Đà Nẵng ban hành kế hoạch đẩy mạnh phân luồng học sinh, khuyến khích học nghề

28/10/2019 06:21
AN NGUYÊN
(GDVN) - Mục tiêu đến năm 2020, khoảng 50% trường trung học cơ sở và 50% trường trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất.

Ngày 27/10, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ảnh: AN
Đà Nẵng đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ảnh: AN

Mục đích là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.

Góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

Qua đó, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của thành phố, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020, khoảng 50% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông tại thành phố Đà Nẵng có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương;

Trường nghề nhất định phải gắn kết với các doanh nghiệp

Khoảng 50% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Phấn đấu ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp;

Phấn đấu ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học kỹ thuật.

Đến năm 2025, phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương;

100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp;

Đồng thời, ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học kỹ thuật.

Để đạt được mục tiêu đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp được kế hoạch đề ra như: nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông;

Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông;

Phân luồng học sinh phổ thông, sao khó đến vậy?

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông;

Bổ sung, hoàn thiện văn bản chỉ đạo về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

Huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông…

Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Tham mưu với thành phố đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hàng năm, từng giai đoạn;

Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh;

Bố trí kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trường trung học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên triển khai mô hình điểm về giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục có học sinh trung học, cha mẹ học sinh, học sinh;

Đừng nghĩ dốt mới đi học nghề, giỏi sao không vào đại học

Và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, sau trung học phổ thông.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và thường xuyên rà soát đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ học nghề nghiệp theo quy định hiện hành như chính sách miễn, giảm học phí;

Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ…

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, phối hợp với Sở Giáo dục xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp phù hợp với từng địa phương và thị trường lao động;

Cử cán bộ, giáo viên triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trung học tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng đề nghị các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... đưa vào chương trình đào tạo của các khoa, ngành học các nội dung về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông;

Rà soát lại các điều kiện tổ chức các lớp học văn hóa kết hợp đào tạo nghề tại địa phương.

Trong đó, cần chú trọng đến ngành nghề phù hợp nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thu hút học sinh đăng ký tham gia học nghề;

Chủ động, phối hợp gắn kết với các doanh nghiệp nhằm cung ứng, giải quyết việc làm cho học sinh sau đào tạo.

AN NGUYÊN