Cuộc đua vào lớp 10 đã bắt đầu, thầy trò chóng mặt vì tăng tiết

14/12/2020 05:54
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tăng tiết khiến cho giáo viên rất áp lực và mệt mỏi vì số tiết dạy hàng tuần của một số thầy cô có khi vượt lên đến hơn chục tiết theo quy định của Bộ.

Kỳ thi tuyển sinh 10 của các địa phương những năm qua tổ chức ở nhiều thời điểm khác nhau, có khi vào giữa tháng 7 nhưng cũng có khi tổ chức thi vào đầu tháng 6.

Nếu như các địa phương tổ chức thi vào tháng 7 thì các nhà trường tổ chức học tập bình thường cho học sinh lớp 9 và kết thúc chương trình vào khoảng gần cuối tháng 5.

Tuy nhiên, có những địa phương tổ chức vào đầu tháng 6- thời điểm mà năm học vừa kết thúc nên một số sở giáo dục đều yêu cầu kết thúc chương trình lớp 9 vào đầu tháng 4 và các trường học bắt buộc phải thực hiện tăng tiết cho học sinh lớp 9 ngay từ cuối tháng 11 năm trước.

Việc tăng tiết khiến cho giáo viên rất áp lực và mệt mỏi vì số tiết dạy hàng tuần của một số thầy cô có khi vượt lên đến hơn chục tiết theo quy định của Bộ. Học sinh thì phải đi học trái buổi và hiệu quả những buổi học này thường không cao.

Việc học tăng tiết trái buổi khiến cả thầy và trò đều rất áp lực (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vtv.vn)

Việc học tăng tiết trái buổi khiến cả thầy và trò đều rất áp lực

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: vtv.vn)

Áp lực điểm thi khiến cho cả thầy và trò rất mệt mỏi

Nếu không vì chạy đua điểm số giữa các huyện và các nhà trường có lẽ giáo viên và học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong quá trình học tập. Chương trình học kết thúc vào cuối tháng 5 hàng năm và bước sang tháng 6 thì học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh 10.

Số lượng học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh thì sở và các phòng đều nắm được qua số liệu thống kê cụ thể. Số lượng tuyển sinh 10 bao nhiêu thì sở đã tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh để tiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Điều này cũng đồng nghĩa là dù có học tăng tiết, học thêm, điểm số có cao lên bao nhiêu thì số lượng trúng tuyển sinh 10 vào các trường Trung học phổ thông cũng đã được ấn định cụ thể từ nhiều tháng trước khi diễn ra kỳ thi.

Điểm kỳ thi dù cao hay thấp thì các trường Trung học phổ thông cũng sẽ lấy theo phương châm từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Nhưng, điểm thi tuyển sinh 10 mà quá thấp thì lãnh đạo sở, phòng giáo dục ngại ủy ban nhân dân tỉnh, huyện quở trách, sợ dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc…

Vì thế, họ yêu cầu các nhà trường hoàn thành chương trình lớp 9 sớm để thời gian còn lại của năm học thì các trường học sẽ tổ chức ôn thi tuyển sinh 10.

Và, tất nhiên khoảng thời gian ôn thi này thì phụ huynh phải đóng tiền học thêm cho các nhà trường, thầy cô giáo ôn thi vì chương trình chính khóa đã hoàn thành rồi.

Không có giáo viên và học sinh nào muốn tăng tiết

Theo quy định hiện hành thì giáo viên Trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần nhưng khi tăng tiết thì bắt buộc giáo viên phải dạy thêm tiết. Nhiều trường mà chủ trương kết thúc sớm thì giáo viên càng nặng nề về số tiết tăng thêm hàng tuần.

Nếu giáo viên dạy 3 lớp 9 mà gặp phải các môn thi tuyển sinh 10 như Văn, Toán, Anh có thể phải tăng thêm hàng chục tiết.

Lịch dạy sáng, chiều dày đặc suốt từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần- đó là chưa kể hội họp của tổ chuyên môn, nhà trường, hội đồng bộ môn, chấm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ cho học sinh và soạn giáo án….

Nhất là thời điểm này các địa phương lại đang triển khai tập huấn trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới nên giáo viên còn phải bố trí thời gian để tự bồi dưỡng, làm bài tập theo quy định.

Ban ngày đến trường, tối về chỉ quanh quẩn với mấy chuyện tập huấn, hồ sơ sổ sách, chấm bài cho học sinh khiến cho giáo viên tối mắt, tối mũi, mệt nhoài…

Giáo viên mệt, tất nhiên học sinh học tăng tiết cũng chẳng sung sướng gì vì các em cũng phải lo hoàn thành khối lượng công việc nhiều hơn mà thầy cô giáo giao cho.

Ban ngày thì học chính khóa, học tăng tiết, tối về cũng phải soạn bài, làm bài tập. Vì thế, những hôm học trái buổi thường thì học sinh rất mệt mỏi, có em bất chợt ngủ gục trên bàn học.

Không học thì không kịp theo chương trình của nhà trường triển khai, thầy cô giảng dạy mà học thì đa phần học sinh bị quá tải, căng thẳng.

Nhưng, vì nhiều trường đều tổ chức học tăng tiết, học thêm nên nhiều học sinh cũng sợ nếu không đậu vào lớp 10 công lập cũng đồng nghĩa với việc phải học các trường dân lập có mức học phí cao hơn nhiều.

Hoặc, phải học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên- nơi mà chất lượng chung thường thấp hơn các trường công lập.

Chính vì tư tưởng phòng giáo dục này sợ phòng giáo dục kia điểm cao hơn, trường này sợ trường kia điểm cao hơn thì đơn vị mình sẽ không được biểu dương mà còn bị quở trách. Vì thế, kế hoạch tăng tiết dạy được triển khai rất sớm đến giáo viên và học sinh.

Nói thật, dù dạy tăng tiết thì hoàn thành chương trình sớm nhưng không mấy giáo viên mặn mà với công việc này. Vì có thời điểm họ phải tăng tiết thì bắt buộc phải gồng mình lên để dạy vì số tiết quá nhiều.

Cuối năm dù có giảm đi số tiết dạy chính khóa nhưng giáo viên luôn muốn sự hài hòa số tiết để họ cân đối được công việc, sức khỏe và giảm được sự mệt mỏi, nhất là đối với những thầy cô lớn tuổi.

Và, có lẽ học sinh cũng vậy, không mấy em thích thú cả ngày ngồi học trong lớp.

Nhưng rồi, cứ đến hẹn lại lên, giáo viên và học sinh cuối cấp, cả học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 luôn tất bật với việc tăng tiết dạy, tiết học.

Một khi giáo dục còn quá nặng thành tích, chỉ tiêu thì có lẽ thầy và trò ở các nhà trường tiếp tục phải chịu đựng rất nhiều áp lực và cũng chưa biết bao giờ chuyện tăng tiết để hoàn thành sớm chương trình mới kết thúc!

LÊ VĂN MINH