Cứ đà này nhiều đại học truyền thống sẽ trở thành các đại học mở

17/06/2021 06:23
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, dù tự chủ tuyển sinh nhưng các trường cân nhắc về tỷ lệ tuyển sinh bằng học bạ.

Đến thời điểm này, có rất nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông. Trong đó, từ trường tư đến các trường công lớn đều dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này.

Bổ sung thêm hình thức học bạ hay tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng hình thức này sẽ tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, việc xét tuyển bằng hình thức này vẫn còn nhiều băn khoăn bởi chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ, cách xét tuyển như vậy có thể tạo ra sự mất công bằng.

Xét học bạ đang dần trở thành 1 xu thế phổ biến, đặc biệt trong mùa tuyển sinh năm 2021 có nhiều biến đổi. Tiện lợi cho cả học sinh và các trường nhưng kéo theo đó cũng là nhiều nguy cơ khi chất lượng học bạ ở nhiều nơi chưa được thực chất.

Không chỉ chuyên gia lo ngại mà năm 2020 chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao.

Trước thực tế nhiều trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển học bạ thậm chí đó còn là các trường top đầu, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, hiện nay quy chế đã cởi mở về mặt tự chủ cho các trường sử dụng các hình thức khác nhau để tuyển sinh trong đó có học bạ, điều này nằm trong xu hướng nâng cao tự chủ cho các trường đại học.

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh:NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hiệp- Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia (ảnh:NVCC)

"Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại tôi đồng ý với nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, riêng với hình thức xét tuyển học bạ thì cần thận trọng trước khi các trường đi vào tự chủ hoàn toàn để đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh cũng như đạt được hiệu quả cao nhất trong việc chọn lọc học sinh phù hợp với ngành nghề, tránh bỏ sót những “hạt giống” thật sự thích hợp", Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nêu quan điểm.

Tiến sĩ Phạm Hiệp nhận thấy, các trường trên thế giới rất đa dạng hình thức tuyển sinh cũng có nhiều nơi dựa vào cả điểm học bạ lẫn điểm thi như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chúng ta, một số nước thì tuyển sinh đại học là kỳ thi riêng hoặc một số trường đặc biệt trường top đầu sẽ có kỳ tuyển sinh riêng phù hợp với nhu cầu của họ.

“Họ sử dụng học bạ để tuyển sinh vì họ đã đảm bảo được việc có khả năng so sánh về điểm giữa trường này với trường kia, địa phương này với địa phương khác, trong khi ở Việt Nam thì bảng điểm chưa có gì đảm bảo tính tương thích điểm số giữa trường này trường kia, tỉnh này tỉnh khác.

Chúng ta tạm không nhắc tới chuyện mua điểm, nâng điểm, sửa điểm thì ngay cả khi mọi thứ làm nghiêm túc thì điểm 10 trường A khác điểm 10 trường B và điểm 5 tỉnh A khác điểm 5 tỉnh B vì không cùng hệ thống đánh giá. Cho nên chúng ta chưa đủ điều kiện để áp dụng đại trà tuyển sinh bằng học bạ”, tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh.

Nhìn từ thực tế nhiều trường đại học top đầu cũng đưa ra hình thức xét tuyển học bạ, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, cứ đà này nhiều trường đại học truyền thống sẽ trở thành các đại học mở vì đáng ra những trường top đầu, có sứ mệnh tinh hoa, nghiên cứu, đầu tàu thì khâu tuyển sinh phải được siết chặt còn những trường định hướng đào tạo, giảng dạy, việc làm thì có thể cởi mở hơn trong tuyển sinh tuy nhiên cơ chế thao khoán trong tuyển sinh như hiện nay sẽ khiến các trường top dưới nhất là các trường tư thục mới thành lập sẽ bất lợi, thậm chí chết yểu.

Chính điều này tạo ra bức tranh tuyển sinh mất cân bằng và thể hiện không có kiểm soát nhà nước trong phân luồng.

Vị này minh chứng, nếu khi chúng ta tuyển sinh đại học theo phương thức thi “3 chung” thì những trường top cao sẽ có điểm cao, trường top dưới sẽ có điểm trung bình thể hiện sự phân luồng rất rõ, còn hiện nay xu hướng tự chủ, nhà nước không can thiệp, để các trường tự làm nên vai trò điều tiết của nhà nước bị mất đi ở góc độ này.

Do đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, dù tự chủ tuyển sinh nhưng các trường cân nhắc về tỷ lệ tuyển sinh bằng học bạ. Phải có sự đối sánh, hay giải pháp đi kèm khi xét học bạ để đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các trường, giữa các thí sinh.

Thùy Linh