Cương vị Bộ trưởng Giáo dục luôn phải đối diện với nhiều áp lực, sóng gió

02/02/2021 06:10
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Còn những hạn chế, bất cập nhưng những dấu ấn để lại trong suốt gần 5 năm qua của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối với ngành giáo dục là điều không thể phủ nhận được.

Tính đến nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tại vị gần hết một nhiệm kỳ với thời gian gần 5 năm. Tuy nhiên, tại Đại hội lần thứ XIII, ông không có tên trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa mới- thông tin này đã được báo chí đề cập khá nhiều sau khi có kết quả.

Nhìn lại gần một nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, chúng tôi cảm nhận được rất nhiều áp lực mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và những cộng sự của mình đã phải trải qua trước những sự cố, vấn đề xảy ra trong ngành.

Tuy nhiên, cho dù kết quả thực hiện nhiệm vụ có thể còn những hạn chế, những điều chưa được như mong muốn, nhưng những dấu ấn để lại trong suốt gần 5 năm qua của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối với ngành giáo dục nước nhà là điều không thể phủ nhận được.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh minh họa: TTXVN)

Áp lực từ nhiều sự cố trong suốt nhiệm kỳ

Không phải đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới gặp nhiều sóng gió, mà ngay từ các vị tiền nhiệm của ông cũng đều đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành giáo dục. Cương vị này luôn được xem là “ghế nóng” bởi vị trí đó luôn thách thức bất kỳ lãnh đạo nào được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhận.

Chúng ta đều biết, ngành giáo dục có số lượng cán bộ, công chức, viên chức nhiều nhất trong các ngành, với khoảng 1,5 triệu người và luôn có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên tham gia học tập.

Trong khi, ngành giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà trên cả nước nên sự kỳ vọng vào đội ngũ thầy cô giáo, nhất là kỳ vọng của nhiều người vào Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất lớn. Ở chiều ngược lại, khi xảy ra sự cố thì áp lực dồn lên vai Bộ trưởng cũng lớn tương tự, như 2 cực dao động của một quả lắc đồng hồ.

Điển hình là vụ tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã trở thành vết nhơ khó gột rửa cho ngành giáo dục.

Dù sự việc này xảy ra ở các địa phương và có lẽ không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng xảy ra đúng vào nhiệm kỳ của thầy Phùng Xuân Nhạ. Cho nên, dù những cá nhân chủ mưu hay liên quan đến chuyện này là những lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương, nhưng đây là kỳ thi Quốc gia nên trách nhiệm của Bộ trưởng cũng được dư luận mổ xẻ.

Đầu năm học 2020-2021 một lần nữa những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại trở thành tâm điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi chương trình sách giáo khoa mới là sản phẩm đã bắt đầu xuất hiện từ thời Bộ trưởng tiền nhiệm Phạm Vũ Luận.

Rồi tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở nhiều nơi; tình trạng độc quyền sách giáo khoa, sách bài tập, sách bổ trợ (chương trình năm 2000); nhiều nơi phản đối chương trình VNEN; tình trạng dạy thêm, học thêm… cũng “rơi” vào thời gian mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại vị.

Là người đứng đầu ngành nên nhiều lần chúng tôi thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã không né tránh, mà đứng ra nhận trách nhiệm về những hạn chế xảy ra trong ngành…

Những dấu ấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong gần một nhiệm kỳ

Dù có nhiều sự cố, tai tiếng xảy ra trong thời gian qua ở ngành giáo dục nhưng theo quan điểm của người viết, không thể phủ nhận được rất nhiều việc mà trong gần một nhiệm kỳ thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và lãnh đạo ngành đã và đang làm được để từng bước khắc phục những bất cập, hạn chế trước đây.

Thứ nhất: trong nhiệm kỳ này thì ngành giáo dục đã thông qua được chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều điểm mới và đã thực hiện giảng dạy chương trình mới ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ý tưởng từ năm 2011, mãi tới khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 năm 2014, nó mới được khởi động.

Nhưng công việc cứ dậm chân tại chỗ cho đến khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận nhiệm vụ, thúc đẩy mạnh mẽ và đến 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công bố chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa đang được kỳ vọng sẽ giúp cho các địa phương lựa chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất. Điều quan trọng là đã phá bỏ được thế độc quyền của sách giáo khoa tồn tại suốt mấy chục năm qua.

Thứ hai: nhiều chỉ số về giáo dục của nước ta được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.

Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua đã có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020. Đây là con số đáng kể so với 27 huy chương vàng trong giai đoạn 2011-2015.

Thứ ba: những áp lực về các hội thi, các phong trào, hồ sơ số sách của giáo viên cũng từng bước được khắc phục. Trong đó, Bộ đã được ban hành các văn bản như: Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ra đời đã giảm bớt những bất cập về kỳ thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; giáo viên dạy giỏi trước đây để thay thế bằng một hình thức thi mới, nhẹ nhàng và đỡ áp lực hơn cho giáo viên.

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ra đời nhằm bổ sung một số điều cho Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đã giảm bớt được áp lực cho thầy và trò về số lượng bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên.

Hàng loạt văn bản yêu cầu các trường học giảm áp lực hồ sơ số sách cho giáo viên mà cụ thể nhất là Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ra đời đã từng bước tiến tới việc các nhà trường sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử.

Có được bước chuyển biến này, không thể không nhắc đến vai trò và sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Thứ tư: năm 2020 là năm mà ngành giáo dục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành giáo dục đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học” đã được triển khai rộng khắp ở các cấp học.

Những ngày qua, khi dịch bệnh bùng phát thì ngành giáo dục cũng đã phát tín hiệu, chỉ đạo về việc triển khai việc dạy và học trực tuyến ở các nhà trường.

Thứ năm: câu chuyện chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đã trở thành nỗi ám ảnh cho hàng triệu giáo viên trong những năm qua.

Và, trong lần tiếp xúc cử tri tại Bình Định thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin là tới đây sẽ bỏ cho giáo viên. Dù thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn nhưng đội ngũ nhà giáo trên cả nước vẫn đang hy vọng lời nói của Bộ trưởng sẽ trở thành hiện thực…

Rất nhiều dấu ấn của nhiệm kỳ này, trong đó có dấu ấn tích cực từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm được trong suốt gần 5 năm qua.

NGUYỄN CAO