Cục Nhà giáo trả lời chế độ nhận tiền tăng giờ của giáo viên mùa Covid thế nào?

05/11/2020 06:32
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cục Nhà giáo đã khẳng định trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì Bộ Giáo dục đã ban hành công văn để điều chỉnh thời gian kết thúc năm học...

Liên quan đến việc nhiều giáo viên tại thành phố Phan Thiết nói riêng và tại tỉnh Bình Thuận nói chung không nhận được tiền dạy tăng tiết (dạy cho giáo viên hộ sản, giáo viên về hưu, giáo viên bị bệnh và kiêm nhiệm các chức danh do thiếu giáo viên) trong năm học 2019-2020, Cục Nhà giáo sau khi nhận được đơn kiến nghị đã có công văn trả lời chính thức.

Công văn của Cục Nhà giáo trả lời về chế độ chính sách nhà giáo (Ảnh: CTV)

Công văn của Cục Nhà giáo trả lời về chế độ chính sách nhà giáo (Ảnh: CTV)

Đại diện giáo viên gửi đơn trực tiếp lên Bộ Giáo dục

Ông N.B.K. giáo viên, kiêm Chủ tịch Công đoàn một trường tiểu học tại thành phố Phan Thiết đã viết đơn gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận và gần đây nhất là gửi trực tiếp về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung lá đơn mong muốn Bộ Giáo dục trả lời thật rõ ràng những thắc mắc về việc chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên.

Trong năm học 2019-2020 do dịch Covid nên toàn tỉnh giáo viên đã dạy 28 tuần. Một số trường thiếu giáo viên do những người này về hưu, nghỉ thai sản, ốm đau, đi công tác…nên nhiều giáo viên phải dạy vượt số giờ quy định của mình.

Nhưng hiện nay, giáo viên không được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Thiết trả tiền thừa giờ vì lý do đưa ra: năm học này, giáo viên chỉ dạy 28 tuần (644 tiết) nên không đảm bảo số tuần và số tiết tiêu chuẩn theo quy định của giáo viên tiểu học là 805 tiết/35 tuần.

Đơn kiến nghị đặt câu hỏi, giáo viên có được trả tiền dạy dư giờ trong năm học vừa qua hay không? Nếu có thì dựa vào văn bản nào?

Trả lời của Cục Nhà giáo

Sau khi nhận đơn kiến nghị của giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, ngày 26/10 Cục Nhà giáo đã có công văn phúc đáp (do Phó Cục trưởng Đặng Văn Bình ký) trả lời về chế độ chính sách cho nhà giáo như sau:

“Chế độ làm việc của giáo viên phổ thông thực hiện theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 09/07/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/06/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Theo đó, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covi-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 803/BGDĐT-GDTrH ngày 13/3/2020 về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2). Theo đó, thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020 giúp cho các trường chủ động sắp xếp thời gian giảng dạy phù hợp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục.

Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT- BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, nhà trường “chỉ thanh toán tiền dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Bộ đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học, giáo viên đã dạy hết chương trình nghĩa là đã dạy đủ tiêu chuẩn quy định

Công văn trả lời của Cục Nhà giáo đã khẳng định trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn để điều chỉnh thời gian kết thúc năm học khác với những năm học bình thường.

Và, giáo viên chúng tôi cũng đã hoàn thành chương trình dạy học theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục.

Vì thế, khi tính tiết tăng giờ của năm học 2019-2020, không thể lấy 35 tuần quy định của những năm học bình thường trừ đi số tuần thực học của học sinh trong năm học có dịch bệnh để khẳng định giáo viên dạy không đủ tiết theo quy định (cách mà tỉnh Bình Thuận và tỉnh An Giang đang áp dụng).

Dẫn đến việc nhiều giáo viên trong suốt 28 tuần qua đã dạy cho giáo viên về hưu, bị bệnh, nghỉ hộ sản, do nhà trường thiếu giáo viên…nhưng không được tính tiền dạy vượt định mức.

Sau khi có trả lời chính thức của Cục Nhà giáo về chế độ chính sách cho nhà giáo, giáo viên chúng tôi yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cần nghiên cứu lại công văn trả lời về chế độ chính sách cho giáo viên của Cục Nhà giáo, để có kế hoạch điều chỉnh hợp lý, trả lại quyền lợi chính đáng cho nhà giáo chúng tôi.

(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết