Đại biểu Ngô Thị Minh mong nhận ý kiến từ các trường tư thục để hoàn thiện Luật

08/05/2019 15:35
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Ngô Thị Minh nói, dự thảo Luật phải tính đến sự công bằng giữa trường ngoài công lập và công lập. Đặc biệt là làm sao thu hút được nhà đầu tư hơn nữa.

Ngày 8/5, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi".

Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vũ Ninh
Đại biểu Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vũ Ninh

Tham dự Hội thảo có bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội;

Ông Phạm Xuân Hậu, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Đào Hồng Cường đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo; 

Bà Khiếu Thị Nhàn - Chánh văn phòng chương trình khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; bà Nguyễn Kim Dung - Ban tư vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, có sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư giáo dục, lãnh đạo các trường giáo dục tư thục ở Hà Nội, Hải Phòng.

Phát biểu tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, Luật Giáo dục sửa đổi là luật gốc nên rất là khó.

“Chúng ta đã có luật chuyên ngành như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục Đại học nhưng toàn bộ lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, lĩnh vực riêng về nhà giáo chưa có luật chuyên ngành riêng. Vậy thì quy định trong luật như thế nào để không bị phá vỡ về cấu trúc mà vẫn đảm một luật gốc.

Đồng thời, những vấn đề liên quan đến quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học tập suốt đời, giáo dục công - tư…tuy không được cụ thể hóa nhưng phải phản ánh được vấn đề trong thực tiễn cần phải tháo gỡ hiện nay”, Đại biểu Ngô Thị Minh chia sẻ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, qua các ý kiến của ông Đào Ngọc Tước thay mặt cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nói trong phát biểu khai mạc hội thảo đã nêu các đóng góp của cơ sở giáo dục ngoài công lập đóng góp rất lớn cho giáo dục nước nhà.

Đại biểu Ngô Thị Minh mong nhận ý kiến từ các trường tư thục để hoàn thiện Luật ảnh 2Băn khoăn về quyền sở hữu của nhà đầu tư trường tư thục

“Chúng ta cũng đã có nhiều kết quả nổi trội, xã hội đã ghi nhận đóng góp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, mầm non có thành công rất lớn, thời gian tới, mong muốn của xã hội còn nhiều hơn nữa.

Nếu như đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ em thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với phổ cập giáo dục không chỉ tiểu học mà cả với trung học cơ sở, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông thì vấn đề đóng góp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập để gánh vác cùng Nhà nước sẽ còn rất là lớn.

Dự thảo Luật cũng phải tính đến sự công bằng giữa cơ sở giáo dục ngoài công lập và công lập thể hiện khoảng cách gần hơn. Đặc biệt là làm sao thu hút được nhà đầu tư hơn nữa”, Đại biểu Ngô Thị Minh nói.

Đại biểu Ngô Thị Minh thông tin thêm, tại Báo cáo số 185 của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí có trích ra, hiện nay còn tới hơn 90% nhà giáo vẫn ở các cơ sở công lập đang tạo một gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Nếu các tỉnh phải lo đảm bảo đủ trường thì áp lực kinh tế rất là lớn. Chính vì vậy, dự thảo Luật cũng đề cập đến nhiều góc độ đúng thực chất là một luật gốc.

“Chúng tôi đang trong quá trình chỉnh sửa và sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và đang nhận ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Đến giờ, đã có ý kiến từ 18 đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh gửi về.

Dự thảo mà các vị đang có (cập nhật ngày 12/4) đến nay đã có nhiều lần tiếp thu và đang trong quá trình chỉnh sửa.

Trong những ngày vừa qua, chúng tôi cũng đang đón nhận ý kiến từ các đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội cùng với Ban soạn thảo xem xét và tiếp thu ra sao. Các ý kiến còn rất nhiều.

Chúng tôi cũng có nhận được các ý kiến về vấn đề hội đồng trường, hội đồng quản trị, liên quan quyền sở hữu, vấn đề xã hội hóa…do Ban Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi sang.

Hôm nay, tôi được nghe trực tiếp sẽ rõ hơn về vấn đề này. Cùng với tôi, hôm nay còn có một số thành viên Ban soạn thảo và các thầy cô, chúng tôi mong các thầy cô sẽ tiếp tục góp ý để xem xét trước khi hoàn thiện gửi cho các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến ngày 10/5/2019, chúng tôi phải gửi cho các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó gửi cho các đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ hợp tới”, đại biểu Ngô Thị Minh cho biết.

Đỗ Thơm