Công dân toàn cầu mà không biết yêu thương gia đình thì có giá trị gì?

06/05/2019 06:35
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Một công dân toàn cầu nói tiếng Anh lưu loát, đi khắp nơi trên thế giới mà lại không biết yêu thương bố mẹ thì thật đáng buồn!”, thầy Nguyễn Quốc Bình nói.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi có con đi du học ở Mỹ, Úc…nhưng mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, chúng đều không hề có ý định muốn về nhà.

Dù bố mẹ gửi thêm tiền mua vé máy bay cho. Chúng cũng chẳng thèm gọi điện hỏi thăm nếu như bố mẹ không chủ động liên lạc”.

Đó là nỗi lo lắng của chị Nguyễn Thị Hường – một phụ huynh đang có con chuẩn bị vào cấp 2 khi nghe nhiều đồng nghiệp chia sẻ tình cảnh gia đình họ khi cho con học trường tốt để đi du học.

Chị Hường tâm sự, có lẽ tính chất công việc của chị và nhiều đồng nghiệp phần lớn thời gian cặm cụi ở bệnh viện. Thời gian họ dành cho bệnh nhân nhiều hơn cho con cái.

Để tránh đi vào vết xe đổ của nhiều đồng nghiệp, chị Hường rất kỹ lưỡng khi chọn trường học cho cậu con trai chuẩn bị chuyển cấp để nếu tương lai con đi du học sẽ không "quên" bố mẹ.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm
Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm

“Con tự tin khi giao tiếp bằng Anh, được trang bị kiến thức phổ thông, có kỹ năng sống tốt là điều phụ huynh nào cũng quan tâm khi chọn trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khoảng cách bố mẹ và con cái đang xa dần, vì thế tôi muốn chọn trường học không chỉ trao con chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới mà còn giúp các con nhớ chúng cũng có một gia đình, có bố mẹ, ông bà luôn yêu thương chúng”, chị Hường nhấn mạnh.

Ngôi trường mà chị Hường muốn con mình vào học trong những năm tới là trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lê Quý Đôn.

Tôi tin những tâm tư trên không phải của mình chị Hường mà còn của rất nhiều phụ huynh khác. Chính điều đó đã khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu ngôi trường mà chị Hường chọn có điều gì khiến một bác sĩ đa khoa khó tính như chị "chấm" cho con.

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (đặt tại khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội) cho biết “Chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép vào các môn học, các hoạt động của trường để dạy đạo đức, tình cảm, ứng xử với gia đình, cha mẹ, anh em, họ hàng ra sao cho trẻ. Quan hệ ứng xử với người ngoài xã hội như thế nào, chúng tôi đều cố gắng dạy các con từ những thứ nhỏ nhất.

Tất nhiên nó không thể thiếu nội quy của nhà trường, nơi các em sẽ đến học tập, gắn bó nhiều năm tiếp theo.

Trong những ngày học đầu tiên, chúng tôi dành thời gian dạy những điều đó cho các con. Sau đó mới bước vào thực hiện vào kế hoạch giảng dạy.

Trước hết, các em phải học làm người, để biết sống lương thiện, sống tử tế, biết yêu thương, trách nhiệm với bản thân, gia đình”.

Chia sẻ về mục tiêu giáo dục học sinh của nhà trường là hướng tới tới công dân toàn cầu, thầy Bình cho biết, nhà trường tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau.

Trước hết nhà trường đặt ra mô hình trường chất lượng cao tăng cường tiếng Anh. Thời lượng tiết học tiếng Anh, số tiết với giáo viên người nước ngoài nhiều lên giúp cho các em có kỹ năng, tăng khả năng giao tiếp tiếng Anh của trẻ.

Học sinh Lê Quý Đôn trong phần thi hóa trang tại sự kiện Ngày hội Tiếng Anh năm 2019 với chủ đề “Giao thoa văn hóa”. Ảnh: Đỗ Thơm
Học sinh Lê Quý Đôn trong phần thi hóa trang tại sự kiện Ngày hội Tiếng Anh năm 2019 với chủ đề “Giao thoa văn hóa”. Ảnh: Đỗ Thơm

“Từ trước đến nay, chúng ta đang đào tạo quá nặng về ngữ pháp. Các em ra trường dù có đạt trình độ nào đó nhưng kỹ năng giao tiếp thường hạn chế.

Cùng với đó, trường trang bị cho các em kiến thức về tin học để làm công cụ cho học tập.

Quan điểm của cá nhân tôi là để trở thành một công dân toàn cầu ngoài ngoại ngữ, kiến thức, tin học, các kỹ năng sống, các em phải có giá trị về nhân cách của công dân toàn cầu. Đó là biết chia sẻ, yêu thương, hợp tác, có trách nhiệm”, thầy Bình nói.

Nhà trường đặt ra các mục tiêu đó để làm kim chỉ nam cho việc giáo dục các con.

“Một công dân toàn cầu nói tiếng Anh lưu loát, đi khắp nơi trên thế giới mà lại không biết yêu thương bố mẹ, gia đình, bản thân thì thật đáng buồn!

Vì vậy, chúng tôi mong muốn trang bị cho các em những giá trị cốt yếu của con người. Những điều đó các em phải được dạy, được biết.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải tính toán để sắp xếp hợp lý, tích hợp trong nhiều hoạt động khác nhau chứ không thể thành công chỉ trong ngày trải nghiệm hay tiết kỹ năng sống. Nó là mục tiêu xuyên suốt của nhà trường”, thầy Bình khẳng định.

Thầy Bình nhấn mạnh, quan điểm giáo dục của nhà trường là những gì học sinh làm được thì phải để học sinh làm.

Ví dụ như hoạt động trải nghiệm một ngày làm học sinh lớp 6 của học sinh lớp 5 tại trường, các anh chị đang là học sinh lớp 6 sẽ làm.

Các em học sinh lớp 6 sẽ đón, hướng dẫn các em lớp 5 và cùng các thầy cô tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho các em lớp dưới.

Nhà trường muốn các em vừa được làm, được vận dụng kiến thức, thể hiện mình trong các hoạt động nhằm giúp các em tự tin hơn.

Trong các hoạt động của trường, người dẫn chương trình cũng là các em học sinh. Theo đó, một em dẫn tiếng Việt, một em dẫn tiếng Anh. Đó vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để học sinh trong trường thể hiện vốn tiếng Anh được học.

Đỗ Thơm