Cùng thực hiện 1 công việc, sao giáo viên lại bị chia thành các hạng khác nhau?

12/03/2021 06:20
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là dạy học và giáo dục rèn luyện học sinh. Vậy vì sao cùng khối lượng công việc, sao giáo viên lại phải phân theo hạng?

Ngày 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số: 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, giáo viên các cấp được chia thành 3 hạng.

Giáo viên ở hạng nào vẫn phải thực hiện tốt công tác giảng dạy và giáo dục học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo viên ở hạng nào vẫn phải thực hiện tốt công tác giảng dạy và giáo dục học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Đó là: giáo viên mầm non hạng I, hạng II, hạng III; Giáo viên tiểu học hạng I, hạng II, hạng III; Giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, hạng III và giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II, hạng III.

Mỗi hạng có một hệ số lương khác nhau. Từ hạng III so với hạng I mức lương có sự chênh lệch nhau rất lớn.

Ví dụ ở bậc giáo viên tiểu học: bậc đầu tiên của hạng I, hệ số lương là 4.4 (lương cơ bản sẽ là 7.040.000đ) và hệ số cuối cùng là 6.78.(lương cơ bản là 10.848.000đ).

Nhưng bậc đầu tiên của giáo viên tiểu học hạng III là 2.34 (lương cơ bản là 3.744.000đ) và bậc cuối cùng là 4.98 (lương cơ bản là 7.968.000đ).

Nhiều câu hỏi đặt ra: giáo viên hiện có nhiều tiêu chí giống hệt nhau nhưng sao lại bị phân thứ hạng cao thấp?

Thứ nhất: chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn đủ chuẩn như nhau

Giáo viên mầm non quy định phải có bằng cao đẳng, giáo viên của 3 bậc học còn lại có bằng đại học là đạt chuẩn. Ngoài ra, giáo viên còn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Thứ hai, cùng đảm nhận công việc giảng dạy và giáo dục học sinh như nhau

Quy định chung cho giáo viên của các bậc học là số tiết chuẩn dạy trong tuần. Ví dục bậc tiểu học, giáo viên phải dạy 23 tiết/tuần, trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.

Ngoài ra, giáo viên còn có nhiệm vụ như nhau là rèn luyện và giáo dục học sinh.

Thứ ba, cùng tham gia các hoạt động trường lớp như nhau

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm khắc sâu kiến thức và rèn kỹ năng cho các em. Tất cả giáo viên cùng tham gia và làm nhiệm vụ như nhau.

Thứ tư, cùng có nhiệm vụ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng các modun của chương trình mới hàng năm giống nhau…

Ngoài giảng dạy, tham gia các hoạt động giáo dục thì tất cả giáo viên vẫn phải liên tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn bằng việc học tập các chương trình bồi dưỡng thường xuyên.

Đặc biệt trong giai đoạn này, giai đoạn Bộ Giáo dục áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì tất cả giáo viên phải hoàn thành các modun học tập.

Tất cả công việc giảng dạy, rèn luyện, giáo dục học sinh và học tập giáo viên nào cũng phải thực hiện như giáo viên nấy. Cùng khối lượng công việc, cùng kết quả đạt được như nhau (dựa vào chỉ tiêu giao và chỉ tiêu đạt được hàng năm) vậy tại sao giáo viên lại bị phân theo hạng?

Giáo viên hạng I, sự nhiệt tình, hiệu quả công việc có chắc chắn hơn giáo viên hạng III?

Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, giáo viên có bằng cấp/thứ hạng cao hơn chưa hẳn đã dạy tốt hơn giáo viên có bằng cấp/thứ hạng thấp hơn.

Ví như trước đây ở bậc tiểu học, bằng trung cấp sư phạm là đạt chuẩn. Nhưng thời gian sau này, một số giáo viên đã có bằng cao đẳng, đại học.

Không phải vì thế mà chất lượng giảng dạy của những giáo viên trên chuẩn hơn hẳn những thầy cô giáo chỉ đạt chuẩn. Điều này đã được chứng minh trong thực tế mà những ai đang đứng lớp chắc đều thấy.

Tại một trường trung học cơ sở nơi địa phương tôi công tác, học sinh từng rất thiết tha được học với giáo viên A. vì cô dạy rất dễ hiểu mặc dù cô chỉ có bằng cao đẳng.

Ngược lại, học sinh rần rần phải đối khi nhà trường phân công thầy B. đã có bằng thạc sĩ vào dạy vì theo các em kiến thức thầy rộng nhưng giảng bài học sinh không hiểu gì.

Trong giáo dục để dạy tốt không chỉ cần kiến thức mà cần cả kỹ năng, lòng nhiệt huyết của người thầy. Nếu cứ dạy xong bài, giáo viên bước ra khỏi lớp, học sinh hiểu bài hay không, hiểu ở mức độ nào cũng chẳng quan tâm nhiều thì thật là tai hại.

Nay, xếp loại giáo viên theo hạng sẽ dễ xảy ra tình trạng cùng đảm nhận công việc như nhau, cùng bằng cấp, chứng chỉ như nhau, cùng tham gia các hoạt động học tập như nhau nhưng giáo viên A. mỗi tháng nhận gần chục triệu đồng (do được xếp hạng I) mà giáo viên B. chỉ nhận được 5 triệu đồng (do xếp hạng III) thì liệu có tránh khỏi sự so sánh, phân bì dẫn đến bất mãn trong công việc?

Nào là: mình có nỗ lực đến thế nào, có dốc hết sức lực ra sao thì lương một tháng cũng thua họ gần nữa, vậy cố gắng làm gì cho mệt?

Nào là: mình chỉ hạng III thì làm đúng sức của hạng III, nhường phần cho người hạng II, hạng I họ làm vì lương họ cao hơn...

Cách phân hạng giáo viên theo chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT đang có vấn đề?

Nói là giáo viên các cấp được phân theo 3 hạng là phân hạng giáo viên theo vị trí việc làm thật sự có vấn đề.

Dù ở hạng nào, giáo viên chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là dạy học và giáo dục rèn luyện học sinh. Và, dù giáo viên hạng nào, các thầy cô cũng phải làm tốt những nhiệm vụ này.

Nếu nói giáo viên hạng I sẽ làm tốt hơn giáo viên hạng II, giáo viên hạng II làm tốt hơn giáo viên hạng III là nói trên lý thuyết của những người không hiểu về giáo dục.

Chúng tôi kiến nghị, cùng là giáo viên giảng dạy chỉ có một hạng duy nhất. Người kiêm nhiệm thêm công tác quản lý như tổ trưởng, tổ phó đã có phần trăm phụ cấp chức vụ, có miễn giảm số tiết dạy hàng tuần.

Còn việc phân hạng của các chùm thông tư hiện nay không khuyến khích được giáo viên nhiệt huyết với nghề mà sinh ra sự phân bì, sinh ra lòng đố kỵ. Như thế thì học sinh sẽ là người lãnh đủ và giáo dục sẽ đi về đâu?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết