Đại biểu kiến nghị cần tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp, cao đẳng sư phạm

31/10/2020 11:08
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2019-2020 cả nước thiếu trên 42 ngàn giáo viên mầm non và gần 20 ngàn giáo viên

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao những kết quả tích cực mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học 2019-2020.

Trong thời gian tới Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ một số vấn đề:

Thứ nhất là, việc tuyển dụng giáo viên theo quy định về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2019-2020 cả nước thiếu trên 42 ngàn (45.242 ngàn) giáo viên mầm non và gần 20 ngàn (19.474 ngàn) giáo viên tiểu học, Chính phủ đã có Nghị quyết số 102, ngày 03/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Tuy nhiên vấn đề rất khó khăn hiện nay là không có nguồn để tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc do áp dụng quy định điều kiện về trình độ chuẩn của giáo viên các cấp học theo Luật Giáo dục năm 2019 trong tuyển dụng, rất khó để thực hiện tốt chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long (ảnh: quochoi.vn)

“Do đó, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đề xuất về việc tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp sư phạm mầm non, và cao đẳng sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này, song song đó sinh viên được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo đến năm 2025 (bằng thời gian Nghị định 71 về lộ trình nâng chuẩn) quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng”, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long kiến nghị.

Theo lý giải của Đại biểu Quyên Thanh thì giải pháp này vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên để dạy 2 buổi/ngày nhất là đối với cấp tiểu học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; vừa tạo điều kiện cho các em sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa đáp ứng quy định về trình độ đào tạo có được cơ hội được tham gia tuyển dụng, có việc làm để có điều kiện lo cho việc hoc nâng chuẩn của mình.

Thứ hai là, về việc thẩm định sách giáo khoa

Để hạn chế những vấn đề như trong thời gian qua, tạo sự đồng thuận trong nhận định, đánh giá về chất lượng của sách nhất hạn chế những thông tin trái chiều đặc biệt là trong đội ngũ giáo viên những người đang trực tiếp thực hiện chương trình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến việc lấy ý kiến rộng hơn, ngoài ý kiến của những giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên trong Hội đồng thẩm định Bộ cần quan tâm ý kiến của giáo viên - những người trực tiếp giảng dạy.

“Đây là kênh thông tin rất quan trọng từ thực tế giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Theo tôi thì đây cũng là hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giáo viên đối với sách giáo khoa, khi đội ngũ mình đã hiểu, đã rõ, nhận định đúng thì uy tín của ngành giáo dục cũng được nâng lên nhất là trước thông tin từ dư luận.

Còn việc tập huấn giáo viên, cá nhân tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Nhà xuất bản phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đối với mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo không quá 2 ngày là quá ngắn, chưa đủ thời gian để báo cáo viên và học viên kết nối, chia sẻ, tập trung sâu, rộng để cùng làm rõ ngữ liệu trong sách giáo khoa, cách tiếp cận và khai thác sách giáo khoa.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngành Giáo dục chậm phát hiện những ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1. Giáo viên sẽ phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo khi đã được tập huấn, bồi dưỡng một cách khoa học, hợp lý về thời gian, chuẩn về phương pháp”, Đại biểu Quyên Thanh nói.

Thứ ba là, liên quan đến sách giáo khoa

Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, khi ngữ liệu sách nhất là với cấp tiểu học đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩ giáo dục tường minh thì nội dung bài học sẽ ấn tượng hơn với học sinh, hình thành được những cảm xúc tích cực để bồi dưỡng tâm hồn các em, cứ như thế tình yêu gia đình, cộng đồng lớn dần qua từng bài học.

Thứ tư là, nhìn về tương lai giáo dục và sự phát triển của đất nước Việt Nam 10 năm và 20 năm sau, để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thì cần đầu tư mạnh hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục nhất là đối với những vùng, miền còn nhiều khó khăn, đây điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Câu chuyện về lễ khai giảng ở ngôi trường trên đỉnh núi đầy mây và gió của vùng cao tỉnh Quảng Nam trong năm 2019 chỉ có 02 cô giáo, 34 học sinh trong đó có những em với khuôn mặt còn lấm lem và đôi chân trần, là một câu chuyện xúc động.

“Đây không phải là hình ảnh đại diện cho các trường trên khắp mọi miền Tổ quốc nhưng đáng để những nhà quản lý chúng ta suy nghĩ và cần phải có cách làm và sự đầu tư đúng mức và quan tâm mạnh mẽ hơn nữa.

Bởi lẽ, khi điều kiện giảng dạy và học tập tốt thì thầy mới có thể phát huy hết sức sáng tạo, trò phát huy trí thông minh để nắm bắt tri thức tiên tiến, chất lượng giáo dục mới nâng lên ngang tầm các nước trong khu vực. Khi đó ngành Giáo dục mới có thể thực hiện đạt mục tiêu này”, Đại biểu Quyên Thanh nhận định.

Trước đó, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường cao đẳng sư phạm cho biết: “Đến nay Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định chuyển tiếp cho số sinh viên tốt nghiệp tại các trường Trung cấp Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm đối với các khóa tuyển sinh năm 2017, 2018 và 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu, ngân sách nhà nước cấp để đào tạo giáo viên trình độ chuẩn theo quy định.

Số sinh viên này sẽ tốt nghiệp vào các năm 2020, 2021 và 2022 nhưng sẽ không được tuyển dụng vì chưa đạt trình độ chuẩn mới, không thuộc đối tượng được đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP, trong khi đó, các trường cao đẳng sư phạm không được giao nhiệm vụ đào tạo để đạt chuẩn mới”.

Thùy Linh