Đã có phần mềm lọc tỷ lệ thí sinh ảo xuống mức thấp nhất

11/09/2016 08:16
Thùy Linh
(GDVN) - Bộ GD&ĐT có chủ trương cho phép các trường có thể xét tuyển theo nhóm để làm giảm tỷ lệ “ảo” trong điều kiện là thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng.

Kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2016 đã tạo “dấu ấn” đặc biệt với việc hàng loạt trường, kể cả trường nhóm trên, phải xét tuyển bổ sung vì số lượng thí sinh ảo quá lớn.

Mặc dù năm 2014, trường Đại học Thăng Long đã giới thiệu phần mềm xét tuyển “chấp nhận trì hoãn” với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cho tới năm 2015 không hiểu lí do gì phần mềm chưa được thử nghiệm trên diện rộng, mặc dù được đánh giá có tính ưu việt.

Trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/5, TS.Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Đại học Thăng Long cho biết, tính ưu việt của phần mềm thể hiện ở chỗ: Thí sinh trúng tuyển tối đa một nguyện vọng và đó là nguyện vọng tốt nhất có thể được trong mối tương quan với các thí sinh khác.

Mỗi trường đều có được danh sách trúng tuyển tốt nhất có thể được trong khuôn khổ các nguyện vọng và kết quả của thí sinh.

Các trường không bị hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu cho các ngành hay nhóm ngành, không bị hạn chế về các tiêu chí xét tuyển (có thể sử dụng kết quả học phổ thông của thí sinh, kết quả thi theo Đại học Quốc gia Hà Nội, có sơ tuyển…). Thời gian xét tuyển nhanh.

Nếu Bộ GD&ĐT cho phép (chẳng hạn từ năm sau), thí sinh có thể đăng ký nhiều hơn 4 nguyện vọng (ví dụ 10 nguyện vọng), chương trình vẫn xử lý tốt.

Kiến nghị tuyển sinh theo thuật toán của Đại học Thăng Long nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia. Ảnh trên Giaoduc.net.vn
Kiến nghị tuyển sinh theo thuật toán của Đại học Thăng Long nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia. Ảnh trên Giaoduc.net.vn

Theo TS. Phan Huy Phú, cách tổ chức xét tuyển thì các trường xác định các “Mã xét tuyển” của trường. Mỗi trường có một số Mã xét tuyển, mã xét tuyển gồm các yếu tố: các ngành, tiêu chí đánh giá thí sinh, điều kiện tối thiểu và chỉ tiêu.

Một Mã xét tuyển có thể gồm 1 hay nhiều ngành. Một ngành cũng có thể thuộc một số Mã xét tuyển.

Còn về việc đăng ký nguyện vọng, TS.Phan Huy Phú giải thích, sau khi tìm hiểu thông tin của các trường, thí sinh đăng ký nguyện vọng theo cách thức và thời gian do Bộ qui định.

Điều cốt yếu là thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng trong nhóm của bản thân. Phần mềm xét tuyển sẽ lần lượt xét các nguyện vọng của thí sinh theo thứ tự thí sinh đã đăng ký. Khi một nguyện vọng đã trúng thì các nguyện vọng sau không được xét nữa. Thí sinh chỉ trúng tuyển không quá một nguyện vọng trong nhóm. 

Xử lí dữ liệu; Dữ liệu về các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm: do các trường cung cấp; Kết quả học ở phổ thông (trường hợp xét học bạ): thí sinh nộp khi đăng ký; Kết quả sơ tuyển (nếu có yêu cầu): do trường cung cấp.

Dữ liệu trong bản đăng ký của thí sinh: Bộ chuyển giao; Kết quả kỳ thi Quốc gia: Bộ chuyển giao. Kết quả sau khi chạy chương trình xét tuyển là các Danh sách trúng tuyển của các Mã xét tuyển của các trường trong nhóm.

Đã có phần mềm lọc tỷ lệ thí sinh ảo xuống mức thấp nhất ảnh 2

Năm 2017 nên thi như thế nào?

(GDVN) - Thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng trong năm 2017, dư luận đang mong chờ quyết định đó.

Sau đó, lãnh đạo Đại học Thăng Long đã báo cáo về phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” với lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tại đây, lãnh đạo nhà trường khẳng định, phần mềm này dùng cho nhóm tuyển sinh có quy mô càng lớn thì tỷ lệ ảo sẽ được giảm ở mức thấp nhất.

Nhìn nhận thấy tính ưu việt của phần mềm mà trường Đại học Thăng Long giới thiệu, ngày 6/2, lãnh đạo Hiệp hội cùng Đại học Thăng Long đã có cuộc làm việc với Đại học Thái Nguyên và các trường hội viên.

Tại đây, sau khi nghe ông Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Đại học Thăng Long giới thiệu về phần mềm, lãnh đạo nhiều trường đã tỏ ra rất hài lòng và cho rằng đây là một giải pháp hữu hiệu. 

Sau khi chứng kiến phần mềm chạy thử trên dữ liệu giả lập với 1 triệu thí sinh để lọc ra người trúng tuyển, phần mềm này chỉ mất chưa đầy 20 phút để hoàn thành trong điều kiện máy tính có cấu hình bình thường.

Đến kỳ tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tiến hành lập nhóm xét tuyển, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, đồng thời mong muốn tránh được sự cố về dữ liệu, đường truyền như năm 2015 nhưng lại không sử dụng phần mềm “chấp nhận trì hoãn” này. 

Khi đó các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã hình thành hai nhóm (Nhóm tuyển sinh chung, gọi tắt là nhóm GX do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì, và nhóm của Đại học Đà Nẵng chủ trì). 

Các nhóm này đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để bước vào kỳ tuyển sinh nhưng kết quả vẫn khiến hàng loạt trường, kể cả trường nhóm, phải xét tuyển bổ sung vì số lượng thí sinh ảo quá lớn.

Để giải quyết tỷ lệ thí sinh ảo lớn này, khi trao đổi với báo chí về hướng cải tiến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng vào năm 2017, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:

Năm 2017, Bộ sẽ cho phép các thí sinh sẽ được đăng ký nhiều trường hơn để đảm bảo quyền lợi thí sinh cao hơn nữa, do đó, lượng ảo sẽ lớn. Vì vậy, Bộ sẽ có phần mềm lọc ảo hỗ trợ các trường lọc thí sinh ảo, giảm khó khăn phát sinh”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cho rằng:

Nếu các trường chấp nhận sử dụng phần mềm do Đại học Thăng Long đề xuất thì quyền của các trường vẫn được đảm bảo, thí sinh vẫn được quyền lựa chọn nguyện vọng phù hợp nhất với mình. 

Bởi lẽ, phần mềm này chấp nhận điều kiện tuyển sinh vào các trường hoàn toàn độc lập nên thí sinh không tốn công tốn sức mà tỷ lệ thí sinh ảo của các trường được giảm xuống tới mức thấp nhất". 

Thùy Linh