Cục trưởng mách cách học chứng chỉ khỏi tốn tiền, thầy cô đâu hiểu nhầm văn bản

13/08/2021 07:53
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tránh hiểu nhầm, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chi tiết, dễ hiểu, đúng ngữ pháp, đúng chính tả, gắn với thực tế.

Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Về phần kinh phí học bồi dưỡng, 02 quyết định này quy định rõ ràng từ 3 nguồn:

Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; Do người học tự đóng góp.

Theo Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 27/3/2015, thì giáo viên không phải đóng kinh phí khi “tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới”.

Tuy nhiên, trong Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT có nêu “Do người học tự đóng góp”, có thể trở thành cái cớ để các đơn vị vận dụng, buộc giáo viên các đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử phải đóng kinh phí học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp.

(Ảnh minh hoạ: P.T)

(Ảnh minh hoạ: P.T)

Trao đổi với báo VietNamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm.

Về kinh phí, ông Vũ Minh Đức khẳng định: "Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí".[1]

Như vậy, nỗi lo lắng khi đi học “Chứng chỉ tích hợp” để dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý phải đóng kinh phí học bồi dưỡng của giáo viên đã được giải tỏa; đơn vị nào cử giáo viên đi bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị đó chi trả.

Trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí.

Để tiết kiệm cho bản thân, giáo viên không nghe đồn thổi, hay hù dọa, không có “Chứng chỉ tích hợp” sẽ bị tinh giản biên chế hay đuổi việc…, vội vàng tham gia học “Chứng chỉ tích hợp”, tiền mất vì vội vàng.

Giáo viên và dư luận không hiểu nhầm Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT đâu, thưa Cục trưởng!

Hai quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT ghi rõ: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.

Chúng tôi đọc hai quyết định này đều hiểu rằng: muốn dạy môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí, tối thiểu phải học Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý mà Bộ vừa ban hành.

Thế nhưng khi trả lời báo VietNamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm.

"Có thể gọi là chuẩn chung, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Những mô-đun này cho những người mới bắt đầu. Sau khi học xong các mô-đun này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới mà thôi", ông Đức nói.

Riêng với lớp 6 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có khóa tập huấn riêng về việc dạy học, thay đổi sách giáo khoa mới. Sau khi sách giáo khoa được nghiệm thu, các nhà xuất bản cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên.

"Có thể các giáo viên khối lớp 6 năm nay sẽ cập nhật chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS này sau. Chứ giờ vừa ban hành làm sao đủ 3 tháng mà chuẩn bị kịp cho năm học mới. Đây chỉ là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm, không phải ngay cho số giáo viên dạy lớp 6 năm học này", ông Đức nói.

Do đó, theo ông Đức, nhiều người đang hiểu nhầm.

Thực tế, trong nội dung 9 mô đun bồi dưỡng Chương trình mới của Bộ, giáo viên đơn môn nào thì bồi dưỡng theo môn đó, do giáo viên cốt cán đơn môn đó hướng dẫn.

Sau khi sách giáo khoa được nghiệm thu, các địa phương đã chọn sách, các nhà xuất bản cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên; nhưng cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên đơn môn.

Thực tế, từ trước đến nay chưa có bất kì nội dung bồi dưỡng, tập huấn của ngành giáo dục dành cho giáo viên dạy môn tích hợp, mà chỉ dành cho giáo viên đơn môn.

Muốn dư luận hiểu Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT theo ý ông Vũ Minh Đức diễn giải thì cần phải bỏ nội dung “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí” trong hai quyết định này.

Việc cho rằng người đọc hiểu nhầm, không phải lần đầu ở Bộ. Sau khi ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, đã nhận được phản ứng trái chiều của giáo viên, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nói: “Tôi rất mong các thầy giáo, cô giáo hiểu đúng tinh thần này và làm đúng”.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH nhằm điều chỉnh những bất cập đã được dư luận, giáo viên, phản ánh, do Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH gây ra trước đó.

Để tránh hiểu nhầm, các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chi tiết, dễ hiểu, đúng ngữ pháp, đúng chính tả, gắn với thực tế; có khả năng áp dụng vào cuộc sống, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/thuc-hu-thong-tin-giao-vien-phai-dong-tien-hoc-boi-duong-day-tich-hop-758262.html

-Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 27/3/2015

-Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH

-Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai