Công văn 5512 trở thành vật cản đầu tiên khi thực hiện chương trình mới

01/07/2021 06:32
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phương pháp, kiến thức bài học đã hình thành trong quá trình đứng lớp của người thầy chứ không phải là những câu chữ được chắp vá, “cóp” chỗ này "dán" chỗ kia.

Câu chuyện về các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ không được dừng lại sau rất nhiều ý kiến của đội ngũ giáo viên phổ thông trên cả nước đã lên tiếng, phản biện trong suốt một thời gian dài.

Bộ vẫn chủ trương thực hiện Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đối với lớp 6 trong năm học tới- năm đầu tiên cấp học này thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH ra đời nhằm mục đích giới hạn lại thời điểm, khối lớp thực hiện Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH theo lộ trình mà thôi.

Đây quả là một điều đáng tiếc bởi tiếng nói của giáo viên- những người đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường và sẽ thực hiện chương trình mới trong những năm tới đây chưa được lãnh đạo Bộ lắng nghe một cách thấu đáo.

Các kế hoạch theo Công văn 5512 sẽ tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên. Ảnh minh họa chụp màn hình từ phóng sự của VTV.vn.

Các kế hoạch theo Công văn 5512 sẽ tạo ra nhiều áp lực cho giáo viên.

Ảnh minh họa chụp màn hình từ phóng sự của VTV.vn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 và lớp 10 từ năm học 2022-2023. Người xưa từng dạy, “vạn sự khởi đầu nan” và có lẽ giáo viên cũng quá tường tận câu nói này.

Nhưng, sự khởi đầu nếu khó mà nó sẽ đem lại hiệu quả giảng dạy tốt, có ích cho ngành thì giáo viên không từ nan công việc gì.

Đằng này, nếu thực hiện đầy đủ các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH không hẳn là khó mà là sự máy móc, áp đặt cho giáo viên và làm lãng phí thời gian, tiền bạc in ấn hàng năm.

Một vài ý kiến cho rằng khi thực hiện chương trình mới thì giáo viên phải hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho giáo viên nên mọi kế hoạch phải cụ thể hóa từng đề mục, từng mục tiêu, từng hoạt động giáo dục.

Thế nhưng, lâu nay giáo viên đang dạy cho học sinh phát triển phẩm chất năng lực đấy chứ? Gần chục năm nay, giáo viên đã quá quen với cụm từ này, trong tất cả các kế hoạch từ tổ chuyên môn lên đến kế hoạch của Bộ có vô vàn kết hoạch đề cập đến cụm từ phát triển phẩm chất, năng lực.

Nếu lục lại hệ thống văn bản của Bộ cũng thấy rất rõ điều này. Chẳng hạn như ngày 03/10/2017 thì Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đã ký Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Như vậy, việc dạy học sinh theo phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh có gì là mới đâu?

Các kế hoạch của nhà trường, tổ chuyên môn, kế hoạch cá nhân, giáo án của giáo viên lâu nay cái nào chẳng có mục tiêu, phương pháp, các bước thực hiện. Đặc biệt là giáo án luôn đầy đủ các mục từ mục tiêu, phương pháp, thiết bị dạy học, các hoạt động dạy học cụ thể, rõ ràng….

Vậy, cớ gì bây giờ lại phải “đập đi làm mới” hoàn toàn bằng hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH?

Vì thế, việc Bộ ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn việc dạy và học ở lớp 6 trong năm học tới và sử dụng một cụm từ cũng rất lấp lửng, đó là: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo…” càng khiến cho các trường khó chỉ đạo và thực hiện.

Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn như sau:

Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512);

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".

Như vậy, nhìn ở trên thì chúng ta thấy: “Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH” nhưng sang câu sau thì hướng dẫn: “Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo ...”.

Điều này cũng có nghĩa là nhà trường đều phải làm 4 kế hoạch giáo dục như hướng dẫn của Công văn 5512 còn 4 phụ lục hướng dẫn 4 kế hoạch thì được dùng tham khảo. Hướng dẫn như vậy thì cũng bằng…không.

Nói thật, đây không phải là điều giáo viên mong đợi về hướng dẫn thực hiện các kế hoạch theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Cái mà giáo viên cần là Bộ bỏ hẳn Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH hoặc bằng không thì việc thực hiện các kế hoạch giáo dục có cần thiết ở phải lặp đi, lặp lại mục tiêu và “nêu cụ thể” từng đề mục vào trong các kế hoạch của mình hay không mà thôi?

Bởi, năm học tới thực hiện Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ở lớp 6 thì giáo viên không kiêm nhiệm chỉ dạy lớp 6 phải thực hiện 2 kế hoạch nhưng tổ trưởng chuyên môn vẫn phải thực hiện cả 4 kế hoạch đầy đủ.

Bởi, mục II: Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH có tới 4 mục nhỏ, hướng dẫn thực hiện 4 kế hoạch, đó là: 1. Kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình); 2. Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; 3. Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án); 4. Kế hoạch kiểm tra, đánh giá định kì.

Trong khi, 4 kế hoạch này có rất nhiều đề mục, từ ngữ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần rất mất thời gian và tốn kém giấy mực in ra.

Chẳng hạn như Kế hoạch bài dạy (giáo án) thì hoạt động nào cũng được yêu cầu có: mục tiêu; nội dung; sản phẩm; tổ chức thực hiện.

Nên nhớ, việc lên lớp của giáo viên không phải lớp nào, trường nào cũng giống nhau nên sản phẩm không phải lúc nào cũng giống nhau nên những “kịch bản” chỉ cần dừng lại ở phần đề cương hơn là phải đi vào kịch bản chi tiết.

Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tới đây còn rất nhiều việc mà Bộ phải định hướng cụ thể, rõ ràng và chung tay gỡ rối cùng giáo viên như chuyện 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở khi phân công giảng dạy, thực hiện thời khóa biểu, chia tỉ lệ trong đề kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để họ đảm nhận cả môn học.

Đặc biệt, Bộ cần gỡ rối cho giáo viên thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH, nếu không- đây sẽ là vật cản đầu tiên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Chúng tôi luôn hiểu rằng muốn có tiết dạy, bài dạy thành công thì việc chuẩn bị giáo án tốt sẽ giúp cho giờ dạy trên lớp hiệu quả nhưng không phải là phải dốc toàn thời gian để đầu tư cho giáo án.

Dù cho giáo án chi tiết, đầy đủ các đề mục như hướng dẫn của của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH và làm hài lòng người kiểm tra nhưng khi giáo viên giảng dạy trên lớp không tốt thì xem như chẳng có tác dụng gì.

Ngược lại, giáo án chỉ cần những ý trọng tâm nhưng lên lớp người thầy không cần nhìn đến giáo án, có những phương pháp giảng dạy hay, có những câu hỏi gợi mở cho học trò và giúp cho các em hiểu bài mới là thành công của tiết dạy.

Suy cho cùng, phương pháp giảng dạy, kiến thức bài học đã hình thành trong quá trình đứng lớp của người thầy chứ không phải là những câu chữ vụng về được chắp vá, “cóp” chỗ này, “dán” chỗ kia làm mất thời gian mà không phát huy được hiệu quả công việc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH