Còn tồn tại nhiều bất cập trong việc triển khai cơ chế Hội đồng trường

09/12/2021 06:58
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định: "Thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học".

Trường đại học công lập tự chủ vẫn hoạt động theo định chế cơ quan chủ quản

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, trong tự chủ đại học, Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường - đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tuy nhiên, cơ cấu nhân sự của Hội đồng trường, phương thức làm việc và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu, chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu của loại hình trường đại học, phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của chủ sở hữu cho chính Hội đồng trường. Do đó các trường đại học không thể “dàn hàng ngang” cùng đi vào tự chủ mà từng trường phải chủ động xây dựng lộ trình riêng cho mình. Các quy định của nhà nước cũng cần thể hiện tinh thần đó thì chủ trương tự chủ đại học mới thực sự đi vào cuộc sống.

Trên thực tế, việc triển khai cơ chế Hội đồng trường vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trong tự chủ đại học, Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường - đó chính là Hội đồng trường

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trong tự chủ đại học, Nhà nước không thể trao quyền tự chủ trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường - đó chính là Hội đồng trường

Trong tổ chức quản trị Xã hội và Nhà nước có 2 loại định chế tổ chức rất phổ biến: Một là, định chế có cấu trúc kiểu tập quyền hay định chế cơ quan chủ quản (cấp trên bổ nhiệm cấp dưới và cấp dưới phải chấp hành các chỉ thị của cấp trên dưới dạng các quyết định cá nhân, mọi nhà trường đều có cơ quan/bộ chủ quản, trường không được quyền tự chủ hoàn toàn). Hai là định chế điều phối tự quản kiểu hội đồng ( qua bầu chọn đại diện các nhóm lợi ích có liên quan, không có cơ quan/bộ chủ quản, trường được tự chủ tối đa).

Cho tới nay, cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam đều hoạt động theo định chế cơ quan chủ quản.

Trong khi đó, trong quá trình đổi mới đất nước nói chung và đổi mới giáo dục đại học nói riêng từ việc phân tích các điểm mạnh, yếu của 2 định chế tổ chức nêu trong Nghị quyết số 04/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã nêu:

“Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính.

Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.

Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập cũng nêu rõ: “ …Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định hội đồng trường là cấp có thực quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa hội đồng trường với ban giám đốc (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên…”.

Còn quan niệm sai về sự hiện diện của 2 đại diện chủ sở hữu

Với chủ trương gia tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, ở Việt Nam, cơ chế Hội đồng trường từng bước được khẳng định tại các văn bản pháp lý của Nhà nước.

Theo Luật Giáo dục 2005, Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường.

Do trước năm 2015 Nhà nước luôn là chủ sở hữu của các trường công lập nên ở các trường công lập cả Hiệu trưởng lẫn Hội đồng trường đều cùng là người đại diện cho Nhà nước. Vì có sự chồng lấn về chức năng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường như vậy nên phần lớn hiệu trưởng thường không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường trong trường mình; và nếu phải chấp nhận thành lập Hội đồng trường thì chỉ xem nó như là một tổ chức tư vấn của mình. Chính việc chậm thành lập các Hội đồng trường “đích thực” là nguyên nhân chủ yếu gây khó cho Nhà nước khi muốn trao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Vấn đề còn trở nên phức tạp hơn khi một mặt, theo Bộ Luật Dân sự 2015, chủ sở hữu của các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay là cộng đồng xã hội (toàn dân) chứ không phải Nhà nước như trước năm 2015, còn Nhà nước hiện nay chỉ đóng vai trò đại diện cho chủ sở hữu.

Mặt khác, tại Luật 34/2018/QH14, Điều 16 lại khẳng định “Hội đồng trường của trường đại học công lập ...thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Trong Luật hoàn toàn không nói tới khái niệm “Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học” (tức cơ quan chủ quản của cơ sở giáo dục đại học) mà chỉ nhắc tới “Cơ quan quản lý có thẩm quyền” (tức cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các địa phương quản lý trường đại học theo địa bàn).

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định, sự khác nhau đó ở 2 luật dẫn đến quan niệm sai trong nhiều người về sự hiện diện của 2 đại diện chủ sở hữu ở các cơ sở giáo dục đại học công lập. Tuy nhiên bất hợp lý này sẽ được hóa giải khi ta lưu ý rằng Hội đồng trường chỉ thực sự cần thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ (hoạt động theo định chế điều phối tự quản kiểu hội đồng).

Còn ở các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ (hoạt động theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền) thì không cần thành lập Hội đồng trường. Do đó cần phải hiểu cho đúng đại diện chủ sở hữu của cơ sở giáo dục đại học tự chủ phải là Hội đồng trường, còn đại diện chủ sở hữu của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ mới là cơ quan chủ quản.

Việc đưa vào Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật số 34/2018/QH14 khái niệm mập mờ “Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học” áp dụng cho cả các cơ sở giáo dục đại học tự chủ là trái với tinh thần của Luật số 34/2018/QH14, nên cần được sửa ngay để Luật 34/2018/QH14 sớm đi vào cuộc sống.

Theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ (2005), Nhà nước chấp nhận cả hai loại hình trường tư thục: trường tư thục vì lợi nhuận và trường tư thục không vì lợi nhuận.

Thế nhưng, trong một thời gian dài quy định chỉ có một loại trường tư thục dẫn tới việc đưa đồng thời cả hai khái niệm “sở hữu tư nhân” (hay “sở hữu riêng/sở hữu chung theo phần” - theo Bộ Luật dân sự 2015) - vốn chỉ có đối với loại trường tư thục hoạt động có lợi nhuận và “sở hữu chung hợp nhất không phân chia” thường chỉ có ở loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận vào cùng một Quy chế 61/2009/QĐ-TTg (sửa đổi).

Chính việc trộn lẫn các khái niệm sở hữu như trên đã dẫn tới sự can thiệp thô bạo vào quyền của những nhà đầu tư có ý định đưa nhà trường của mình đi theo hướng có lợi nhuận; đồng thời làm cho việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục gặp nhiều trục trặc; có trường muốn ở lại với mô hình đại học dân lập để tiếp tục theo sở hữu tập thể (tức sở hữu chung hợp nhất) nhưng không được chấp thuận.

Những xung đột xảy ra khá phổ biến trong nội bộ các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập (cả dân lập lẫn tư thục) trong thời gian qua chủ yếu là do sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong trường (giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu, giữa các cổ đông với nhau).

Để giải tỏa các xung đột này giải pháp tốt nhất là phải tách bạch quyền hạn và chức năng giữa nhóm thành viên góp vốn (sáng lập và đầu tư), hội đồng trường (quản trị, định hướng và giám sát) và ban giám hiệu (quản lý và điều hành).

Phạm Minh