Cùng lên giảng đường, nhưng thầy trò chẳng nhớ tên nhau...

11/01/2017 06:28
An Nguyên
(GDVN) - Giáo dục Đại học đang đầu tư cho người thầy quá ít; giảng viên thì lơ mơ, ngồi nhầm chỗ; cùng lên giảng đường nhưng thầy trò chẳng nhớ nổi tên nhau...

Đó là quan điểm của PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM phát biểu tại Hội nghị “giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học” do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức tại  Đà Nẵng mới đây.

Chấn hưng người thầy

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng chất lượng giáo dục Đại học của Việt Nam đang rất đáng báo động, phát triển chậm. Có nguy cơ tụt hậu so với thế giới và không mang tính dự báo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dành nhiều thời gian để đánh giá về thực trạng chất lượng đào tạo Đại học trong giai đoạn hiện tại.

Bộ trưởng cho rằng, cho đến nay về cơ bản chương trình đào tạo từ mầm non đến Trung học thì không có vấn đề gì mà chủ yếu có vấn đề ở cấp Đại học. Vì vậy, cần phải tập trung giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục Đại học.

GS.TS. Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đầu vào quá thấp cũng khiến cho chất lượng giáo dục đại học chậm phát triển. Ảnh: An Nguyên
GS.TS. Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đầu vào quá thấp cũng khiến cho chất lượng giáo dục đại học chậm phát triển. Ảnh: An Nguyên

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng, giáo dục Việt Nam thời gian qua phát triển rất chậm và có nguy cơ tụt hậu. Do đó, muốn vươn lên thì điều cốt yếu là chú trọng hơn nữa đến chất lượng người thầy.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

“Chấn hưng giáo dục đầu tiên là phải chấn hưng cho người thầy. Nhưng thực tế hiện nay tiền chúng ta bỏ ra đầu tư cho người thầy còn quá thấp. Chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề đào tạo nên những người thầy giỏi”.

Minh chứng cụ thể cho việc thiếu đầu tư đến chất lượng người thầy, ông Sen nói: “Cả chục năm nay mà cả nước ta cứ mãi ở con số 17% số lượng Tiến sĩ. Điều đó khiến tôi thấy rất buồn”.

Thầy không nhớ tên trò thì làm sao có chất lượng?

Trong vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục.

Nếu đội ngũ giảng dạy chất lượng thấp, tỷ lệ giáo viên/học sinh quá thấp thì không thể nào đảm bảo về chất lượng.

“Trong một lớp học nếu quá đông học sinh, thầy không nhớ nổi sinh viên thì không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục cao lên được.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề, phải tạo ra giảng viên giỏi, cơ hữu. Cố gắng thu hút từ bên ngoài chứ không phải là các trường thu hút giảng viên lẫn nhau” Bộ trưởng nhấn mạnh.

GS.TS. Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên phân tích thêm, chất lượng Đại học  đi xuống vì có sự mất cân đối, không cân xứng giữa số lượng đào tạo và năng lực đào tạo của các trường.

GS. Vui dẫn chứng: “Trước đây, trong trường có ngành chỉ chừng 20 sinh viên, nhưng nay có khi lên đến 70-80 sinh viên.

Ngay như ngành y dược rất “hot”, điểm đầu vào rất cao nhưng hiện cũng đào tạo hơi nhiều. Có lớp đi bệnh viện thực tập 50-60 em, bác sĩ cũng kêu không biết sắp xếp để các em làm gì?”.

Vẫn có hiện tượng giảng viên ngồi nhầm lớp

Theo ông Vui, chất lượng đầu vào quá thấp cũng khiến cho chất lượng giáo dục đại học chậm phát triển. Nhiều trường tuyển sinh quá lớn mà không rà soát chất lượng trước khi tuyển.

Hiệu trưởng nêu đích danh ba khuyết điểm đào tạo đại học của Bộ Giáo dục

Hiệu trưởng nêu đích danh ba khuyết điểm đào tạo đại học của Bộ Giáo dục

Hiệu trưởng một trường Đại học tại Hà Nội thì cho rằng, giáo dục đi xuống một phần rất lớn liên quan tới chất lượng giảng viên.

Một thực trạng “nóng” hiện nay là các trường đại học đang thiếu giảng viên có chất lượng một cách trầm trọng.

“Các cấp phổ thông có hiện tưởng học sinh ngồi nhầm lớp thì đại học cũng có. Nhiều sinh viên kém vẫn được tuyển vào học đại học. Và đặc biệt, hiện tượng giảng viên ngồi nhầm lớp ở các trường Đại học là có”.

Vị này thông tin thêm, “Nhiều trường lấy cử nhân dạy cử nhân, điều này là không thể chấp nhận được, điều đó chẳng khác nào lấy cơm chấm cơm”.

Trong đó, tỷ lệ cử nhân tham gia giảng dạy đại học lên đến 16%. Còn số lượng tiến sĩ ở các trường cũng thấp lẹt đẹt.

“Có giảng viên cùng lúc phải hướng dẫn cả chục thạc sĩ. Do thiếu nguồn nhân lực nên các giảng viên phải dạy quá nhiều, có người dạy trên 540 giờ/năm (gấp đôi quy định là 280 giờ/năm)” vị này nói tiếp.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm Hà Nội nhấn mạnh, hiện nay ở các trường Đại học, bản thân giảng viên ngồi nhầm lớp không phải là không có.

“Các trường phải chấn chỉnh ngay tình trạng này thì mới đảm bảo chất lượng giáo dục Đại học được” ông Minh nói. 

An Nguyên