Đại biểu, chuyên gia nói gì về lần đầu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục?

12/11/2021 06:24
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Tuy chưa làm hài lòng tất cả các đại biểu chất vấn vì còn có những đại biểu tranh luận lại, nhưng nhìn chung tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Sơn".

Về phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 11/11, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, nội dung mà các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rất phong phú, bao hàm hết những vấn đề quan trọng và nổi cộm của giáo dục hiện nay, đặc biệt là những vấn đề gắn với việc dạy - học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh, vấn đề sách giáo khoa mới, dạy tích hợp....

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá: “Bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng khá chủ động, nắm chắc mọi vấn đề ngành quản lý, trả lời thẳng vào câu hỏi, thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót của ngành, đề ra các giải pháp khá rõ ràng, rành mạch để khắc phục những khó khăn, những hạn chế, yếu kém.

Tuy chưa làm hài lòng tất cả các đại biểu chất vấn vì còn có những đại biểu tranh luận lại, nhưng nhìn chung, tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Có những vấn đề hạn chế của ngành tồn tại đã lâu (trước khi Bộ trưởng nhậm chức), tôi kỳ vọng qua phiên chất vấn này Bộ trưởng sẽ có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết (nâng cao chất lượng giáo dục đại học, vấn đề thiếu giáo viên, vấn đề thu hút nhân tài vào ngành giáo dục...)”.

Theo dõi toàn bộ phiên chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn diễn ra 180 phút (sáng 135 phút, chiều 45 phút), thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội đánh giá dù thời gian không nhiều nhưng các vấn đề chất vấn của các đại biểu quốc hội khá rộng:

Vấn đề thuộc chuyên môn của ngành giáo dục như dạy và học môn Ngữ văn, Lịch sử, sách giáo khoa, dạy thêm – học thêm

Vấn đề thuộc đa ngành như câu chuyện thừa thiếu giáo viên, lương và phụ cấp của giáo viên, dự án Làng Đại học Đà Nẵng…

Vấn đề mang tính xã hội như việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền…

Rồi tác động của đại dịch Covid-19 đến giáo dục đào tạo như dạy và học trực tuyến, chất lượng học trực tuyến? Giải pháp trước mắt và lâu dài? Việc học sinh trở lại trường học trực tiếp?…

Thầy Nguyễn Xuân Khang đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới nhận nhiệm vụ trưởng ngành, lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn. Tuy vậy Bộ trưởng đã thể hiện nắm bắt được công việc của ngành không những hiện tại mà cả những vấn đề của nhiều năm trước đây. Bộ trưởng tự tin trả lời tất cả các câu hỏi chất vấn thuộc chuyên môn của ngành, của nhiều ngành, và những vấn đề mang tính xã hội rộng lớn… Bộ trưởng chân thành, thẳng thắn trả lời khá kỹ những vấn đề xã hội bức xúc.

“Lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, tôi đánh giá Bộ trưởng đã trả lời cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu và cử tri toàn quốc”, thầy Nguyễn Xuân Khang nhận định.

Chờ đợi Đại biểu hỏi đúng tầm làm chính sách

Ở một góc độ khác, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lần đầu trả lời chất vấn nên nhiều câu trả lời còn thiếu trọng tâm, thiếu logic.

Đơn cử như việc đại biểu hỏi về dạy thêm học thêm thì Bộ trưởng cho rằng cần phải ngăn chặn nhưng khi đại biểu chỉ ra lợi ích của dạy thêm học thêm thì Bộ trưởng lại cho rằng sẽ đề xuất đưa dạy thêm học thêm vào ngành kinh doanh có điều kiện.

Ngoài ra, Bộ trưởng dù đã chuẩn bị nhưng chưa lường hết được các vấn đề nên còn lúng túng. Đặc biệt nội dung dạy văn hóa trong trường nghề đã được truyền thông đăng tải rất nhiều nhưng Bộ trưởng trả lời chưa đúng trọng tâm.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng đánh giá: “Một số đại biểu hỏi chưa đúng tầm, vì hỏi quá sâu vào vụ việc cụ thể, hỏi về kỹ thuật chuyên môn. Tôi hi vọng từ kỳ họp sau các đại biểu chất vấn đúng – trúng nội dung mà cử tri cả nước quan tâm, tránh hỏi những vụ việc nhỏ”.

Vì đây là lần đăng đàn đầu tiên sau hơn 200 ngày tại vị, Bộ trưởng cũng đã bước đầu nắm bắt được công việc của ngành đặc biệt lĩnh vực giáo dục phổ thông hoặc vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp chưa có kinh nghiệm nên lúng túng là chuyện có thể xảy ra qua phiên chất vấn .

Qua đây cũng thấy vấn đề một số đại biểu hỏi sao cho đúng tầm làm chính sách và chiến lược gắn với đường lối phát triển giáo dục đào tạo chỉ ra ở Đại hội Đảng lần thứ 13 và những vấn đề dư luận báo chí đề cập thời gian qua tránh đi vào những vấn đề mang tính kỹ thuật cần có kiến thức sâu mới có thể diễn giải hết được và lại mất thời gian.

Ví dụ vấn đề phối hợp với các bộ ngành và với địa phương như thế nào trong triển khai công việc, hay việc Bộ trưởng đã phối hợp với Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội như thế nào trong việc xây dựng các môn học văn hóa theo Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc phối hợp thế nào trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo từ giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo thực hiện Luật quy hoạch và phát triển hệ thống giáo dục đào tạo hiệu quả, cân đối các trình độ trong cơ cấu nhân lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao thì lại không có đại biểu nào đề cập đến.

Trong khi đó Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ giáo dục và Đào tạo) cảm thấy chưa thật thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Đồng thời vị chuyên gia này cũng đánh giá: "Câu hỏi của đại biểu quốc hội mang tầm chiến lược thì rất ít, tôi cho rằng những câu hỏi đi vào vụ việc cụ thể thì nên hạn chế, những câu đó đại biểu nên gửi câu hỏi qua hình thức văn bản cho Bộ trưởng để Bộ trưởng trả lời".

Thùy Linh