện lộ trình nâng chuẩn giáo viên theo quy định của Luật, các trường cao đẳng sư phạm không được giao chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành sư phạm tiểu học và trung học cơ sở dẫn đến việc thu hẹp quy mô đào tạo, tập trung chủ yếu vào ngành giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, ngành giáo dục mầm non cũng là một ngành ít được lựa chọn bởi công việc chịu rất nhiều áp lực, vất vả, lương thấp, chỉ phù hợp với nữ giới, bên cạnh đó để trở thành giáo viên mầm non không chỉ có yêu cầu về mặt chuyên môn mà còn cần những yếu tố thuộc về năng khiếu như múa, hát, kể chuyện… Những khó khăn trong khâu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của giáo viên, tác động không nhỏ đến tâm lý giáo viên và chất lượng giảng dạy. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại, duy trì hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm.

Tôi cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đây là giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn thay đổi của giáo dục nên sẽ tồn tại nhiều khó khăn, trong đó bao gồm cả những khó khăn đối với các trường cao đẳng sư phạm như tôi đã nêu phía trên. Và yêu cầu đặt ra là cần sớm có những giải pháp khắc phục thực trạng này để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành giáo dục, đặc biệt là ngành giáo dục mầm non – là nhóm ngành chủ yếu được đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm.

Trước những khó khăn của các trường sư phạm, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề án trình Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, tiến tới xây dựng một số trường trọng điểm, sáp nhập hoặc giải thể các trường cao đẳng sư phạm địa phương. Theo bà, liệu điều này có giải quyết được những cái khó trong hệ thống các trường cao đẳng sư phạm hiện nay không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là phù hợp và cần sớm được tiến hành. Điều này không chỉ giải quyết những khó khăn, vướng mắc nói trên của các trường cao đẳng sư phạm mà còn giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực sư phạm nói chung.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Khi Luật Giáo dục 2019 được thông qua, Chính phủ đã lập tức xây dựng lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên và ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về nội dung này ngay khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành để triển khai thực hiện đồng bộ. Tôi đánh giá cao sự nhanh chóng, quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc này. Tuy nhiên, song song với lộ trình nâng chuẩn giáo viên, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cũng cần có lộ trình cụ thể và nhanh chóng triển khai.

Có thể nghiên cứu quy hoạch các trường đào tạo sư phạm theo vùng, theo khu vực cho phù hợp với sự phát triển kinh tế và vị trí địa lý của từng vùng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận và được học tập, nâng cao trình độ theo nguyện vọng, nhu cầu.

Hiện nay, hầu hết mỗi địa phương đều có trường cao đẳng sư phạm, theo tôi là không cần thiết. Trước thực trạng chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm hệ cao đẳng thu hẹp, chúng ta có thể nghiên cứu sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm địa phương theo khu vực. Khi sáp nhập, có thể sử dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực sẵn có để phát triển hệ thống cơ sở đào tạo ngành sư phạm mới với quy mô rộng hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố bao trùm, phục vụ các tỉnh trong khu vực. Điều này sẽ góp phần tập trung nguồn tuyển sinh, tránh tình trạng phân tán nhỏ nguồn tuyển sinh về các trường của từng địa phương như hiện nay.

Một giải pháp nữa tôi muốn nói đến, đó là mở rộng quy mô, ngành đào tạo của các trường cao đẳng tại địa phương. Theo đó, các nhóm ngành đào tạo cao đẳng sư phạm sẽ được bố trí đào tạo trong trường cao đẳng đa ngành của địa phương. Hoặc đối với những địa phương chưa có những trường cao đẳng đa ngành thì nâng cấp trường cao đẳng sư phạm thành trường cao đẳng đào tạo đa ngành. Việc đào tạo đa ngành giúp các trường giảm bớt áp lực trong khâu tuyển sinh và những thách thức cạnh tranh trước thực trạng có quá nhiều trường đào tạo trình độ cao đẳng, đại học như hiện nay.

