Đại biểu Lê Thanh Vân nói về câu chuyện chọn cán bộ trong giáo dục

22/06/2021 06:00
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lĩnh vực nào cũng vậy đều bắt nguồn từ cán bộ, vì cán bộ là chủ thể của khởi xướng chính sách, thực thi chính sách và là chủ thể xác định các vi phạm chính sách.

LTS: Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công, Nghị quyết mới, mở ra tâm thế mới. Nhiều chuyên gia, thầy cô đặt kỳ vọng lớn vào nhiệm kỳ tới. Về vấn đề này phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Phóng viên: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp, dư luận xã hội kỳ vọng Đất nước sẽ có nhiều bước phát triển đột phá trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Công tác cán bộ được xác định là trọng tâm cốt lõi của mọi vấn đề, vậy đối với giáo dục điều này có đúng không, thưa Đại biểu?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Lĩnh vực nào cũng vậy đều bắt nguồn từ cán bộ, vì cán bộ là chủ thể của khởi xướng chính sách, là chủ thể của thực thi chính sách và là chủ thể xác định các vi phạm chính sách. Tất cả đều bắt nguồn từ con người, từ cán bộ mà ra.

Cho nên nói về lĩnh vực kinh tế- chính trị - đối ngoại hay giáo dục thì đều phải bắt nguồn từ chính sách cán bộ cho lĩnh vực đó như thế nào. Nhìn lại quá trình vừa qua, về giáo dục, tôi thấy rằng có những bước tiến nhất định, nhưng bên cạnh đó còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề, nhiều nan đề cần phải giải quyết.

Đó là hệ thống cấu trúc với tính chất là thiết chế tổ chức chưa hợp lý cho đến cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục rồi tổ chức, phân công các luồng quản lý đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông. Phân tầng theo hệ thống để quản lý thì còn nhiều vấn đề đặt ra chưa giải quyết rốt ráo.

Ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XV

Ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội khóa XV

Hơn nữa, mặc dù Nghị quyết của Đảng chỉ ra khá tường minh trong việc trọng dụng nhân tài, bố trí lựa chọn cán bộ nhưng trong thực tế lại chưa giải quyết được nhiều những bất cập trong hệ thống tổ chức cho đến đội ngũ cán bộ và đội ngũ giáo viên.

Do đó vấn đề đặt ra là cần phải tiếp tục sàng lọc để làm sao nền giáo dục Việt Nam xuất hiện những ngôi sao sáng thực sự chân nhân tài, chân hiền tài để lãnh đạo ngành giáo dục đi đúng với quy luật vận động của thời đại. Có như vậy mới đưa nền giáo dục nước nhà trở thành một lợi thế cạnh tranh đặc biệt.

Người Việt Nam rất thông minh, nếu bóc tách ra cá nhân con người thì các giải quốc tế đạt được rất nhiều. Tố chất người Việt nếu có phương pháp đúng đắn, có bộ máy giáo dục đúng đắn chắc chắn nền giáo dục ấy sẽ cường thịnh, hùng cường.

Như phân tích trên của ông thì rõ ràng câu chuyện chọn cán bộ trong giáo dục khó hơn các lĩnh vực khác rất nhiều, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Cái này liên quan đến phân loại cán bộ. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng khi một con người có trình độ học vấn nhất định, có quan hệ xã hội nhất định, có khả năng nhất định được bầu vào cơ quan lãnh đạo của Đảng thì có thể lãnh đạo được ngành, lĩnh vực nào đó mà quên rằng, mỗi một vị trí vai trò đòi hỏi có một loại hình cán bộ phù hợp. Bất kỳ lĩnh vực nào cũng có cấu trúc về cán bộ, đó là những cán bộ hoạch định được đường lối chính sách, chủ trương, hay còn gọi là lớp cán bộ dẫn đường.

Trên cơ sở nhận thức được những quy luật vận động của tự nhiên xã hội, xu hướng vận động của thời cuộc mà định ra con đường đi cho ngành. Đó là cán bộ chính trị có tầm nhìn chiến lược, định khung chính sách trong 5 năm trở ra chứ không phải tầm nhìn ngắn hạn ngày mai làm cái gì – đó là công việc của công bộc, công chức, viên chức chứ không phải của nhà lãnh đạo.

Bộ trưởng chính là chính trị gia, là người phải có tầm nhìn chứ không phải bộ máy tham mưu. Một vị Bộ trưởng mà dựa vào đề xuất của tham mưu để định hình chính sách cho ngành mình thì đó không phải là Bộ trưởng đúng nghĩa mà đó chỉ là thư lại dùng mọi cách để ngồi lên ghế chính trị gia mà thôi.

Chính trị gia ở tầm Bộ trưởng phải là người chủ động khởi xướng chính sách, chứ đừng dựa vào bộ máy tham mưu, tất nhiên có chiều ngược lại tức là bộ máy tham mưu đề xuất thì Bộ trưởng phải có đủ năng lực, nhận diện đâu là chính sách thay vì những công cụ quản lý.

Do đó, đòi hỏi đầu tiên ở Bộ trưởng ngành giáo dục là tầm nhìn về chính sách giáo dục nhận diện trong 5 năm trở ra. Căn cứ để nhận diện ra là đường lối của Đảng, là thực trạng, nhu cầu xã hội, năng lực học sinh, năng lực xã hội, tác động của công nghệ rồi xu hướng của khu vực, thế giới để định khung chính sách.

Trong quá trình công tác với vai trò là Đại biểu Quốc hội, ông thường xuyên có những chia sẻ, trả lời phỏng vấn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nhân sự, chống tham nhũng. Ông có thể chia sẻ đánh giá của cá nhân ông về Tạp chí?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là một trong những tờ báo có nhiều bạn đọc quan tâm, hình thức cũng như cách thức hoạt động của tờ tạp chí này cách đây không lâu trở về trước với chức năng là một tờ báo (nay là tạp chí) trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tham gia phản biện chính sách, đưa được thông tin chính trị - xã hội của đời sống và góp phần làm cho sự chín muồi của các chính sách liên quan đến không chỉ các trường đại học, cao đẳng mà còn ở nhiều mặt của đời sống, xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, tờ báo tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo và Tổng Bí thư là người trực tiếp khởi xướng, lãnh đạo góp phần quan trọng vào công tác chống biểu hiện vi phạm đạo đức, chống suy thoái, chống tham nhũng, chống tiêu cực để lành mạnh các quan hệ xã hội và góp phần làm bộ máy trong sạch hơn.

Tất nhiên trong quá trình hoạt động thì cũng có những sai sót, khuyết điểm nhưng không đáng kể bởi phần lớn là do cá nhân mà tôi nghĩ phần lớn tờ báo nào cũng có.

10 năm qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) đã có nhiều bài học kinh nghiệm, tích lũy cho mình thêm phương pháp giải quyết các vấn đề để góp phần phản biện tốt chính sách cho nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

Với kinh nghiệm tích lũy được, với tôn chỉ mục đích đã đặt ra, tôi tin rằng tờ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Đại biểu Lê Thanh Vân.

Thùy Linh