Đại biểu Lê Thanh Vân gợi ý phương án tăng lương giáo viên

24/02/2021 06:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương không phải khoản tiền được tiền lấy ra từ ngân sách mà ngân sách đó không xác định thu - chi trên cơ sở nào, cân đối ra sao.

Chính sách đối với nhà giáo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tại Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ, thang bảng lương của các thầy, cô giáo phải được xếp cao nhất. Nhưng vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ cho giáo viên trên thực tế thời gian qua còn nhiều bất cập.

Trước thực tế này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, lương của một cán bộ công chức, viên chức hay giáo viên phải được dựa trên cơ sở tính toán hợp lý, hài hòa đầu vào và đầu ra về thu nhập, chứ lương không phải khoản tiền được lấy ra từ ngân sách mà ngân sách đó không xác định thu - chi trên cơ sở nào, cân đối ra sao.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (ảnh: Thùy Linh)

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (ảnh: Thùy Linh)

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, một nền tài chính minh bạch là thu như thế nào thì chi như vậy, không thâm hụt.

Tuy nhiên, nước ta hiện nay đang thâm hụt ngân sách, mất cân đối ngân sách nhiều năm, bằng chứng là thường phải vay qua con đường bội chi để bù đắp chi vì thu không đủ.

Điều này cho thấy, đội ngũ cán bộ công chức viên chức ở nhiều ngành rơi vào tình trạng lương không đủ sống, và đội ngũ giáo viên không nằm ngoài bối cảnh đó.

Đi vào câu chuyện làm sao tăng lương cho giáo viên, cũng như tăng lương cho cán bộ công chức viên chức ở lĩnh vực ngành khác thì Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải nâng cao chất lượng hoạt động để tạo ra của cải vật chất.

Nếu như các ngành sản xuất khác thì việc tổ chức, sắp xếp lại cán bộ để tinh giản bộ máy đã làm thu hẹp lại khoảng dôi dư số người phải trả lương, tiền lương đó hoàn toàn có thể chi trả gấp đôi, gấp ba cho những người còn lại tùy thuộc vào mức độ tinh giản. Thế nhưng đòi hỏi những người còn lại phải làm việc thực chất hơn.

Tương tự ngành giáo dục cũng vậy. “Một giáo viên có chất lượng thì hoàn toàn có quyền được hưởng gấp đôi, gấp ba số lương hiện hành. Chất lượng đó là phương pháp có thể thay cho 3 giáo viên khác, đảm đương được vai trò giảng dạy mà chất lượng hơn thay vì đội ngũ giáo viên nhiều mà không tinh, kém chất lượng”, Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Do đó, theo ông, trong lúc đất nước chưa gia tăng được ngân sách, chưa có nguồn thu để bù đắp cho những nhu cầu chi thì trước tiên phải tinh giản bộ máy, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ để loại ra bộ máy những người vừa kém chất lượng, vừa kém phẩm chất đang ngồi ăn khoản lương không xứng đáng.

Khi đưa họ ra khỏi bộ máy thì phần lương đó bù đắp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên xứng đáng trong hệ thống.

Ngoài ra, cần phải cân đối lại các khoản chi ngân sách để tăng cường cho giáo dục, lựa chọn những thứ tự ưu tiên để kích hoạt vào làm cho hệ thống giáo dục thực sự vận hành có chất lượng hơn.

Chất lượng đó thể hiện qua việc ngành giáo dục cung cấp đầu ra cho xã hội đó là sản phẩm con người – họ tham gia vào bộ máy quản lý, quá trình sản xuất tốt hơn và tác động ngược trở lại là họ kiếm ra nhiều của cải vật chất hơn, bù đắp cho ngành giáo dục.

Cuối cùng, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cứ tuần hoàn nhiều vòng như vậy thì người thầy thực sự là nghề cao quý và thậm chí thu nhập rất cao trong xã hội còn nếu không làm được như thế mà cứ đòi tăng lương thì đó là đòi hỏi không chính đáng.

Thùy Linh