Bên cạnh việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, cần có những giải pháp khác để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giáo dục và thu hút nhân lực vào ngành giáo dục. Mà một trong những giải pháp căn cơ, theo tôi đó là cần nghiên cứu, xây dựng những chế độ, chính sách phù hợp, xứng đáng cho giáo viên và sinh viên các ngành sư phạm. Chúng ta có xây dựng, quy hoạch hệ thống các trường sư phạm chất lượng đến đâu, quy mô đến đâu nhưng không thu hút được người học thì cũng không thể phát huy được hết ý nghĩa và giá trị như chúng ta mong muốn.

Một số ý kiến cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên cả nước nếu làm không thận trọng, sẽ không gỡ khó cho các trường, mà còn có nguy cơ thiếu lượng lớn giáo viên bậc mầm non đến trung học cơ sở trong tương lai?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Đúng vậy. Thực tế hiện nay, chúng ta đã và đang thiếu giáo viên mầm non rồi. Như tôi đã nói ở trên, việc tuyển sinh ngành giáo dục mầm non không hề đơn giản do xuất phát từ những đặc thù của ngành này. Đồng thời, hầu hết sinh viên ngành giáo dục mầm non hiện nay lựa chọn học các trường ngay tại địa phương, không phải xa gia đình, thuận tiện trong quá trình học tập. Nếu quy hoạch không khéo, dễ dẫn đến việc tuyển sinh khó khăn hơn, tạo tâm lý không muốn lựa chọn theo học ngành sư phạm mầm non.

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì khó có thể duy trì được hệ thống các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương như hiện nay vì hạn chế về ngành tuyển sinh, nên việc quy hoạch lại các trường cao đẳng sư phạm là tất yếu. Tuy nhiên, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm trên cả nước cần rất cẩn trọng, tạo những điều kiện thu hút tuyển sinh trong ngành giáo dục mầm non. Phương án quy hoạch cần được xây dựng, rà soát và tính toán kỹ, tránh việc quy hoạch, sát nhập theo kiểu cơ học, đặc biệt cần tránh tình trạng xin cho và lợi ích nhóm trong quá trình quy hoạch.

Việc xây dựng quy mô đào tạo của các trường phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực giáo viên trên cả nước; cần có sự cân bằng giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng nhân lực đối với từng chuyên ngành sư phạm cụ thể; không thực hiện đào tạo tràn lan mà chú trọng phát triển về chất lượng sinh viên và chất lượng nguồn nhân lực đào tạo được.

Đồng thời, cần cân nhắc việc không giao tự chủ kinh phí đối với các trường ngành sư phạm để giảm áp lực về cân đối tài chính, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo của các trường sư phạm. Bởi vì theo quy định, sư phạm là ngành đào tạo có ưu đãi về học phí đối với sinh viên. Điều này một phần tạo nên gánh nặng tài chính đối với các trường sư phạm, dẫn đến việc đào tạo không chọn lọc để tăng nguồn thu cho nhà trường, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Qua lắng nghe ý kiến từ cử tri, bà có đề xuất gì để duy trì và phát triển hệ thống các trường cao đẳng sư phạm hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Như tôi đã nói ở trên, để phát triển hệ thống các trường cao đẳng sư phạm trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể xem xét đến việc xây dựng các trường cao đẳng sư phạm theo vùng, theo khu vực. Trong quá trình xây dựng lại hệ thống các trường cao đẳng sư phạm, cần tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng, vật chất và nguồn nhân lực, đội ngũ giảng viên có trình độ, giàu kinh nghiệm vốn có để làm nền móng vững chắc cho phát triển các trường cao đẳng sư phạm mới quy mô hơn, hiện đại hơn, chất lượng đào tạo tốt hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác để khắc phục những khó khăn, hạn chế đang tồn tại. Đó là cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các trường sư phạm; xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục với những chế độ đãi ngộ, chính sách động viên; thực hiện định hướng, phân luồng giáo dục nghề nghiệp sớm; rà soát nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực sư phạm để xây dựng các chỉ tiêu, phương án tuyển sinh hiệu quả, phù hợp.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Thùy Linh