Công bố danh tính, điều tra phụ huynh có con được nâng điểm mới công bằng

05/05/2019 07:02
Vũ Ninh
(GDVN) - Cần công bố danh tính của các học sinh và phụ huynh (có con được nâng điểm), sau đó điều tra các hành vi trên có dấu hiệu của đưa và nhận hối lộ hay không?

Trong những ngày qua, dư luận trong nước đang hướng về các địa phương Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La với vụ bê bối gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gian năm 2018.

Cách đây nửa bán cầu, một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu trên thế giới là Hoa Kỳ cũng đang rúng động bởi bê bối chạy trường đại học.

Công bố danh tính, điều tra phụ huynh có con được nâng điểm mới công bằng ảnh 1Nhân văn với kẻ gian lận điểm thi là dung túng để cái xấu có đất sống

Vài ngày trước, hàng loạt các tờ báo trong nước phanh phui nhiều phụ huynh có con được nâng điểm là con cháu quan chức ở tỉnh nọ, tỉnh kia. 

Thế nhưng dư luận xã hội và pháp luật dường như chỉ hướng sự chỉ trích vào hệ thống giáo dục cũng như xử lý các cán bộ nâng điểm mà bỏ quên những bậc phụ huynh.

Trong khi đó tại Mỹ, 50 người bị buộc tội có đến 33 phụ huynh đã phải hầu tòa.

Họ phần lớn là những người giàu có, nổi tiếng và có cả những ngôi sao Hollywood đều trở thành bị cáo và có thể bị kết án đến 20 năm tù.

Còn chúng ta, ngành giáo dục vẫn còn đang tranh cãi xem có nên công bố danh sách những thí sinh được nâng điểm và những vị phụ huynh có con được nâng điểm hay không?

Có những thủ khoa đầu vào được nâng hơn 20 điểm vẫn ung dung đi học 9 tháng. Các vị phụ huynh thì chối nguây nguẩy, học sinh thì nói không biết?

Tại Mỹ ngoài những trường hợp tự nguyện xin bỏ học nhiều sinh viên bị điều tra và chắc chắn bị đuổi học.

Có đến 33 phụ huynh là những người giàu có và nổi tiếng phải hầu tòa trong vụ chạy trường tại Mỹ (Ảnh:Scott Eisen / Getty Images)
Có đến 33 phụ huynh là những người giàu có và nổi tiếng phải hầu tòa trong vụ chạy trường tại Mỹ (Ảnh:Scott Eisen / Getty Images)

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường từng bác bỏ quan điểm của nhiều phụ huynh, họ nói rằng "không biết con được nâng điểm" là rất phi lý.

Tiến sĩ Cường phân tích dưới góc độ một phép tính xác suất: Với 3 bài thi dưới điểm 1 thậm chí bao gồm cả điểm 0 thì xác suất cả 3 bài thi đều dưới điểm 1 là khoảng 1 phần 10 triệu.

Có thí sinh được 2 điểm không nữa thì xác suất sẽ là 1 phần 10 tỷ. Như vậy dù có bắt cả thế giới đi thi cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm không.

Vậy mà chỉ ở 2 tỉnh với vài chục nghìn học sinh mà có đến 3 môn dưới điểm 1. Điều này khẳng định học sinh đã không chủ động điền đáp án lúc đi thi.

Như vậy nhiều khả năng thí sinh đã biết trước họ được nâng điểm. Thí sinh biết được điều này không thể có chuyện cha mẹ không biết được. Cho nên không thể nói phụ huynh vô can trong chuyện này được?

Câu hỏi mà dư luận xã hội quan tâm: Nếu như phụ huynh có liên quan trong việc nâng điểm cho con cháu mình thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Công bố danh tính, điều tra phụ huynh có con được nâng điểm mới công bằng ảnh 3"Tôi cũng băn khoăn ai nhờ hay chạy chọt nâng điểm, xử lý họ thế nào?"

Dưới góc độ pháp lý, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tham vấn ý kiến của luật sư Quách Thành Lực, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Lực cho biết:

"Những cá nhân đã bị  khởi tố điều điều tra về hành vi: "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La…

Có thông tin Cơ quan điều tra xác định Đỗ Mạnh Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng từ việc nâng điểm cho thí sinh.

Tuy nhiên đến nay, nhiều quan chức tỉnh Hòa Bình có thí sinh được nâng điểm vẫn chưa nhận trách nhiệm.

Ai cũng biết, ai cũng hiểu một người nếu không nhận được lợi ích vật chất, tinh thần hoặc những lợi ích khác thì sẽ không mạo hiểm thực hiện hành vi biết rõ là vi phạm để thay đổi điểm thi của các thí sinh.

Tuy nhiên không thể kết tội dựa trên những suy đoán, giả định.

Cơ quan điều tra phải đưa ra những bằng chứng như lời khai, sự thừa nhận của các bên, tài liệu ghi nhận việc chuyển, nhận tiền, lợi ích phi vật chất, thỏa thuận trong nhận tiền, lợi ích phi vật chất để nâng điểm… thì mới có căn cứ kết luận người đưa tiền phạm tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội đưa hối lộ".

Điều 364: Tội đưa hối lộ.

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

b) Lợi ích phi vật chất thường bị che dấu, nhầm lẫn với các quan hệ tình cảm dân sự thông thường rất khó phát hiện trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Dư luận thắc mắc nếu phụ huynh biết và đưa hối lộ để thực hiện hành vi chạy điểm thì sẽ bị xử lý như thế nào? (Ảnh: SGGP.ORG)
Dư luận thắc mắc nếu phụ huynh biết và đưa hối lộ để thực hiện hành vi chạy điểm thì sẽ bị xử lý như thế nào? (Ảnh: SGGP.ORG)

Ngoài ra, luật sư Quách Thành Lực phân tích trong trường hợp con cháu lãnh đạo được nâng điểm nhưng phụ huynh không hối lộ bằng tiền tài, lợi ích vật chất mà bằng lợi ích phi vật chất:

"Lợi ích phi vật chất trong trường hợp này có thể là những hứa hẹn, cam kết thăng quan, tiến chức, sự hỗ trợ thuận lợi trong công việc cá nhân của người nâng điểm từ những người có chức vụ có con được nâng điểm.

Có người nâng điểm vì yêu quý lãnh đạo, yêu thương con cái của những người này mà tự mình thực hiện hành vi nâng điểm thì không có cơ sở xử lý hành vi đưa hối lộ.

Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử về tội danh này, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ lấy lời khai, thu giữ tài liệu ghi âm, ghi hình, phối hợp với hoạt động đối chất và các nghiệp vụ khác để xác định đối tượng đưa hối lộ là lợi ích phi vật chất.

Người đưa hối lộ chưa bị phát giác nếu chủ động khai báo thì sẽ được coi là không có tội theo quy định tại khoản 7 điều 364 Tội đưa hối lộ: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

Như vậy điều mà ngành giáo dục cần làm ở đây: Thứ nhất cần công bố danh tính của các học sinh và phụ huynh (có con được nâng điểm).

Thứ hai điều tra các hành vi trên có dấu hiệu của đưa và nhận hối lộ hay không? Nếu có thì cần phải xử lý nghiêm cả bên đưa và bên nhận hối lộ.

Có như thế mới khẳng định được sự nghiêm minh của pháp luật. Dư luận đang chờ đợi câu trả lời.

Vũ Ninh