Covid-19 phức tạp, Bộ Giáo dục nên sớm giảm tải chương trình, hướng dẫn quy đổi

10/02/2021 06:09
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm công bố giảm tải chương trình cho học sinh các cấp, đặc biệt là lớp 9 và lớp 12 để thầy trò chủ động trong việc dạy học online.

Ngày 8/2/2021, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, dịch Covid-19 đã lan ra 12 tỉnh thành trên cả nước (Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh, Điện Biên, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Giang).

Cùng với đó, số lượng người nhiễm Covid-19 cũng tăng lên từng ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo thời gian giãn cách xã hội của một số địa phương sẽ dài ra, khiến học sinh quay trở lại trường sau Tết Nguyên đán Tân Sửu khó đúng tiến độ như dự kiến (16/2/2021).

Thực hiện phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, một số địa phương trên cả nước đã triển khai cho học sinh học online từ ngày 28/1/2021 (Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh…) và chắc chắn phương án dạy học này sẽ được duy trì từ sau Tết Nguyên đán.

Dạy học online sẽ là hình thức dạy học hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh minh hoạ: NHG)

Dạy học online sẽ là hình thức dạy học hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh minh hoạ: NHG)

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên trong quá trình dạy học online, tôi xin có mấy đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục nên sớm công bố giảm tải chương trình cho học sinh các cấp, đặc biệt là học sinh cuối cấp có tham dự các kì thi như lớp 9 – thi tuyển sinh 9 lên 10, lớp 12 thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Việc giảm tải chương trình học các cấp học chỉ cần thực hiện theo công văn số 1125/BGDĐT-GDTH ban hành ngày 31/3/2020 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kì II năm học 2019-2020 là ổn.

Thứ hai, năm học 2019-2020 (tháng 3) có khoảng 15 tỉnh thành dạy học trên truyền hình, tuy nhiên chất lượng bài giảng của giáo viên giữa các địa phương cũng rất khác nhau, khiến học sinh mất khá nhiều thời gian để chọn lựa.

Sau đó, khoảng trung tuần tháng 4/2020, Bộ Giáo dục đã chính thức tuyển chọn các bài giảng của thầy cô giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế vào chương trình phát sóng dạy học chung cho toàn quốc trên sóng truyền hình quốc gia VTV7 mỗi ngày.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nên lựa chọn thêm các bài giảng tốt nhất trên truyền hình năm 2020 (chỉ cần lớp 9 và lớp 12) nhằm giúp giáo viên, học sinh có những kênh tài liệu tham khảo tốt, phong phú bên cạnh việc dạy học online.

Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo của từng địa phương nên thống nhất một vài phần mềm dạy học trực tuyến sao cho thiết thực, dễ thực hiện, hiệu quả và các cấp quản lí có thể giám sát được việc dạy học của thầy và trò là thực chất.

Năm học 2019-2020, đa số giáo viên đều chọn dạy học online qua phần mềm Zoom nhưng cũng gặp không ít phiền toái, đó là do nhiều người sử dụng trong một thời gian nhất định nên đã xảy ra hiện tượng không đăng nhập vào học được, hoặc đang học bị thoát ra hoặc bị gián đoạn, chất lượng hình ảnh âm thanh rất kém.

Mỗi lần học bị giới hạn 40 phút, việc ổn định vào học mất 5-10 phút, trong thời gian học lại bị gián đoạn thì thời gian thực dạy học không được nhiều để truyền tải kiến thức.

Bên cạnh đó, khi sử dụng phần mềm Zoom, hacker có thể chiếm đoạt tài khoản và thông tin cá nhân nếu người dung không chú ý bảo mật. Ngoài ra, việc đánh giá kiểm tra chất lượng dạy và học trực tuyến cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, rất khó triển khai thực hiện công bằng, minh bạch, khách quan.

Đây là một số hạn chế thường gặp khi dạy học qua Zoom, thầy cô và các cấp quản lí cần quan tâm để tìm cách khắc phục hoặc có thể lựa chọn một phần mềm khác cho phù hợp hơn.

Thứ tư, Bộ Giáo dục cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng cách quy đổi tiết học của giáo viên dạy online, bởi thực tế năm học 2019-2020 mỗi tỉnh thành làm một kiểu dẫn đến nhiều giáo viên bị thiệt thòi khi dạy học trực tuyến.

Văn bản hướng dẫn quy đổi tiết dạy học online năm 2019-2020 của Bộ Giáo dục có một số nội dung đáng chú ý như sau:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục Đào tạo lưu ý hiệu trưởng các trường phải trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi).

Việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở), hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đối với cấp trung học phổ thông”.

Một giáo viên dạy bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2019-2020, cô dạy online nếu quy đổi thì sẽ dư khoảng 100 tiết/học kì, nhưng cô không được nhận phụ trội đồng nào vì hiệu trưởng không kí văn bản xác định số số tiết thực dạy, còn Phòng Giáo dục thì yêu cầu… minh chứng.

“Tôi chỉ dạy theo thời khóa biểu online được nhà trường phân công và cũng không ghi lại hình ảnh, video nên đã qua kì 2 của năm học 2020-2021 nhưng tôi vẫn không nhận được tiền thừa giờ một đồng nào”, cô giáo buồn bã cho biết.

Nỗi buồn của cô giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nỗi buồn chung của nhiều giáo viên trên cả nước khi dạy học online thừa giờ nhưng không được nhận thêm thù lao, (tôi nghĩ) một phần cũng do văn bản của Bộ Giáo dục thiếu hướng dẫn chi tiết.

Cá nhân tôi cho rằng, nên tính số tiết cho giáo viên chủ nhiệm (dạy online) gấp rưỡi so với thời gian làm việc trên lớp – 6 tiết/tuần, còn giáo viên bộ môn dạy 1 tiết online tính bằng 3 tiết dạy trên lớp (2 tiết chuẩn bị bài giảng).

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm công bố giảm tải chương trình cho học sinh các cấp để thầy trò chủ động trong việc dạy học online trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/lich-day-hoc-tren-truyen-hinh-khi-nghi-phong-dich-covid-19-624337.html

[2] //www.sggp.org.vn/bo-gddt-chon-cac-bai-giang-cua-hue-day-hoc-cho-hoc-sinh-ca-nuoc-657674.html

[3] //dantri.com.vn/doi-song/uu-diem-va-han-che-trong-day-hoc-online-20200409003434063.htm

[4] //thanhnien.vn/giao-duc/bo-gd-dt-huong-dan-quy-doi-tiet-hoc-cua-giao-vien-day-truc-tuyen-1214758.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên