Cuộc chiến với thời gian của cha mẹ học sinh đã bắt đầu!

26/05/2015 06:02
PHAN TUYẾT
(GDVN) - “Trẻ cần được chơi trong mùa hè” nhưng cho trẻ chơi ở đâu? “ Những sân chơi an toàn và hiện đại thì không miễn phí…”.

LTS: Nhiều trường học đã cho trẻ nghỉ hè từ hôm nay. Một cuộc chiến vật lộn với thời gian nghỉ hè của con đúng nghĩa đã bắt đầu với hàng triệu hộ gia đình.

Trẻ được nghỉ hè, đó là thời gian vàng với các con, vậy sao người lớn lo lắng thế?

Dưới đây là bài viết của cô giáo Phan Tuyết, nói lên câu chuyện này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đầu tháng 6 này, các em học sinh chính thức được nghỉ hè. Với những gia đình có điều kiện, cha mẹ thường tổ chức cho con đi du lịch đây đó, về quê thăm ông bà, đăng ký cho con theo học các lớp năng khiếu, học kỳ quân đội…

Nhưng những gia đình nghèo, khó khăn, phần lớn trẻ em không được hưởng một mùa hè trọn vẹn như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác.

Ở thành phố, nhiều em bị ba mẹ nhốt ở nhà từ sáng đến chiều vì cho ra ngoài chơi, sợ không an toàn.

Còn các em chốn nông thôn, hè là khoảng thời gian phụ mẹ kiếm tiền mưu sinh bên những xấp vé số, phụ mẹ vá lưới, làm cá, lột ghẹ…để dành dụm tiền mua quần áo, sách vở bước vào năm học mới.

“Giống gái cấm cung”

Có dịp ghé nhà người em ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh chỉ thấy cu Tèo ở nhà nhưng ba mẹ khóa cửa để đi làm.

Nhìn cháu nằm bên cửa sổ nhìn ra ngoài qua song sắt lòng tôi cứ thấy xót xa. Đã bao năm nay, hè nào cu Tèo cũng bị ba mẹ nhốt như thế vì cho ra ngoài chơi sợ bị bắt cóc. Cho đi học ở trung tâm lại quá tốn kém không kham nổi.

Mỗi buổi sáng, mẹ đi làm đều bắc cơm, nấu đồ ăn sẵn để đó. Cu cậu được mẹ dặn dò cẩn thận. Khi đói lấy đồ ăn, ăn xong đi ngủ và khi dậy tự mang sách vở học bài.

Khi nghe tôi hỏi: “Để con ở nhà khóa cửa như thế không sợ sao”?

Đứa em trả lời: “Hồi mới cũng không yên tâm nhưng mấy năm rồi cũng quen rồi chị. Không nhốt ở nhà biết gửi ở đâu. Giá nhà trường cứ tổ chức dạy như những buổi học chính khóa đỡ biết bao. Mà đâu chỉ mình con em bị nhốt, gia đình mấy đứa bạn em cũng thế cả, chúng quen rồi”.

Nghe mẹ nói, cu cậu lên tiếng: “Con không thích nghỉ hè đâu bác, nghỉ hè chán lắm. Ngày nào cũng chỉ có một mình, buồn muốn chết. Con muốn đi học cơ”.

Trẻ em thành phố bị nhốt trong nhà, còn trẻ nhỏ ở vùng biển thì sao?

Ngày hè của trẻ em xóm biển. (Ảnh minh họa. Internet)
Ngày hè của trẻ em xóm biển. (Ảnh minh họa. Internet)

Sống giữa những khó khăn, nhọc nhằn nên bọn trẻ luôn ý thức được những công việc làm để phụ giúp ba mẹ.

Em Hoa năm nay mới 8 tuổi nhưng buổi sáng vừa giữ em, vừa phụ mẹ lột ghẹ. Quẹt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, em nói: Từ sáng tới giờ, con cũng làm được ba mươi ngàn rồi cô ạ. Còn em Mai học sinh lớp 4 lại biết phụ mẹ ngắt đầu cá cơm, lột mực. Nhìn đôi bàn tay bé nhỏ của em cứ thoăn thoắt, tôi biết công việc này, em đã làm thuần thục lâu rồi.

Số khác ăn chơi lêu lổng vì không ai quản lý. Ba mẹ chúng thường rời nhà từ sáng sớm và trở về cũng khuya lơ khuya lắc. Hàng ngày, chúng tụm năm tụm bảy rồi chơi, đánh lộn. Chơi chán, lại rủ nhau vào tiệm net bấm miệt mài đến khuya, đôi khi quên cả ăn. Chẳng thế mà, sau hai tháng hè có em đã kịp làm quen với việc nghiền chơi điện tử.

Sân chơi nào dành cho trẻ?

Bên cạnh một số gia đình coi mùa hè của các em là “cơ hội lý tưởng” để phụ giúp công việc cho bố mẹ thì nhiều bậc phụ huynh, lại “sợ” các con nghỉ hè.

Họ rất khó khăn trong việc quản lí, trông nom các em. Khi được hỏi: Có kế hoạch gì cho mùa hè của con? Một số phụ huynh không ngần ngại bộc bạch: Muốn các trường tổ chức ôn tập để cho con đi học, các em vừa đỡ quên kiến thức, gia đình lại yên tâm khi không sợ trẻ bị hư. Bố mẹ mải làm ăn không có điều kiện chăm lo các em. Với họ, trường học là nơi an toàn nhất.

Để con có một kỳ nghỉ hè thoải mái và ý nghĩa là rất khó khăn đối với nhiều gia đình. (Ảnh minh họa: Internet)
Để con có một kỳ nghỉ hè thoải mái và ý nghĩa là rất khó khăn đối với nhiều gia đình. (Ảnh minh họa: Internet)

Ở thành phố, bố mẹ đi làm cả ngày đến chiều có mặt ở nhà còn đỡ. Ở nông thôn, công việc vô chừng, nhiều gia đình, bố mẹ đi làm từ 2, 3 giờ sáng. Ngủ dậy, trẻ tự ăn, tự chơi. Mà ở vùng biển này, các em biết chơi ở đâu ngoài những tiệm net, một số hàng quán ven đường, trẻ tập trung đông, lại cà khịa đánh nhau.

Nhiều em rủ nhau đá bóng, mà sân đá chủ yếu là đường làng hoặc vỉa hè. Đá mệt, rủ nhau xuống biển tắm. Vì thế, đã có không ít những vụ chết đuối thương tâm xảy ra.

Một số khác, miệt mài xem phim trên truyền hình cáp, do không có ai quản lý, xem mệt rồi ngủ, ngủ dậy lại xem tiếp, hay chúi đầu chúi mũi vào mấy quyển sách kiếm hiệp, bạo lực…

Những địa điểm để vui chơi giải trí, như khu vui chơi ở nhà văn hóa, cầm mấy chục ngàn đồng chỉ vừa đủ vài trò chơi. Cung văn hóa thiếu nhi, Câu lạc bộ ở phường, cũng chiêu sinh dạy hè một số môn năng khiếu, nhưng học phí cũng không hề rẻ.

Nhiều gia đình ăn chưa đủ no lấy tiền đâu nộp học phí?. Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã nói: “Trẻ cần được chơi trong mùa hè” nhưng cho trẻ chơi ở đâu? “ Những sân chơi an toàn và hiện đại thì không miễn phí…”.

“Sân chơi cũng là một dạng của nhà trường, con đường giúp trẻ thoát khỏi việc mê game, nghiền Facebook, ti vi”. Vì thế, rất cần sự quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

PHAN TUYẾT