Công đoàn nhà trường, bao giờ mới hết “bóng mờ”

07/06/2020 07:48
THẠCH HOÀI SƠN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch công đoàn nhà trường ở đâu? Sao cứ để cho đoàn viên của mình phải tự “chống chọi” mọi sự bất công?

Trong nhà trường, có nhiều tổ chức đoàn thể, xã hội được cơ cấu nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó có công đoàn nhà trường là một tổ chức lớn.

Công đoàn nhà trường có ngành dọc là Công đoàn ngành giáo dục (cấp Sở). Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên đều là công đoàn viên. Hàng tháng đều đóng công đoàn phí theo tỷ lệ hệ số lương.

Đầu năm học, nhà trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức; bầu ra ban chấp hành công đoàn cơ sở (gồm một chủ tịch và các ủy viên).

Quan trọng nhất là bầu ra Ban thanh tra nhân dân để hỗ trợ mọi hoạt động của nhà trường về thanh tra, kiểm tra…

Nghe ra thì bài bản, lớp lang như vậy nhưng hoạt động của công đoàn nhà trường ít khi thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc đấu tranh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công đoàn viên.

Các vụ việc được nêu trên mặt báo về quyền lợi của giáo viên bị xâm phạm nhưng thật buồn là vắng tiếng nói bênh vực, chia sẻ của công đoàn nhà trường, công đoàn ngành!

Chủ tịch công đoàn nhà trường ở đâu? Ban thanh tra nhân dân ở đâu? Công đoàn ngành cấp trên ở đâu? Sao cứ để cho đoàn viên của mình phải tự “chống chọi” mọi sự bất công?

Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN

Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN

Tệ hại hơn là có khi công đoàn lại “hùa” theo hiệu trưởng, trù dập người dám đấu tranh! Như thế công đoàn cơ sở đại diện cho ai và bảo vệ cho ai?

Hiệu trưởng hay các thành viên của ban giám hiệu cũng là công đoàn viên nhưng được giao những nhiệm vụ quản lý.

Do vậy, chủ tịch công đoàn nhà trường có thể chất vấn trực tiếp hiệu trưởng về những quyền lợi hợp pháp của giáo viên mà chưa được hưởng.

Phân công trực ngày lễ, ngày Tết nhưng nhà trường không trả thù lao là trách nhiệm của hiệu trưởng thiếu kiểm tra, đôn đốc bộ phận chức năng (kế toán, thủ quỹ) thực hiện.

Hoặc phải công khai thu chi hàng tháng, hàng quý, hàng năm; dán công khai trên bảng tin của trường cho mọi người biết và nhà trường phải trả lời những thắc mắc, những điểm chưa rõ…

Do việc bầu bán ở nhà trường còn lệ thuộc nhiều vào hiệu trưởng nên chủ tịch công đoàn nhà trường hầu như do sự chỉ đạo, sắp xếp “người thân” của hiệu trưởng!

Những vị “chủ tịch” này chỉ biết “dạ vâng” cho vừa lòng lãnh đạo chứ không mảy may có ý kiến độc lập, ý kiến đấu tranh vì lợi ích tập thể.

Có những hiệu trưởng độc đoán, gia trưởng; thậm chí xúc phạm, đôi co “mày tao” với nhân viên hoặc chửi giáo viên nhưng “chủ tịch công đoàn” không hề hay biết!

Và nếu có biết cũng đành giả câm giả điếc cho yên chuyện, khỏi “dây dưa” tới mình là được!

Điều đó cũng dễ hiểu là nhiều hiệu trưởng thâm lạm công quỹ, chi xài vô nguyên tắc bị kỷ luật cũng vì công đoàn nhà trường (ở đây đại diện là chủ tịch công đoàn) không mạnh dạn, thẳng thắn góp ý ngay từ đầu!

Đến khi tay hiệu trưởng đã “nhúng chàm”, bị điều chuyển hoặc bị thôi việc thì đã xong rồi, còn đâu và “góp ý” với “phê bình”!

Bao giờ công đoàn nhà trường mới hết là cái “bóng mờ” của hiệu trưởng?

THẠCH HOÀI SƠN