Đã và đang có “cuộc vận động chỉ định thầu” bộ sách giáo khoa mới?

28/05/2018 07:17
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi ông Ngô Trần Ái còn lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết ít nhất 3 lần kêu gọi Bộ giao bộ sách giáo khoa cho đơn vị này.

Ngày 25/5/2018, Báo Dân Trí đăng bài "Tuyển chọn tác giả biên soạn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới", phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. [1]

Đây là lần đầu tiên Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng về vấn đề “biên soạn sách giáo khoa” sau khi chúng tôi đặt ra một số câu hỏi với thầy Thuyết trong bài "Chương trình môn học chưa công bố, sách giáo khoa 3 lớp đã viết xong" ngày 22/5/2018.

Cho đến lúc này, những câu hỏi chúng tôi đặt ra với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề biên soạn sách giáo khoa trong bài viết trên vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Ảnh: VTV.vn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới. Ảnh: VTV.vn.

“Chương trình giả định" của nhóm VEPIC và chương trình giáo dục phổ thông quốc gia

Trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí, thầy Nguyễn Minh Thuyết không đả động gì đến thông tin được ông Ngô Trần Ái báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội hôm 7/5 vừa qua, rằng:

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên; Giáo sư Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán; Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên cùng nhiều thành viên ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang "đầu quân" cho doanh nghiệp tư nhân Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) viết sách giáo khoa;

Bản thảo sách giáo khoa 3 lớp (1, 2, 6) đã được quý thầy soạn “dựa trên chương trình cũ (chương trình 2000) viết bằng phương pháp mới", hoặc “chương trình giả định” và đã được ông Ngô Trần Ái trình Bộ trưởng.

Điều này đặt ra ba vấn đề lớn, cần làm sáng tỏ.

Một là tính công bằng giữa các nhóm làm sách giáo khoa.

Trong khi các nhóm còn lại phải chờ chương trình môn học công bố chính thức mới bắt tay vào viết sách giáo khoa, thì nhóm VEPIC mà quý thầy Tổng chủ biên, Chủ biên tham gia đã có bản thảo sách giáo khoa nhờ lợi thế chức vụ Tổng chủ biên, Chủ biên của mình.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội về sách giáo khoa ngày 7/5. Trên tay ông Ái là một tập bản thảo sách giáo khoa mới đã viết. Ảnh: Trọng Quỳnh / quochoi.vn.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng của Quốc hội về sách giáo khoa ngày 7/5. Trên tay ông Ái là một tập bản thảo sách giáo khoa mới đã viết. Ảnh: Trọng Quỳnh / quochoi.vn.

Hai là, trên cương vị Tổng chủ biên và Chủ biên, quý thầy có đưa "chương trình giả định" hoặc "chương trình cũ" mà mình đang dựa vào đó viết sách giáo khoa mới, vào trong chương trình tổng thể, chương trình môn học mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay không?

Ba là, nếu quý thầy có thể “dựa vào chương trình cũ viết sách giáo khoa bằng phương pháp mới”, thì có cần tốn ngân sách quốc gia để làm chương trình mới hay không?

Nói như ông Ngô Trần Ái, thì Toán lớp 1 chương trình nào cũng bắt đầu từ số 0, số 1, tiếng Việt chương trình nào cũng bắt đầu từ chữ cái, ghép vần. Vậy tại sao phải tốn ít nhất 80 triệu USD để thay đổi?

3 lần thầy Nguyễn Minh Thuyết kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 28/11/2014 Quốc hội khóa 13 ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó quy định:

"Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. 

Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.” 

Ông Ngô Trần Ái giới thiệu cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1 mới của VEPIC, trên bìa ghi (Tổng chủ biên kiêm chủ biên Nguyễn Minh Thuyết). Ảnh: Quochoi.vn.
Ông Ngô Trần Ái giới thiệu cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1 mới của VEPIC, trên bìa ghi (Tổng chủ biên kiêm chủ biên Nguyễn Minh Thuyết). Ảnh: Quochoi.vn.

Trước khi có nghị quyết này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã hai lần kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bộ sách giáo khoa của Bộ cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Lần 1 vào ngày 24/9/2014, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết được Báo VnExpress dẫn lời bình luận: Bộ Giáo dục sản xuất sách giáo khoa là vô lý! Giáo sư cho rằng:

“Tôi thấy chỉ Việt Nam và vài nước như Việt Nam mới có chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp đứng ra biên soạn sách giáo khoa. 

Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, công việc chính là xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, tốt nhất là giao việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cho đơn vị đó. 

Như vậy vừa phù hợp với chức năng, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện công việc này bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, các nhà xuất bản khác. [2]

Lần thứ hai, ngày 10/11/2014, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã có bài viết "Bốn câu hỏi về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa", tiếp tục nhắc lại lời khuyến cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Bộ Giáo dục và Đào tạo có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, tốt nhất là giao việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cho đơn vị đó. 

Đã và đang có “cuộc vận động chỉ định thầu” bộ sách giáo khoa mới? ảnh 4

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Như vậy vừa phù hợp với chức năng, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện công việc này bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, các nhà xuất bản khác." [3]

Lần kêu gọi thứ 3 diễn ra ngay sau khi Quốc hội khóa 13 ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 8/12/2014:

Việc triển khai làm sách giáo khoa, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm sách mà giao cho Nhà xuất bản Giáo dục làm sách thì lập tức sẽ có cuộc cạnh tranh công bằng giữa tất cả các nhà xuất bản với nhau. 

Bởi theo Luật Xuất bản, chỉ nhà xuất bản mới có quyền in sách, do đó nơi đứng ra tổ chức bản thảo sách giáo khoa phải là nhà xuất bản. 

Để thực hiện được điều này, ông đề nghị phải sửa Luật Giáo dục và Luật Xuất bản. Trong đó Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lưu ý, Luật Xuất bản hiện nay quy định:

“Nhà xuất bản phải có tôn chỉ mục đích phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ quản…”, trong tất cả các nhà xuất bản thì duy nhất chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục có tôn chỉ, mục đích làm sách giáo khoa”. [4]

Ngày 28/9/2014 Báo Hà Nội Mới đăng bài phỏng vấn ông Ngô Trần Ái  - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo Hà Nội Mới đặt câu hỏi:

"Theo ý của ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung cho việc xây dựng chương trình, Thế còn việc tổ chức biên soạn sách giáo khoa thì sao? 

Trong dự thảo của Bộ, có một phương án Bộ sẽ chủ động biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách, theo ông Bộ có nên làm việc của nhà xuất bản?"

Ông Ngô Trần Ái trả lời:

"Câu hỏi cũng đã bao hàm câu trả lời rồi. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung vào xây dựng chương trình, đấy mới là cốt lõi của mỗi lần thay sách giáo khoa. 

Đã và đang có “cuộc vận động chỉ định thầu” bộ sách giáo khoa mới? ảnh 5

Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa

Theo Luật Xuất bản, Bộ cũng không thể tự mình biên soạn sách mà phải thông qua một nhà xuất bản." [5]

Về hưu, ông Ngô Trần Ái thành lập Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) năm 2016;

Nay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn và nhiều thành viên ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đầu quân cho VEPIC, và đã có sản phẩm ban đầu.

Tuyệt nhiên không thấy Tổng chủ biên kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bộ sách giáo khoa của Bộ cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như trước.

Lúc này ông Ngô Trần Ái không còn ca ngợi đội ngũ làm sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như nói trên Báo Hà Nội Mới năm 2014 nữa. Ông kiến nghị với Đoàn giám sát hôm 7/5:

"Nếu nhà nước giao cho nhà xuất bản nào đó làm sách giáo khoa, đầu tư cho họ làm, thì cũng giống như chỉ có một bộ à, nó thiếu đi tính cạnh tranh, và như thế thì không thể sách tốt được."

"...Hội đồng thẩm định phải công khai, minh bạch, công bằng, thực hiện tốt 6 chữ liêm chính trên, là động lực thúc đẩy các tổ chức cá nhân, trong đó có chúng tôi, tham gia đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nước nhà.

Đồng thời xóa độc quyền, biến tướng của cửa quyền trong việc tranh giành chọn lựa sách giáo khoa.

Sau thẩm định Bộ sẽ chọn bộ sách của ai đây?

Hoặc là của người này của đơn vị này một vài quyển, đơn vị khác một vài quyển, thành một bộ sách, sau đó Bộ điều chỉnh lại, gộp lại thành bộ của Bộ như Quốc hội đã giao.

Cũng giống như chọn đội tuyển U23, chọn chỗ này vài người, chỗ kia vài người để chúng ta có một đội tuyển nó mạnh thực sự và chất lượng.

Cho nên là mong ước, nguyện vọng của các tác giả muốn gởi tới quý vị hôm nay, để có những tác động tích cực đối với đơn vị chủ quản của việc này là Bộ Giáo dục và Đào tạo."

Vấn đề đặt ra là, nếu bộ sách giáo khoa mới của Bộ mà "nhặt của nhóm này một vài quyển, chọn của nhóm kia một vài quyển" thì những "miếng ngon" như Tiếng Việt, Toán...chắc chắn không thiếu, nhưng ai sẽ làm sách giáo khoa những môn ít số tiết (vì lời lãi thấp)?

Nếu chọn mỗi tác giả / mỗi đơn vị một cuốn / một số cuốn sách giáo khoa để gộp thành bộ sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo như ông Ngô Trần Ái đề xuất, vậy hơn 20 triệu đô la Mỹ đã vay để Bộ làm một bộ sách giáo khoa, sẽ tiêu vào việc gì? [6]

Và hơn nữa, nếu Bộ chọn sách giáo khoa thì quyền lựa chọn của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh ở đâu, hay lại tiếp tục học các sách giáo khoa theo chỉ định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và như thế thì có khác gì cách làm hiện nay?

Nguồn:

[1]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tuyen-chon-tac-gia-bien-soan-sach-giao-khoa-cho-chuong-trinh-pho-thong-moi-20180523133701319.htm

[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-bo-giao-duc-san-xuat-sach-giao-khoa-la-vo-ly-3083932.html

[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

[4]http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/canh-bao-cua-gs-nguyen-minh-thuyet-khi-lam-sach-giao-khoa-post153121.gd

[5]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-thoai/708287/sach-giao-khoa-vao-the-canh-tranh-nhieu-cau-hoi-kho

[6]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bien-soan-sach-giao-khoa-moi-co-kinh-phi-la-hon-20-trieu-USD-post180391.gd

Hồng Thủy