Cử cán bộ học Tiến sĩ nước ngoài cần chọn ngành có "đất sống" trong tương lai

09/06/2021 08:51
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi cử người đi học cần cân nhắc đến những bộ môn buộc phải nâng cao trình độ theo định hướng. Đặc biệt là theo các ngành nghề thu hút sinh viên trong tương lai.

Liên quan đến việc thực hiện “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”, hay còn gọi là Đề án 89 thì ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn hướng dẫn, yêu cầu các trường muốn tham gia đào tạo đăng kí trước ngày 20/5, gửi danh sách ứng viên trước ngày 15/6 và Bộ sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trước ngày 30/6/2021.

Hiện tại, Đề án này vẫn đang thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu ngành nghề mà các trường chọn cán bộ đi đào tạo liệu có còn phù hợp sau thời gian những giảng viên này đi học. Các trường nên cân nhắc điều gì để việc triển khai Đề án này sẽ có được lộ trình phù hợp tình hình thực tiễn phát triển đất nước ta.

Và hơn hết, nhiều người quan tâm đến chuyện các Tiến sĩ sau khi dùng tiền ngân sách để đi học xong nhưng không quay trở về nước để tiếp tục cống hiến sẽ được các trường xử lý như thế nào, cần có chế tài nào mạnh hơn trước đây để cải thiện tình hình hay không.

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng: “Những dự án liên quan đến việc cử giảng viên ra nước ngoài để học lên trình độ Tiến sĩ hoặc cao hơn thì trước đây chúng ta đã từng áp dụng rồi, chứ không phải đến thời điểm này chúng ta mới đưa vào thực hiện.

Tuy nhiên, chính vì những thiếu sót không đáng có đã xảy ra từ những Đề án trước trong quá trình triển khai nên tâm lý e ngại, hoài nghi trong lần thực hiện này là không tránh khỏi.

Thầy Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: Trung Dũng

Thầy Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ. Ảnh: Trung Dũng

Nhất là việc nhiều cán bộ được cử đi, tiêu tốn rất nhiều tiền của ngân sách của nhà nước nhưng không trở về đúng thời hạn. Việc này không chỉ gây mất lòng tin trong nhân dân với việc cử cán bộ đi học nước ngoài, mà trong việc này còn khiến nhiều trường còn lâm vào cảnh khốn đốn vì thiếu giáo viên trình độ cao để phục vụ cho nhu cầu thực tiễn giảng dạy.

Bên cạnh đó, từ trước đến nay nhiều người đi học chỉ cũng chỉ mong có được cái mác là tốt nghiệp các trường ở nước ngoài, sẽ có nhiều thuận lợi trong sự nghiệp khi họ quay trở về nước làm việc.

Khi mang nặng tư tưởng cố hữu này đi học, thường thì các cán bộ cử đi họ sẽ không đặt việc học tập, đúc rút kiến thức cho bản thân lên đầu tiên. Thậm chí, nhiều người còn lấy cơ hội được đi học để kết hợp với việc buôn bán, kinh doanh. Khi gốc kiến thức của họ lĩnh hội đã bị rỗng thì dù có tốt nghiệp được ở các trường danh tiếng ở nước ngoài, khi về nước giảng dạy họ cũng chỉ giống như những chiếc máy nói”.

Nêu quan điểm về việc làm thế nào để hạn chế được các giáo viên bị sức hút của tiền bạc, danh vọng mà không quay trở về khi hoàn thành khoá học, thầy Đậu Xuân Thoan bày tỏ: “Đầu tiên đó là khâu chọn người, làm sao phải đảm bảo được sự minh bạch và đúng thực chất.

Vấn đề nữa là yêu cầu các trường cần tính toán kỹ trong việc giải ngân, giải ngân như thế nào, chọn trường cho các giảng viên này đi học ở đâu cho hợp lý.

Đồng thời, khi cử người đi học cũng cần được các trường cân nhắc đến việc làm sao chọn đúng được các bộ môn cần nâng cao trình độ theo định hướng. Đặc biệt là theo các ngành nghề có chiến lược và thu hút nhiều sinh viên trong tương lai.

Chẳng hạn, ngày trước chúng ta cũng đã có một thời điểm cho các giảng viên ra nước ngoài học bộ môn: Cơ khí tự động hoá, chế tạo máy. Thế nhưng, khi học xong trở về nước họ lại không có điều kiện để áp dụng. Vì thời điểm ấy đất nước còn nghèo, đâu có nhiều máy móc thiết bị hiện đại để thực hành. Như vậy, nó không chỉ lãng phí nguồn ngân sách để cho một cán bộ đi học, mà các ngành nghề đó nếu được đào tạo ra thì sinh viên thế hệ đó cũng chật vật khi đi xin việc”.

Đó là chưa kể đến việc nhiều trường còn cử đi đào tạo những ngành nghề mang tính lạc hậu. Sau 3 – 5 năm đi học nước ngoài về, các ngành nghề ấy gần như khai tử hoặc thị trường không thiết yếu nữa nên không có sinh viên theo học. Việc này khiến cho không ít giảng viên sau khi về nước công tác thấy chán nản, thậm chí là chuyển ngành khác trái sở trường, cho dù họ từng rất tâm huyết và chăm chú học tập, rèn luyện ở nước ngoài.

Cũng có một giải pháp nữa mà các cơ quan quản lý nên lưu tâm đó là việc đánh giá, xét duyệt các cán bộ được cử đi cần thông qua các đợt sát hạch, thi tuyển một cách công khai và độc lập. Có được sự công khai minh bạch với danh sách những người trong kế hoạch được cử đi để tất cả mọi người được lựa chọn theo số đông thì bao giờ cũng là cách đảm bảo dân chủ và chọn đúng đối tượng.

Việc này cứ đưa thành chỉ tiêu, công khai tỉ lệ chọi như các cuộc thi thông thường của học sinh, sinh viên thì chắc chắn những người tham gia tuyển chọn cũng sẽ có ý thức và tinh thần hơn”.

Phóng viên cũng đặt ra câu hỏi về việc, không chỉ những người ở lại nước ngoài không về mà cũng đã từng có tình trạnh nhiều cán bộ trở về nhưng không cống hiến với trường đã cử mình đi mà chạy sang trường khác trong nước để làm việc với mức lương cao hơn.

Đó có phải là do các chế tài và mức xử phạt của các trường trong nước không đủ mạnh để “giữ chân” những giảng viên này ngay cả trong nước hay không. Việc này được thầy Đậu Xuân Thoan nhận định: “Theo tôi, chính các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Giáo dục cũng nên đặt ra tiêu chí cụ thể và chế tài với những cá nhân được cử đi học. Đó là, khi đi học về thì cần phải tiếp tục phụng sự, cống hiến với trường trong thời gian là bao nhiêu năm.

Nếu không thực hiện thì bồi thường lại bằng mức kinh phí như thế nào, ai là người đứng ra thực hiện các chế tài đó và nguồn kinh phí sau khi thu về thì được nộp vào đâu. Có như vậy thì mới không gây sự thắc mắc trong dư luận khi Đề án này đi vào triển khai.

Ngoài áp dụng chế tài mạnh và cứng rắn hơn thì cần công khai danh sách cán bộ đã hoàn thành khoá học trở về, cùng với quá trình học tập của người đó có tốt hay không cho các trường khác trong nước biết. Việc này cũng là cách để các trường không bị “loá mắt” bởi mác Tiến sĩ nước ngoài để tuyển lựa những giảng viên không đủ tâm, đủ tầm giảng dạy.

Vì với tâm lý hám lợi thì trước hay sau người đó cũng tìm cách để trốn chạy và tìm những chỗ khác “ngon lành” hơn. Thậm chí, các trường có thể mạnh tay trong việc không ký giấy chuyển trường với những giảng viên chưa hoàn thành đầy đủ cam kết.

Chung quy lại, trong sự việc này thì ý thức của những cán bộ được cử đi học vẫn là điều quyết định mọi việc. Bởi khi họ đã nhận thức được việc mình đi học bằng ngân sách của nhà nước, đó chính là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, trong đó có của chính những người thân họ đóng góp nữa thì họ mới có tinh thần và động lực học tập và cống hiến”.

Trung Dũng